Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
5. Thủ tục liên quan Người lao động nước ngoài
Người đăng tin: Quản trị Ngày đăng tin: 25/03/2024 Lượt xem: 8


(Quét mã QR Code để biết thêm thông tin chi tiết)

  • Tổng hợp một số báo cáo mà doanh nghiệp cần nộp cho các cơ quan ngoài cơ quan thuế và cơ quan quản lý đầu tư

1. Trước ngày 15 tháng 01 hàng năm, doanh nghiệp có trách nhiệm gửi Báo cáo về tình hình tham gia bảo hiểm thất nghiệp của năm trước (Mẫu số 33 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. (Căn cứ pháp lý: Khoản 7 Điều 32 Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ; Khoản 33 Điều 19 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH.

2. Nếu trong tháng có sự biến động (tăng/giảm) về số lượng người lao động làm việc; trước ngày 03 của tháng liền kề, doanh nghiệp có trách nhiệm gửi Thông báo về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị (Mẫu số 29 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH) về Trung tâm dịch vụ việc làm nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Trường hợp, doanh nghiệp giảm từ 50 lao động trở lên, phải thông báo ngay với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời. (Căn cứ pháp lý: Khoản 6 Điều 32 Nghị định 28/2015/NĐ-CP được hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 16 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH).

3. Định kỳ 06 tháng và hằng năm (trước ngày 05 tháng 6 và trước ngày 05 tháng 12), doanh nghiệp phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính Phủ và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện. Trường hợp người sử dụng lao động không thể báo cáo tình hình thay đổi lao động thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia thì gửi báo cáo bằng bản giấy đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện. Đối với lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế, người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện và Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để theo dõi. (Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 6 và khoản 1 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính Phủ).

4. Trước ngày 05/07 và ngày 05/01 của năm sau, người sử dụng lao động nước ngoài báo cáo 6 tháng đầu năm và hàng năm về tình hình sử dụng người lao động nước ngoài theo Mẫu số 07/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính Phủ. Thời gian chốt số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm được tính từ ngày 15/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/06 của kỳ báo cáo, thời gian chốt số liệu báo hằng năm tính từ ngày 15/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/12 của kỳ báo cáo. (Căn cứ pháp lý: Điều 6 Nghị định 152/2020/NĐ-CP).

5. Người sử dụng lao động phải tổ chức thu thập, lưu trữ thông tin về tình hình tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở của mình; mở Sổ thống kê tai nạn lao động (Mẫu Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 13/2020/TT-BLĐTBXH ngày 27/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); cập nhật đầy đủ, kịp thời vào phần mềm cơ sở dữ liệu về tai nạn lao động của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kể từ ngày phần mềm hoạt động; trong đó, xác định yếu tố chính gây chấn thương theo danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 13/2020/TT-BLĐTBXH. Từ việc thống kê này, doanh nghiệp phải gửi Báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động (Mẫu Phụ lục XII ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính Phủ) đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Báo cáo gửi trước ngày 05 tháng 7 hằng năm đối với số liệu 06 tháng đầu. Lưu ý: Doanh nghiệp có trách nhiệm đánh giá, công bố tình hình tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở của mình cho người lao động được biết và phải được công bố trước ngày 10 tháng 7 đối với số liệu 06 tháng đầu. (Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 24 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, Điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư 13/2020/TT-BLĐTBXH).

6. Định kỳ 06 tháng và hàng năm, doanh nghiệp phải báo cáo về việc quản lý sức khỏe người lao động thuộc trách nhiệm quản lý của mình thông qua Báo cáo y tế lao động (Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư 19/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế) cho cơ quan quản lý nhà nước về y tế có thẩm quyền biết. Báo cáo phải gửi trước ngày 05 tháng 07 đối với số liệu 06 tháng đầu năm và trước ngày 10 tháng 01 năm liền sau đối với số liệu cả năm. Nơi nộp: Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi đặt trụ sở chính của cơ sở lao động. (Căn cứ pháp lý: Điều 27 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015).

7. Định kỳ vào cuối tháng 11 hàng năm, cơ sở đã được trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải có trách nhiệm thống kê, báo cáo với cơ quan Công an quản lý địa bàn về công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo các nội dung sau:

(1) Thực trạng công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện gồm có:

- Số lượng, chất lượng, chủng loại phương tiện phòng cháy và chữa cháy đã trang bị.

- Cách thức thực hiện bảo quản, bảo dưỡng.

(2) Kết quả thực hiện kết luận kiến nghị thanh tra, kiểm tra của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (nếu có).

(3) Kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

Chú ý: Nếu phương tiện phòng cháy, chữa cháy được trang bị hư hỏng, cơ quan, tổ chức, cơ sở phải kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền

(Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 10 Thông tư 17/2021/TT-BCA ngày 05/02/2021 của Bộ Công an).

8. Định kỳ hàng năm, doanh nghiệp phải gửi Báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động (Mẫu Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Y tế nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính; Báo cáo này phải được gửi trước ngày 10 tháng 01 của năm sau. (Căn cứ pháp lý: Điều 10 Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH).

  • Người lao động nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam thì cần có những điều kiện gì?

Những điều kiện đề người nước ngoài làm việc tại Việt Nam:

- Căn cứ khoản 1 Điều 151 Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ) quy định như sau:

Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

+ Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

+ Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;

+ Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp quy định tại Điều 154 của Bộ luật này.

- Căn cứ khoản 2 Điều 151 Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ) quy định như sau:

Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

  • Trách nhiệm khai trình việc sử dụng lao động của doanh nghiệp khi mới thành lập?

Căn cứ khoản 2 Điều 12 Bộ luật Lao động 2019, khai trình việc sử dụng lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng và thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

  • Thủ tục báo cáo giải trình nhu cầu, thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài?

Căn cứ khoản 2 Điều 152 Bộ luật Lao động 2019, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023 của Chính Phủ, doanh nghiệp trước khi tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc phải thực hiện thủ tục giải trình nhu cầu sử dụng lao động trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài. Nếu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định chấp thuận, doanh nghiệp mới có thể tiến hành việc tuyển dụng.

Về thủ tục báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, theo quy định tại Điều 4 Nghị định 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính Phủ về thủ tục báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài như sau:

Bước 1: Truy cập Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố Đà Nẵng, chọn thủ tục hành chính cần thực hiện giao dịch, đăng nhập tải khoản và thực hiện hồ sơ theo hướng dẫn (trường hợp chưa có tài khoản, thực hiện đăng ký tài khoản để đăng nhập).

Bước 2: Sau khi có tài khoản đăng nhập, Người lao động thực hiện trực tuyến thủ tục xác định nhu cầu và gửi báo cáo trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố Đà Nẵng. Trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động phải báo cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài.

Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền ra văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc. Thời hạn tối đa trong 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.

Lưu ý: Thủ tục trên không áp dụng với việc sử dụng lao động nước ngoài của các nhà thầu.

Về cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, Doanh nghiệp tham khảo khoản 1, 6, 6a Điều 30 Nghị định 152/2020/NĐ-CP để xác định các trường hợp của mình thuộc thẩm quyền của cơ quan nào (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, hay Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp).

Doanh nghiệp vui lòng truy cập website Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố Đà Nẵng để biết thêm chi tiết.

  • Các trường hợp không thực hiện thủ tục giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài?

Các trường hợp không phải thực hiện thủ tục giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài như sau:

Căn cứ khoản 3,4,5,6 và 8 Điều 154 Bộ luật Lao động 2019:

3. Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

4. Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.

5. Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.

6. Là luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư.

8. Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Căn cứ khoản 1,2,4,5,7,8,9,10,11,12,13 và 14 Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính Phủ:

1. Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.

2. Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.

4. Vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (OĐA) theo quy định hay thỏa thuận trong các điều ước quốc tế về OĐA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài.

5. Được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

7. Tình nguyện viên quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này.

8. Vào Việt Nam làm việc tại vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 03 lần trong 01 năm.

9. Vào Việt Nam thực hiện thỏa thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức ở Trung ương, cấp tỉnh ký kết theo quy định của pháp luật.

10. Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam; học viên thực tập, tập sự trên tàu biển Việt Nam.

11. Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam quy định tại điểm l) khoản 1 Điều 2 Nghị định này.

12. Có hộ chiếu công vụ vào làm việc cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

13. Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại.

14. Được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các công việc sau:

a) Giảng dạy, nghiên cứu;

b) Làm nhà quản lý, giám đốc điều hành, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức liên chính phủ đề nghị thành lập tại Việt Nam.

  • Những trường hợp nào không thuộc diện cấp GPLĐ?

-  Các trường hợp người lao động nước ngoài được miễn giấy phép lao động theo quy định tại Điều 154 Bộ luật Lao động 2019, bao gồm:

+ Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ.

+ Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ.

+ Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

+ Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.

+ Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.

+ Là luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư.

+ Trường hợp theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

+ Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

+ Trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

  • Thủ tục xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp GPLĐ (cấp tỉnh) như thế nào?

 - Hồ sơ xác nhận người lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động

Thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính Phủ:

+ Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

+ Cách thức nộp hồ sơ: Người sử dụng lao động nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến (nếu có) tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Doanh nghiệp vui lòng truy cập website Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố Đà Nẵng để biết thêm chi tiết.

  • Hồ sơ xin cấp GPLĐ như thế nào?

Thực hiện theo quy định tại khoản Điều 9 Nghị định 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính Phủ.

* Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động đối với một số trường hợp đặc biệt (khoản 9 Điều 9 Nghị định 152/2020/NĐ-CP):

- Đối với người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động, đang còn hiệu lực mà có nhu cầu làm việc cho người sử dụng lao động khác ở cùng vị trí công việc và cùng chức danh công việc ghi trong giấy phép lao động, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động mới gồm:

+ Giấy xác nhận của người sử dụng lao động trước đó về việc người lao động hiện đang làm việc;

+ Các giấy tờ 1, 5, 6, 7, 8 Điều 9 Nghị định 152/2020/NĐ-CP;

+ Bản sao có chứng thực giấy phép lao động đã được cấp;

- Đối với người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực mà thay đổi vị trí công việc hoặc chức danh công việc hoặc hình thức làm việc ghi trong giấy phép lao động theo quy định của pháp luật nhưng không thay đổi người sử dụng lao động, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động mới gồm:

+ Các giấy tờ 1, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 9 Nghị định 152/2020/NĐ-CP;

+ Giấy phép lao động hoặc bản sao có chứng thực giấy phép lao động đã được cấp.

* Hợp pháp hóa lãnh sự, chứng thực các giấy tờ (khoản 10 Điều 9 Nghị định 152/2020/NĐ-CP)

Các giấy tờ 2, 3, 4, 6 và 8 Điều 9 Nghị định 152/2020/NĐ-CP là 01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực, nếu của nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật; dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Doanh nghiệp vui lòng truy cập website Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố Đà Nẵng để biết thêm chi tiết.

  • Trình tự thực hiện thủ tục xin cấp GPLĐ như thế nào?

Căn cứ Điều 11 Nghị định 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính Phủ quy định về Trình tự cấp GPLĐ như sau:

Bước 1: Truy cập Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố Đà Nẵng, chọn thủ tục hành chính cần thực hiện giao dịch, đăng nhập tải khoản và thực hiện hồ sơ theo hướng dẫn (trường hợp chưa có tài khoản, thực hiện đăng ký tài khoản để đăng nhập).

Bước 2: Trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động, người sử dụng lao động nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị cấp giấy phép lao động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.  

Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội in và phát hành thống nhất (nội dung của giấy phép lao động theo Mẫu số 12/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP). Trường hợp không cấp giấy phép lao động, có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Doanh nghiệp vui lòng truy cập website Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố Đà Nẵng để biết thêm chi tiết.

  • Thủ tục xin cấp lại GPLĐ như thế nào?

- Căn cứ Điều 13 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính Phủ, thành phần hồ sơ xin cấp lại GPLĐ, bao gồm:

+ Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép lao động theo mẫu số 11/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.

+ 02 ảnh màu (kích thước 4cm x 6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.

+ Giấy phép lao động còn thời hạn đã được cấp:

Trường hợp giấy phép lao động bị mất, phải có xác nhận của cơ quan Công an cấp xã của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thay đổi nội dung ghi trên giấy phép lao động, phải có các giấy tờ chứng minh.

- Về trình tự thủ tục, doanh nghiệp vui lòng tham khảo website Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố Đà Nẵng để biết thêm chi tiết.

  • Thủ tục gia hạn GPLĐ như thế nào?

Hồ sơ thực hiện theo quy định  Điều 17 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính Phủ.

Về trình tự thủ tục gia hạn giấy phép lao động, doanh nghiệp vui lòng tham khảo website Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố Đà Nẵng để biết thêm chi tiết.

  • Chế độ báo cáo về việc sử dụng người lao động nước ngoài (NLĐNN) như thế nào?

Căn cứ Điều 6 Nghị định 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính Phủ, trước ngày 05/7 và 05/01 của năm sau, người sử dụng lao động báo cáo 6 tháng đầu năm và hàng năm về tình hình sử dụng NLĐNN. Thời gian chốt số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm được tính từ ngày 15/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/6 của kỳ báo cáo, thời gian chốt số liệu hằng năm tính từ ngày 15/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/12 của kỳ báo cáo.

Trường hợp người lao động nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc, người sử dụng lao động phải báo cáo qua môi trường điện tử về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài đến làm việc theo Mẫu số 17/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP.


Không có bài viết với định danh trên

Quản lý nội dung HTML

Địa chỉ

Tầng 18, Trung tâm Hành chính,

24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Quản lý nội dung HTML

Liên hệ

84-236-3886243/ 3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng

Giấy phép: Số 124/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 20/02/2017

Trưởng Ban Biên tập: Bà Huỳnh Liên Phương - Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng