Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Đẩy mạnh đầu tư phát triển giao thông vận tải là chìa khóa đưa du lịch Đà Nẵng phát triển đồng bộ và bền vững
Người đăng tin: Hòa Duy Võ Ngày đăng tin: 14/05/2024 Lượt xem: 34

Trong sự phát triển của ngành Du lịch, không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của ngành Giao thông Vận tải, bởi hoạt động du lịch luôn gắn liền với chuyến đi của con người từ nơi ở cố định thường xuyên đến các điểm du lịch. Hoạt động du lịch gắn liền với hoạt động vận tải và vận chuyển khách du lịch là một bộ phận không thể tách rời của ngành Du lịch.


Tại Đà Nẵng, ngành du lịch và giao thông vận tải đều là các mũi nhọn mà thành phố tập trung phát triển song hành trong thời gian tới. 

Đối với ngành du lịch, ngày 19/10/2022, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 2726/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án “Định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.Theo đề án, thành phố sẽ phân bổ không gian phát triển du lịch, phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, đường hàng không, đường biển, đường thủy, đường sắt, hạ tầng viễn thông và hệ thống điện nước, thu gom và xử lý chất thải. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và thị trường du lịch, phát triển nguồn lực đầu tư du lịch và nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung xây dựng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý nhà nước và tổ chức hoạt động du lịch, hệ thống giám sát du lịch thông minh, sàn giao dịch điện tử và trong hoạt động kinh doanh du lịch, quản trị và tổ chức phục vụ khách. Cùng với đó là các giải pháp phát triển văn hoá du lịch, xây dựng chính sách để phát triển du lịch, quy hoạch và đầu tư, quản lý kết cấu hạ tầng, liên kết hợp tác phát triển du lịch. Đồng thời, thành phố ưu tiên nguồn vốn đầu tư công để triển khai các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, kết hợp phục vụ du lịch và phục vụ dân sinh, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác.

Đối với ngành logistics, ngày 09/5/2023, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 940/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics có tính hấp dẫn cao, thu hút mạnh các nhà đầu tư thích hợp nhằm hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng logistics, bảo đảm nguồn nhân lực và kỹ năng chuyên sâu bảo đảm vận hành tốt một hệ thống logistics năng động, làm trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó cảng biển Đà Nẵng và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (CHKQT Đà Nẵng) là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, với các quốc gia trong khu vực ASEAN và quốc tế. Đến năm 2050, xây dựng hệ thống logistics hiện đại có cấu trúc rõ ràng, cơ sở hạ tầng hoàn thiện đáp ứng yêu cầu chất lượng dịch vụ logistics quốc tế, là mắt xích quan trọng của hành lang vận tải Châu Á - Thái Bình Dương.

Tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành giao thông vận tải sẽ tạo đà phát triển ngành du lịch.

1. Đầu tư vào Sân bay Quốc tế Đà Nẵng để mở rộng thị trường khách du lịch và tạo cơ hội phát triển các sản phẩm du lịch mới

Đà Nẵng là đại diện duy nhất của Việt Nam được vinh danh tại Sân bay tốt nhất thế giới năm 2023 - The World's Best Airports of 2023 của Skytrax, tổ chức xếp hạng vận tải hàng không quốc tế. Hai hạng mục mà Đà Nẵng được nhắc đến là Sân bay cải tiến nhất thế giới (hạng 3) và Sân bay khu vực tốt nhất ở châu Á (hạng 10). Đến năm 2024, cũng theo kết quả xếp hạng các sân bay trên thế giới do Skytrax vừa công bố, Sân bay quốc tế Đà Nẵng lại tiếp tục lọt vào Top 100 Sân bay tốt nhất thế giới. Như vậy, Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã và đang đóng góp rất tích cực vào phát triển du lịch Đà Nẵng, và dần khẳng định vị trí của mình trên bản đồ sân bay du lịch quốc tế. 

Hiện tại, công suất thiết kế nhà ga của Sân bay quốc tế Đà Nẵng là 10 triệu khách/năm, trong đó nhà ga T1 quốc nội là 06 triệu khách/năm, nhà ga T2 quốc tế là 04 triệu khách/năm. Tuy nhiên, với hiện trạng số lượng khách du lịch đến với thành phố như giai đoạn hiện nay (năm 2019 trước dịch COVID-19 đạt gần 09 triệu lượt, năm 2022 và 2023 phục hồi sau COVID-19 đạt gần 08 triệu lượt) và có xu hướng ngày càng tăng, công suất hiện tại của Sân bay QT Đà Nẵng sẽ sớm bị quá tải. Vì vậy, đầu tư mở rộng Sân bay QT Đà Nẵng là hết sức cần thiết. 

Hai dự án nâng cao năng lực phục vụ hành khách đang kêu gọi đầu tư trong thời gian tới tại Sân bay QT Đà Nẵng có thể kể đến là:

  • Mở rộng Nhà ga hành khách T1: tăng công suất lên 10 triệu hành khách/năm, thời gian thực hiện dự án: 2024-2026. 

  • Xây dựng Nhà ga hành khách T3: đạt công suất 15 triệu hành khách/năm, thời gian thực hiện dự án: 2030-2034. 

Việc mở rộng sân bay không những đáp nhu cầu ngày càng cao trong công tác phục vụ du khách mà còn mở rộng thị trường, mở rộng tệp khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm du lịch.

Sân bay Quốc tế Đà Nẵng (ảnh sưu tầm)

Thực tế, một số đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng tính đến thời điểm hiện tại bao gồm: Narita (Nhật Bản), Incheon (Hàn Quốc), Busan (Hàn Quốc), Daegu (Hàn Quốc), Cheongju (Hàn Quốc), Muan (Hàn Quốc), Đài Bắc, Cao Hùng, Macau, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Băng Cốc (Thái Lan), Chiangmai (Thái Lan), Siêm Riệp (Campuchia), Kuala Lumpur (Malaysia), Manila (Philippines). Nếu dự án các ga hành khách được mở rộng và xây mới, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đa dạng hóa và tăng tần suất các đường bay quốc tế trực tiếp đến với thành phố Đà Nẵng. Các thị trường này sẽ góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch mới vì đây cũng chính là các thị trường tiêu thụ các sản phẩm du lịch mới. 

Ví dụ, thời gian vừa qua, Ấn Độ là một thị trường tiềm năng đối với du lịch Đà Nẵng. Đường bay trực tiếp Đà Nẵng - Delhi và Đà Nẵng - Mumbai (đưa vào sử dụng năm 2023, hiện tạm thời chưa được tiếp tục khai thác) đã góp phần đưa nhiều du khách Ấn Độ đến với thành phố. Năm 2023, khách Ấn Độ chiếm 4,4% số lượng khách nước ngoài lưu trú tại thành phố và Đà Nẵng đã lọt top “Điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất tại Ấn Độ” do Skyscanner Ấn Độ bình chọn. Sản phẩm du lịch cưới của thành phố Đà Nẵng cũng vì thế mà phát triển để đáp ứng nhu cầu của thị trường này. Nổi bật là tháng 1/2023, một gia đình tỷ phú Ấn Độ đã chọn Đà Nẵng là địa điểm để tổ chức đám cưới cho con cái của mình, đoàn gồm 350 khách mời và hơn 100 nhân viên sự kiện, đầu bếp từ Ấn Độ sang để phục vụ đám cưới trong vòng 5 ngày. Sau đó, Đà Nẵng tiếp tục đón thêm 2 cặp đôi Ấn Độ đến tổ chức đám cưới với hơn 400 khách, sử dụng hơn 650 phòng lưu trú tại các resort 5 sao.

2. Chuyển đổi Cảng Tiên Sa thành cảng du lịch sau khi Cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động 

Dự án đầu tư Cảng Liên Chiểu có tích dự kiến: 288,33 ha. Dự án đầu tư tổng thể được chia thành 2 dự án thành phần, bao gồm: Dự án thành phần 1 (Hợp phần A) Phần cơ sở hạ tầng dùng chung xây dựng 920m đê chắn sóng nối tiếp 1.070m đê chắn sóng đang triển khai xây dựng; xây dựng luồng tàu, vũng quay, khu nước kết nối đáp ứng cho tàu đến 200 nghìn tấn; đầu tư hệ thống giao thông kết nối giữa các khu bến; đầu tư 1 bến hàng lỏng (cập tàu được 2 bên) phục vụ công tác di dời các bến xăng dầu trong vịnh Liên Chiểu.

Đối với Dự án thành phần 2 (Hợp phần B) bao gồm bến cảng và kết cấu hạ tầng cảng biển, gồm 8 bến container, tổng chiều dài bến 2.750m cho tàu từ 50 nghìn tấn đến 200 nghìn tấn; 6 bến tổng hợp và hàng rời có chiều dài bến 1.550m tiếp nhận tàu 50 nghìn tấn đến 100 nghìn tấn; bến cho tàu thủy nội địa có chiều dài bến 1.230m tiếp nhận tàu đến 5 nghìn tấn. Trong khi đó, hậu phương cảng được đầu tư đồng bộ các kho, bãi cảng, các hạng mục công trình phụ trợ khác như văn phòng điều hành, nhà dịch vụ, xưởng sửa chữa, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị đảm bảo hoạt động khai thác cảng. 

Việc sớm đưa Cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện để chuyển đổi toàn bộ Cảng Tiên Sa trở thành cảng chuyên biệt phục vụ du lịch. Hiện tại, Cảng Tiên sa là cảng biển nước sâu tự nhiên, có độ sâu lớn nhất là 12m nước, chiều dài cầu bến là 1.205 mét, bao gồm 2 cầu nhô, 1 cầu liền bờ chuyên dụng khai thác container và kè. Cảng Tiên sa có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 40.000 DWT, tàu container đến 2.000 teus và tàu khách đến 75.000 GRT.

Trong năm 2023, thành phố Đà Nẵng đón 22 chuyến tàu biển với hơn 18.000 lượt khách. Theo kế hoạch của các hãng tàu biển, trong 3 tháng đầu năm 2024 sẽ có gần 20 chuyến tàu biển, đưa gần 20.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm thành phố từ các thị trường Anh, Mỹ, Đức, Trung Quốc… Các hãng tàu thường xuyên đưa khách đến Đà Nẵng gồm: Seabourn Encore, Aidabella, Azamara Journey, Zuiderdam, Resorts World One, Seabourn Odyssey, Aztania, Westerdam, Viking Cruise (Zhao Shang Yi Dun), Dream Cruise…

Tàu du lịch quốc tế cập Cảng Tiên Sa (ảnh sưu tầm)

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã được thông qua tại Nghị quyết trung ương 4 khóa 9, đã đưa ra mục tiêu xây dựng Việt Nam thành một nước mạnh về biển, phát triển kinh tế xã hội vùng biển, đấy mạnh phát triển ngành du lịch biển. Theo Quyết định số 2190/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch cảng biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, có nêu rỗ: Đầu tư cảng, bến khách du lịch với nhà ga hành khách hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiếp nhận phục vụ được tàu khách du lịch quốc tế đến 10 vạn DWT tại các trung tâm du lịch lớn”. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng cảng biển du lịch đòi hỏi hạ tầng, dịch vụ đồng bộ, vốn đầu tư rất lớn và tại Việt Nam chưa có cảng biển du lịch chuyên dụng, cảng du lịch vẫn còn kết hợp trong cảng hàng hoá, dẫn đến chất lượng phục vụ du khách còn hạn chế. 

Vì vậy, bước đi của thành phố Đà Nẵng đưa Cảng Tiên Sa thành cảng chuyên dụng về du lịch sẽ là bước đi đúng đắn để khai thác thị trường du lịch du thuyền bởi Đà Nẵng được đánh giá là một điểm đến thuận tiện của các hãng tàu biển quốc tế vì nằm trên tuyến giao thông hàng hải quan trọng của châu Á, phù hợp với lộ trình kết nối các tuyến du lịch tàu biển trong khu vực và thế giới. Ngoài ra, khách du lịch tàu biển là khách có chi tiêu cao, là nguồn khách quan trọng của ngành du lịch thành phố. 

3. Song hành với cảng biển, Đà Nẵng đẩy mạnh đầu tư phát triển bến thủy nội địa để phát triển du lịch

Tiềm năng phát triển du lịch kinh tế đường thủy của thành phố Đà Nẵng rất lớn; với hệ thống sông dài 63,2km gồm 7 con sông, trong đó có 19,9km đường thuỷ nội địa quốc gia gồm sông Hàn, sông Vĩnh Điện và 43,3km đường thuỷ nội địa địa phương gồm sông Cu Đê, sông Cẩm Lệ, sông Tuý Loan, sông Yên, sông Quá Giáng.

Đặc biệt, sông Hàn chảy ngang trung tâm thành phố có khả năng khai thác du lịch đường thủy nội địa và nối liền ra biển, kết nối với Hội An (tỉnh Quảng Nam) qua sông Cổ Cò. Đồng thời, mở rộng tuyến thủy từ Vịnh Đà Nẵng kết nối với Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Dọc theo bờ sông Hàn là những địa điểm quan trọng, trong đó có nhiều di tích lịch sử văn hóa và những công trình hiện đại. 

Theo báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng, trong thời gian qua đơn vị đã phối hợp với UBND các quận, huyện chủ trì triển khai các Đề án hình thành sản phẩm du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn, qua đó tạo đà để phát triển ngành du lịch này trong thời gian đến. Tính đến năm 2023,  thành phố đã có 19 doanh nghiệp với tổng số 26 tàu du lịch đủ điều kiện hoạt động từ 30 -100 chỗ trở lên với tổng sức chứa hơn 2.000 chỗ. Lượng khách du lịch đường thủy trong năm 2019 đạt 726.472 lượt; năm 2022 đạt 353.000 lượt khách, tăng 11,6 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt 48% so với năm 2019.

Vì vậy, để phát triển du lịch đường thủy tại Đà Nẵng, tháng 12/2023, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quy hoạch, phát triển 09 tuyến vận tải đường thủy nội địa phục vụ du lịch. Cụ thể, tuyến cầu sông Hàn - Trần Thị Lý (4km); sông Hàn - cửa biển - Bán đảo Sơn Trà (8km); sông Hàn - hòn Chảo; sông Hàn - Cù Lao Chàm (50km); sông Hàn - Ngũ Hành Sơn (13,5km); sông Hàn - Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai (20,2km); sông Cu Đê - Trường Định (10,4km); sông Hàn - Vĩnh Điện (15,2km) và tuyến khu vực Bán đảo Sơn Trà. Trước mắt, thành phố Đà Nẵng có Kế hoạch Triển khai Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2024-2025 tập trung vào 4 tuyến chính theo hướng khả thi tổ chức hoạt động, dịch vụ vào ban ngày/ban đêm, gồm: Sông Hàn - Trần Thị Lý; Sông Hàn - Cổ Cò; CT15 – Hòn Sụp, Bãi Nam, Bãi Đa; Tuyến từ bờ ra đảo: Đà Nẵng - Cù Lao Chàm (sau khi được cho phép); đồng thời, kết nối sớm triển khai tuyến Sông Hàn – đi vịnh Đà Nẵng, với 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Quản lý, đầu tư phát triển du lịch các tuyến đường; Cơ chế chính sách; Đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo chất lượng phục vụ; Đảm bảo an ninh an toàn, đảm bảo môi trường du lịch đường thủy; Xúc tiến, quảng bá sản phẩm phục vụ khách du lịch; và Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Mục tiêu giai đoạn 2024-2025, thu hút lượng khách du lịch đường thủy nội địa dự kiến đạt 12% tổng lượng khách do cơ sở lưu trú phục vụ. Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện cảng Sông Hàn thành cảng chính phục vụ du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế; đầu tư xây dựng đồng bộ bến thủy nội địa làm bến đi và bến đến trên các tuyến đường thủy; quy hoạch hạ tầng, phát triển đa dạng các loại hình tàu cao tốc, tàu thủy lưu trú du lịch, du thuyền. Mở rộng khai thác các tuyến đường thủy kết nối với các địa phương miền Trung; phát triển mạnh loại hình tàu du lịch du thuyền cá nhân, tàu cao tốc.

Một bến thủy nội địa tại khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi (ảnh sưu tầm)

Nhìn chung, bước đi đầu tư của thành phố Đà Nẵng vào các bến thuỷ nội địa là đúng đắn và phù hợp với xu thế quốc tế, tạo điều kiện kết nối giữa du lịch đường biển và du lịch thuỷ nội địa. Tại các quốc gia phát triển mạnh về loại hình du lịch đường thủy như Singapore, Italy, Pháp, Mỹ...đều tập trung khai thác các loại hình mang tính đặc trưng như du thuyền, tàu nhà hàng, tàu thủy lưu trú, thuyền buồm. Hầu hết các đô thị ven sông hoặc biển đều phát triển mạnh loại hình du thuyền, tàu thủy lưu trú, du thuyền cá nhân; đồng thời tập trung đầu tư các cảng bến thủy trên các tuyến đường thủy nội địa gần các địa điểm du lịch.

4. Di dời Ga Đà Nẵng - đẩy mạnh khai thác du lịch đường sắt

Nghị quyết 178/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kết luận số 49-kl/tw ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nội dung di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố không được đề cập cụ thể. Nghị quyết này chỉ đề cập việc nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM trong giai đoạn 2030 và sau 2030. 

Tuy nhiên, việc di dời Ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố là cần thiết để tái thiết, chỉnh trang đô thị và phân bổ lại dân cư. Diện tích đất khu vực ga đường sắt Đà Nẵng hiện tại (hơn 113.000 m2), có thể được chỉnh trang thành đầu mối giao thông kết hợp thương mại dịch vụ. Đà Nẵng hiện đang đề xuất hai phương án di dời ga đường sắt hiện trạng. Phương án 1 là di dời toàn bộ ga Đà Nẵng (ga hàng hóa, ga hành khách) và các công trình phụ trợ về khu vực ga Kim Liên (quận Liên Chiểu), nâng cấp ga Kim Liên thành ga khu đoạn (ga hỗn hợp) với quy mô đến năm 2030 đáp ứng 350.000 tấn hàng hóa/năm, 1,5 triệu khách/năm; sau đó đến năm 2050, di dời ga hành khách ra vị trí tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, nâng cấp ga Kim Liên thành ga hàng hóa phục vụ cho cảng biển Liên Chiểu. Phương án 2, Đà Nẵng đề xuất di dời phần ga hàng hóa, công trình phụ trợ và các cơ quan ngành đường sắt ra ga Kim Liên; riêng phần ga hành khách di dời ra vị trí mới thuận lợi dọc theo tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện có; đến năm 2050, tiếp tục nâng cấp cải tạo ga Kim Liên tương tự phương án 1.

Việc di dời ga đường sắt đồng nghĩa với việc xây mới, nâng cấp chất lượng phục vụ khách tại nhà ga, mở ra tiềm năng lớn để phát triển du lịch đường sắt. Bên cạnh khai thác hiệu quả số lượng khách di chuyển bằng đường sắt đến Đà Nẵng, việc khai thác du lịch đường sắt còn nằm ở việc khai thác Đoàn tàu "Kết nối di sản miền Trung". 

Trang The Guardian của Anh vừa công bố top 10 cung đường cuốn hút nhất thế giới, trong đó có đèo Hải Vân. Cung đường sắt Hải Vân được cho là cung đường tàu đẹp nhất Việt Nam, quanh co theo sườn núi, qua 6 hầm chui và 18 cây cầu, trong đó hầm ngắn nhất là 85m, hầm dài nhất là 600m. Tàu qua đèo Hải Vân có khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Hình ảnh lãng mạn của đoàn tàu hỏa vượt Hải Vân đã trở thành cảm hứng để cố nhạc sĩ Phan Lạc Hoa viết bài hát “Tàu anh qua núi”: “Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay/ Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi...”.

Cung đường sắt Hải Vân (ảnh sưu tầm)

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam  tổ chức 2 đôi tàu mang số hiệu HĐ1/2 và HĐ3/4 giữa Huế - Đà Nẵng. Tại Huế, tàu HĐ1 xuất phát tại ga Huế lúc 7h45, đến ga Đà Nẵng lúc 10h35; tàu HĐ3 xuất phát tại ga Huế lúc 14h25, đến Đà Nẵng lúc 17h40. Tại Đà Nẵng, tàu HĐ2 xuất phát tại ga Đà Nẵng lúc 7h50, đến ga Huế lúc 11h05; tàu HĐ4 xuất phát tại ga Đà Nẵng lúc 15h, đến ga Huế lúc 17h45.

Trải nghiệm Đoàn tàu "Kết nối di sản miền Trung" (ảnh sưu tầm)

5. Tiềm năng phát triển du lịch đường bộ theo tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây trong tương lai

Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) tạo điều kiện cho các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mêkông mở rộng (GMS) gồm: Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế nhằm thúc đẩy giao lưu thương mại, đầu tư và phát triển giữa các nước, giảm chi phí lưu thông hàng hóa, hành khách trong khu vực hành lang, góp phần hỗ trợ phát triển công-nông nghiệp và du lịch. Chính vì vậy, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải xác định Đà Nẵng có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi và là một trong những cửa ngõ hướng ra biển quan trọng nhất của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. 

(Nguồn: Lê Thế Giới, Cao Trí Dũng - 2019, Phát triển du lịch đường bộ trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây: tiếp cận thực tiễn và hàm ý chính sách, Tạp chí Khoa học Kinh tế - số 7(01) - 2019)

Có thể nhận thấy, hiện nay lượng khách quốc tế đến với Đà Nẵng thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây là cao nhất, chủ yếu từ thị trường Thái Lan và Lào. Trong thời gian đến, với việc nâng cấp, đầu tư phát triển tuyến đường này và tạo ra các sản phẩm du lịch phù hợp, Đà Nẵng sẽ có nhiều lợi thế về du lịch đường bộ từ tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. 

Với sự đầu tư phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch Đà Nẵng sẽ có những bước phát triển đột phá và bền vững./.

Duy Hòa
 


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

Địa chỉ

Tầng 18, Trung tâm Hành chính,

24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Quản lý nội dung HTML

Liên hệ

84-236-3886243/ 3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng

Giấy phép: Số 124/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 20/02/2017

Trưởng Ban Biên tập: Bà Huỳnh Liên Phương - Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng