Bài 1: Tập trung các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngay trong quý 1
Từ quý 4-2024, lãnh đạo thành phố sớm xác định các mục tiêu, động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2025, đặc biệt là triển khai quyết liệt, hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù; các chương trình, kế hoạch phát triển các ngành kinh tế... để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng trên 10%.

TRONG ẢNH: Đô thị Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: HUY TUẤN
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Tại hội nghị lần thứ 18 đánh giá tình hình công tác năm 2024, bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tổ chức tháng 12-2024, Ban Thường vụ Thành ủy xác định cần có các chủ trương, giải pháp giúp thành phố tận dụng được những thời cơ mới để tạo động lực mới, khí thế mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội một cách bền vững, với quyết tâm khẳng định vị thế của thành phố trong khu vực và cả nước.
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo, Ban cán sự Đảng UBND thành phố (nay là Đảng ủy UBND thành phố) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tập trung các nhiệm vụ, giải pháp để tăng trưởng kinh tế ngay trong quý 1-2025 trên cơ sở đà tăng trưởng của quý 4-2024.
HĐND thành phố, UBND thành phố và các địa phương, đơn vị tập trung làm việc với các doanh nghiệp để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực công nghiệp, xây dựng. Các biện pháp để thúc đẩy phát triển ngành du lịch thành phố cần tích cực triển khai, nhất là tập trung nguồn lực để quảng bá, thu hút và đưa vào khai thác các sản phẩm mới...
Nghị quyết hội nghị Thành ủy lần thứ 18 xác định GRDP năm 2025 phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 10%. Về giải pháp thực hiện, nghị quyết nêu rõ: Tập trung các nhiệm vụ, giải pháp tạo chuyển biến và thúc đẩy tăng trưởng ngay trong quý 1-2025 trên cơ sở đà tăng trưởng quý 4-2024.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã có chủ trương, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Khẩn trương hoàn thiện, đưa vào hoạt động Khu công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 (giai đoạn 1); xúc tiến đầu tư các khu công nghệ thông tin; triển khai hiệu quả đề án Phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố; đẩy nhanh hình thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng; sớm đưa vào hoạt động cụm công nghiệp Cẩm Lệ, Hòa Liên và hoàn thành thủ tục đầu tư khu công nghiệp Hòa Ninh.
Tiếp tục triển khai, cụ thể hóa Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát huy vai trò của Ban chỉ đạo Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong chỉ đạo tổ chức thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ và thời điểm nghị quyết có hiệu lực thi hành; tích cực phối hợp với cơ quan Trung ương triển khai thực hiện Kết luận số 47-TB/TW của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng...
Rà soát thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và danh mục dự án động lực, trọng điểm giai đoạn 2026-2030, nhất là các dự án để triển khai khu thương mại tự do, trung tâm tài chính...
Thành ủy, HĐND và UBND thành phố chủ động, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, cụ thể hóa nghị quyết, ban hành các văn bản chỉ đạo; tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 136/2024/QH15; xúc tiến, làm việc với một số nhà đầu tư chiến lược; tổ chức khảo sát, lựa chọn vị trí các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng; xây dựng đề án và hồ sơ thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng để trình Thủ tướng Chính phủ; tập trung xây dựng các dự thảo nghị quyết để trình HĐND thành phố ban hành; xây dựng các quy định, quyết định thuộc thẩm quyền của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý triển khai Nghị quyết số 136/2024/QH15 từ ngày 1-1-2025.
Tại các hội nghị chuyên đề của UBND thành phố về đánh giá tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và đánh giá công tác thu chi ngân sách nhà nước năm 2024 và triển khai công tác năm 2025, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị chú trọng thay đổi, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao tinh thần trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, cơ hội của các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố được Trung ương, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.
Về công tác thu ngân sách nhà nước, tập trung triển khai 4 nhóm nhiệm vụ: duy trì, nuôi dưỡng nguồn thu truyền thống; nghiên cứu, tạo các nguồn thu mới trên cơ sở tăng cường thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố; nâng cao hiệu quả công tác đấu giá quyền sử dụng đất; triển khai hiệu quả công tác xử lý, chống thất thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, căn cứ các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố ban hành Quyết định số 117/QĐ-UBND ngày 10-1-2025 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và chủ đề năm 2025. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố triển khai và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2025; chương trình công tác năm 2025 của UBND thành phố (với 136 nhiệm vụ và 63 nội dung dự kiến trình tại các kỳ họp HĐND thành phố thường kỳ trong năm 2025).
Ngày 20-3, UBND thành phố tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai các kết luận, nghị quyết, nghị định, kế hoạch của Trung ương và thành phố về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
![]() |
Nhanh chóng giải quyết khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp
Ngay từ những ngày đầu năm 2025, lãnh đạo thành phố làm việc với các doanh nghiệp đóng góp vào số thu ngân sách lớn của thành phố: Công ty TNHH Phần mềm FPT miền Trung, Công ty TNHH ODK Mikazuki Việt Nam, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng, Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn BRG tại Đà Nẵng, Chi nhánh Công ty CP Vinpearl tại Đà Nẵng (thuộc Tập đoàn Vingroup)… để lắng nghe những đề xuất, kiến nghị và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo thành phố bắt tay ngay vào giải quyết các khó khăn, vướng mắc tồn đọng, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tối đa trong thủ tục hành chính, đặc biệt là tập trung triển khai các nghị quyết của HĐND thành phố thông qua.
Ngày 16-1, thành phố tổ chức hai sự kiện có ý nghĩa quan trọng: khai trương Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 tại đường Như Nguyệt (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) và hội thảo Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Việc đưa vào hoạt động Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 là nỗ lực của chính quyền thành phố trong phối hợp với các bộ, ban, ngành để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2024/NĐ-CP ngày 1-2-2024 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng và Quyết định số 1238/QĐ-TTg ngày 22-10-2024 mở rộng Khu Công nghệ thông tin tập trung, Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2. Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng công nhận Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 là kết cấu hạ tầng thông tin do nhà nước đầu tư, quản lý.
Việc tổ chức thành công hội thảo “Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam” giúp thành phố lắng nghe các chuyên gia đóng góp ý kiến, đề xuất nhằm phát huy thế mạnh, kết hợp các nguồn lực để xây dựng trung tâm tài chính. Ngay sau đó, cuối tháng 2 và đầu tháng 3-2025, đoàn công tác của thành phố do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc với các đối tác trong lĩnh vực tài chính, khoa học công nghệ tại Singapore và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Trong 7 ngày với 35 cuộc làm việc, thành phố xúc tiến đầu tư nhiều lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, trao đổi kinh nghiệm xây dựng các mô hình mới mà Đà Nẵng đang nỗ lực thực hiện.
Ông Andy Khoo, Giám đốc điều hành Tập đoàn Terne Holdings đánh giá, Đà Nẵng có vị trí gần các tuyến thương mại quan trọng trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cùng với các cảng lớn như Tiên Sa và Liên Chiểu giúp Đà Nẵng trở thành một trung tâm tự nhiên cho tài chính thương mại.
Mặt khác, Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng có thể đáp ứng nhu cầu tài chính thương mại cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng cách cung cấp các giải pháp tài chính thương mại mới. Với vị trí chiến lược trên khu đất rộng gần 20ha, Trung tâm tài chính Đà Nẵng sẽ định vị Đà Nẵng như một cổng tài chính quan trọng, thu hút các nhà đầu tư toàn cầu và củng cố vai trò của thành phố trong ngành tài chính đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam. Ông Andy Khoo kỳ vọng Đà Nẵng sẽ trở thành một trung tâm tài chính lớn tiếp theo của ASEAN trong tương lai gần.