Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Để tăng cường thu hút FDI của Nhật Bản vào Việt Nam
Người đăng tin: Ngày đăng tin: 20/12/2013 Lượt xem: 67


Tính đến hết năm 2012, với 1.691 dự án và tổng vốn đăng ký gần 20 tỷ USD, Nhật Bản hiện là nước đứng đầu các quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Nhưng, để tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả dòng vốn này của Nhật Bản, thì Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần được cải thiện.

Nhìn lại hoạt động FDI của Nhật Bản tại Việt Nam

Ngay sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1/1/1988, các nhà đầu tư Nhật Bản đã bắt đầu bước chân vào đầu tư tại Việt Nam. Từ đó đến nay, có thể chia thành 4 giai đoạn:

- Giai đoạn thăm dò từ năm 1989-1993

Có thể thấy, bước khởi đầu của các nhà đầu tư Nhật Bản còn rất chậm chạp, mức đầu tư hàng năm không ổn định, tổng số vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam còn rất khiêm tốn. Tổng vốn FDI của Nhật Bản cả thời kỳ này chỉ chiếm 3,1% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Các dự án FDI của Nhật Bản hầu hết đều có quy mô nhỏ và vừa, mức vốn trung bình khoảng 6 triệu USD/dự án.

Năm 1990, tuy Việt Nam đã ban hành nhiều ưu đãi đầu tư hấp dẫn hơn để thu hút vốn FDI thông qua sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài, nhưng về cơ bản, khuôn khổ pháp lý mới hình thành, chưa hoàn thiện, liên tục thay đổi nên chưa tạo được lòng tin của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư Nhật Bản vốn thận trọng.

- Giai đoạn bùng nổ từ năm 1994-1997

Đây là thời kỳ FDI của Nhật Bản vào Việt Nam nở rộ, mức vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam qua các năm đều đạt những con số lớn. Tính cả giai đoạn 1994-1997, Việt Nam đã thu hút gần 3 tỷ USD vốn đầu tư của Nhật Bản, tăng gấp 15 lần so với 5 năm của giai đoạn trước, số dự án đầu tư cũng tăng gấp 5 lần.

Năm 1995 có thể nói là năm "bùng nổ" FDI của Nhật Bản vào Việt Nam. Nguyên nhân sâu xa của sự kiện này chính là do sự tăng giá đỉnh điểm của đồng Yên từ 140 Yên/1USD đã lên tới 80 Yên/1USD, nên đầu tư FDI của các nhà đầu tư Nhật Bản là một nhu cầu cấp bách, là lối thoát tốt nhất cho các công ty Nhật Bản để tránh "cơn lốc" lên giá của đồng Yên.

- Giai đoạn suy thoái từ năm 1998-2002

Trong giai đoạn này, FDI của Nhật Bản vào Việt Nam lâm vào trạng thái trì trệ kéo dài, suy giảm rõ rệt cả về lượng vốn cũng như số dự án đầu tư (Bảng 1).

Bảng 1: FDI của Nhật Bản vào Việt Nam giai đoạn 1998-2002

Đơn vị: Triệu USD

Năm

1998

1999

2000

2001

2002

Số dự án

20

13

26

52

59

Vốn đầu tư

86

42

140

223

163

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Đây là thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 1997, nền kinh tế Nhật Bản lâm vào tình trạng suy thoái. Thêm vào đó, sự giảm giá của đồng Yên, việc cải tổ, cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhật Bản, cũng như việc Chính phủ Nhật tiến hành điều chỉnh hoạt động đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này làm cho dòng FDI của Nhật Bản tới hầu hết các nước suy giảm nghiêm trọng. Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa là các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá điều kiện nội tại của nền kinh tế Việt Nam và môi trường đầu tư kém hấp dẫn so với các nước khác.

- Giai đoạn phục hồi và phát triển mạnh mẽ từ năm 2003 -2012

Đây được coi là giai đoạn các nhà đầu tư Nhật Bản chú ý trở lại thị trường Việt Nam, dòng FDI của Nhật Bản vào Việt Nam từng bước hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với những con số đáng kể (Bảng 2).

Bảng 2: FDI của Nhật Bản vào Việt Nam giai đoạn 2003-2012

Đơn vị: Triệu USD

Năm

2003

2004

2005

2006

2007

2008

2009

2010

2011

2012

Số dự án

65

77

82

97

159

105

87

144

227

253

Vốn đầu tư (triệu USD)

324

890

960

1.038,5

1.385,9

7.578,7

715

2.399

4.330

5.130

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguyên nhân của quá trình phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng này trước hết phải kể đến sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản tới Việt Nam như một địa điểm tiềm năng cho chiến lược "Trung Quốc+1", chiến lược tìm một thị trường đầu tư để phân tán rủi ro khỏi Trung Quốc. Thêm vào đó, từ ngày 1/7/2006, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (năm 2005) có hiệu lực, xoá bỏ phân biệt giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, tạo tâm lý bình đẳng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, việc phân cấp cho chính quyền tỉnh, thành phố thẩm định và cấp phép, quản lý nhà nước các doanh nghiệp FDI đã tạo thành phong trào thi đua cải thiện thủ tục và môi trường đầu tư giữa các địa phương.

Những vấn đề đặt ra

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được như trên, FDI của Nhật Bản tại Việt Nam còn có những mặt hạn chế sau:

Về tổng vốn đầu tư, dòng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm lực kinh tế của Nhật Bản và nhu cầu phát triển kinh tế của hai nước.

Theo Cơ quan Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (Jetro), trong cơ cấu dòng vốn FDI của Nhật Bản vào châu Á, dòng vốn đầu tư vào Việt Nam ở tất cả các giai đoạn đều chiếm tỷ trọng không lớn: trong giai đoạn thăm dò 1989-1993 chỉ đạt 0,17%; thậm chí trong giai đoạn bùng nổ 1994-1997 cũng chỉ lên tới 2,19%. Con số này giảm xuống chỉ còn 0,97% trong thời kỳ suy thoái 1998-2002 và trong giai đoạn hiện nay (2003-2012) là 2,48%.

Những con số trên nếu so với mức tăng FDI của Nhật Bản vào các quốc gia khác còn rất khiêm tốn. Điều này phần nhiều là do các nhân tố nội sinh của môi trường đầu tư Việt Nam còn thiếu hấp dẫn, chưa thu hút được các nhà đầu tư Nhật Bản.

Về cơ cấu ngành, dòng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam phân bố không đều, tập trung nhiều vào các lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng. FDI của Nhật Bản trong những năm gần đây có sự dịch chuyển từ các ngành công nghiệp khai thác sang các ngành công nghiệp chế tạo, cần nhiều lao động.

Về hình thức đầu tư: Hiện nay, hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm đa số trong các dự án đầu tư của Nhật Bản. Điều này đặt ra yêu cầu là Việt Nam cần cải thiện môi trường pháp lý thuận lợi cho hình thức này phát triển; đồng thời phát huy nội lực, trình độ đối tác Việt Nam để thu hút FDI Nhật Bản vào các hình thức khác.

Về địa bàn đầu tư, các công ty Nhật Bản chủ yếu chỉ tập trung đầu tư ở những thành phố lớn, những địa bàn có kết cấu hạ tầng tốt, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản và có trình độ. Còn ở những vùng sâu, vùng xa, miền núi thì hầu như vốn FDI của Nhật Bản vẫn chưa tới nơi. Điều này càng tạo ra khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền.

Và, một số đề xuất

Từ thực trạng nêu trên, để thu hút hiệu quả hơn nữa nguồn vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam, theo chúng tôi, cần thực hiện những giải pháp sau:

Thứ nhất, cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Theo đó, chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư phải được xây dựng theo hướng thuận lợi và có tính cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực, nhất là môi trường đầu tư phải ổn định, có tính tiên lượng và minh bạch, chứ không như hiện nay "Sáng đúng, chiều sai - sáng mai lại đúng!". Môi trường đầu tư phải vừa thông thoáng, vừa minh bạch, nhất là có giải pháp hữu hiệu trong việc chống hối lộ và tham nhũng…, thì mới thu hút được những nhà đầu tư có trách nhiệm, biết cân bằng lợi ích, lợi nhuận, và trách nhiệm xã hội.

Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được ký kết năm 2003 giữa Chính phủ hai nước là một bước đi tích cực, nhằm cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường thu hút đầu tư từ phía Nhật Bản. Vì vậy, Việt Nam vẫn phải nỗ lực đưa giai đoạn V (7/2013 – 12/2014) vào triển khai để hoàn thiện môi trường đầu tư, tạo niềm tin vững chắc đối với các doanh nghiệp cũng như Chính phủ Nhật Bản.

Thứ hai, hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Theo các chuyên gia Nhật Bản, sở dĩ dòng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam chưa cao một phần do điều kiện kết cấu hạ tầng của Việt Nam còn yếu kém. Vì vậy, cải thiện kết cấu hạ tầng có thể được coi là một trong những nhóm biện pháp chính thúc đẩy thu hút FDI nói chung và FDI của Nhật Bản nói riêng vào Việt Nam trong những năm tới.

Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư. Trong đó:

- Việt Nam cần duy trì hoạt động xúc tiến quảng cáo, giới thiệu tiềm năng đầu tư đối với các doanh nghiệp Nhật Bản như một hoạt động thường xuyên, liên tục thay vì làm theo chiến dịch như các năm trước đây;

- Nên tạo điều kiện và cử người tìm cách tiếp xúc trực tiếp với đội ngũ lãnh đạo cấp cao các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản. Nghiên cứu chiến lược hoạt động của họ, trình độ công nghệ của họ ở từng lĩnh vực, từ đó đánh giá chính xác xem Việt Nam đang ở trình độ nào trong các cấp độ công nghệ của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản;

- Cần chú trọng nghiên cứu luật pháp, chiến lược và chính sách của Chính phủ Nhật Bản; Nghiên cứu kỹ chiến lược hoạt động của từng tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản muốn kêu gọi đầu tư; Hiểu rõ quy mô, loại hình doanh nghiệp trong từng lĩnh vực, không chỉ đối với các tập đoàn, mà còn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản để có các biện pháp xúc tiến đầu tư, mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm năng đối với dự án đầu tư tại Việt Nam.

Thứ tư, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng tập trung vào một số ngành, sản phẩm trọng điểm. Đặc biệt, cụ thể hóa các tiêu chí xác định ngành, sản phẩm được hưởng ưu đãi theo diện công nghiệp hỗ trợ, nâng mức ưu đãi đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, đặc biệt nên ưu đãi cao hơn cho các doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi dự án sản xuất sản phẩm lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ so với các dự án đơn lẻ.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1043/QĐ-TTg, ngày 1/7/2013 phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây có thể coi là tiền đề quan trọng để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư Nhật Bản.

Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu, xây dựng Luật Khuyến khích và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Thứ năm, cần tăng cường hỗ trợ, ưu đãi tài chính cho các dự án đã và đang được triển khai, tận dụng, thu hút triệt để vốn đăng ký từ các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản. Cụ thể là:

- Thông qua việc áp dụng hệ thống giá cả đối với các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước thống nhất theo cơ chế "một giá", như: giá điện, nước, vận tải, bưu điện…;

- Đổi mới chế độ quy định cho doanh nghiệp lập báo cáo thuế, báo cáo tài chính theo hướng minh bạch, đơn giản, tiết kiệm thời gian và chi phí của doanh nghiệp, như: nộp qua đường bưu điện, hoặc internet có mã tài khoản. Tổ chức triển khai tốt và nghiêm túc quy chế giải quyết các yêu cầu, thủ tục hành chính cho người nộp thuế theo "cơ chế một cửa" tạo thuận lợi cho người nộp thuế;

- Thường xuyên thực hiện việc đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, bảo đảm cán bộ thuế có trình độ, kiến thức, kỹ năng quản lý thuế tiên tiến, đồng thời có đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử tốt. Kiện toàn và tăng cường hệ thống kiểm tra nội bộ trong toàn ngành thuế để kiểm soát, giảm thiểu và từng bước đi đến xóa bỏ hành vi gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp.

Thứ sáu, tăng cường và có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Để phục vụ cho hoạt động tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, Chính phủ và các doanh nghiệp phải tích cực và chủ động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cả về chuyên môn và ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, đưa các cán bộ, người lao động đi học tại các cơ sở đào tạo của chính các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2013). Báo cáo tổng kết tình hình 25 năm thu hút FDI tại Việt Nam, tài liệu tại Hội nghị tổng kết tình hình 25 năm thu hút FDI tại Việt Nam, Hà Nội, ngày 27/3/2013

2. JETRO (2012). International Trade and Foreign Direct Investment, White Paper

ThS. Nguyễn Thị Thương (ĐH Kinh tế quốc dân)

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 23/2013

Xem tin gốc tại đây


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

Địa chỉ

Tầng 18, Trung tâm Hành chính,

24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Quản lý nội dung HTML

Liên hệ

84-236-3886243/ 3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng

Giấy phép: Số 124/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 20/02/2017

Trưởng Ban Biên tập: Bà Huỳnh Liên Phương - Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng