Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến mới về đầu tư vi mạch bán dẫn tại Việt Nam
Người đăng tin: Hòa Duy Võ Ngày đăng tin: 29/01/2024 Lượt xem: 16

Trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới với hàng loạt cuộc viếng thăm của các công ty, tập đoàn bán dẫn hàng đầu trên toàn cầu và các dự án đầu tư FDI hàng trăm triệu USD, thành phố Đà Nẵng đang tăng tốc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chào đón làn sóng đầu tư mới đầy hứa hẹn này.


Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), thị trường bán dẫn thế giới sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số trong những năm tới với doanh thu lên đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Dự báo đến năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt mức 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những mắc xích quan trọng của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.  Trong bối cảnh ngày càng có nhiều cơ hội mở ra cho Việt Nam sau khi nâng cấp quan hệ song phương với các nước lớn, cùng với xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu hiện nay, việc thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một xung lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giúp Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.

Là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng là thành phố trẻ, năng động và hiện đại, đóng vai trò là động lực tăng trưởng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đà Nẵng hội tụ nhiều lợi thế quan trọng để trở thành một trung tâm mới đầy tiềm năng cho đầu tư vi mạch bán dẫn tại Việt Nam trong thời gian đến như: vị trí địa lý chiến lược kết nối thuận lợi với các tỉnh, thành trong cả nước và khu vực; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và giao thông vận tải được tập trung xây dựng đồng bộ; nguồn nhân lực công nghệ thông tin, điện tử chất lượng cao, cơ cấu trẻ, số lượng dồi dào với mức lương cạnh tranh so với các địa phương khác tại Việt Nam; chất lượng cuộc sống tốt để thu hút các chuyên gia đầu ngành; chính quyền thành phố luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.

Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước, trong đó có công nghệ vi điện tử, công nghệ chip bán dẫn và vi mạch bán dẫn. Do đó, Đà Nẵng đã và đang tập trung xây dựng một chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, tập trung ở khâu thiết kế chip, vi mạch, từng bước phát triển khâu kiểm thử, đóng gói chip bán dẫn. Trong thời gian đến, thành phố tập trung vào các giải pháp chính để đẩy mạnh thu hút ngành bán dẫn như sau:

1. Chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực

Đối với các ngành công nghệ cao thì nhân lực là một trong những vấn đề cốt lõi, then chốt để thu hút các nhà đầu tư. Đà Nẵng là một trong ba trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. Thành phố hiện có thế mạnh về thiết kế trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn, với 250 doanh nghiệp doanh nghiệp vi mạch, điện tử và 10.500 lao động, trong đó có 550 kỹ sư thiết kế vi mạch. Mục tiêu hàng năm sẽ có khoảng 1.000 kỹ sư tốt nghiệp từ các trường đại học có uy tín tại thành phố. Lực lượng lao động trẻ, có trình độ, chuyên nghiệp, cần mẫn là một trong những yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư đến với Đà Nẵng. Chi phí lao động tại Đà Nẵng cũng thấp hơn các thành phố lớn tại Việt Nam. Hợp tác giữa các trường và doanh nghiệp không ngừng được đẩy mạnh để nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực.

Để kịp tiến độ cung cấp nhân lực phục vụ thị trường bán dẫn, thành phố sẽ tập trung đào tạo cấp tốc chuyên sâu, kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong chương trình đào tạo để bám sát nhu cầu của nhà tuyển dụng. Hiện nay, thành phố đang tập trung nghiên cứu các cơ chế, chính sách thu hút nhân lực quốc tế; nâng cao chất lượng giảng viên đào tạo ngành bán dẫn, đồng thời kêu gọi các nhân sự cấp cao trong các doanh nghiệp tham gia giảng dạy; hình thành mạng lưới chuyên gia và đối tác để trao đổi kinh nghiệm thông qua các hội nghị, hội thảo và sự kiện chuyên ngành; triển khai chương trình hỗ trợ các trường đại học, cơ sở đào tạo tiếp cận các công nghệ để đầu tư xây dựng, vận hành hạ tầng phục vụ phát triển chip bán dẫn và vi mạch.

Hội thảo Phát triển nhân lực ngành bán dẫn tại thành phố Đà Nẵng 2023 do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức tháng 10/2023

Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đà Nẵng tháng 10/2023

Trong khuôn khổ đoàn công tác lãnh đạo thành phố đi Hoa Kỳ tháng 11/2023, với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, UBND thành phố Đà Nẵng và Công ty Synopsys đã trao Bản ghi nhớ hợp tác trong việc phối hợp triển khai các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và mở rộng mạng lưới hợp tác trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Lễ trao Bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND thành phố Đà Nẵng và Synopsys (Nguồn ảnh: baoquocte.vn)

2. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi; phát triển công nghệ

Bên cạnh đó, Đà Nẵng hiện đang tập trung nghiên cứu, đề xuất Trung ương phê chuẩn cho thành phố có những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội như ưu đãi về thuế, đất đai, hỗ trợ tài chính…nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào lĩnh vực thiết kế; khuyến khích doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố liên doanh với đối tác nước ngoài để chế tạo, sản xuất, kiểm thử và đóng gói vi mạch; xây dựng chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm vi mạch bán dẫn được thiết kế, sản xuất bởi doanh nghiệp Việt Nam; chính sách hỗ trợ để thu hút các chuyên gia, người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc…

UBND thành phố đã thành lập 02 Tổ để triển khai Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng” gồm Tổ Công tác và Tổ Tư vấn. Tổ Công tác do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh làm Tổ trưởng; thực hiện nghiên cứu, xây dựng và điều phối tổ chức triển khai Đề án; tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển vi mạch, bán dẫn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Tổ Tư vấn do Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam làm Tổ trưởng; thực hiện tư vấn, phản biện, góp ý về nội dung Đề án và các chính sách liên quan để phát triển vi mạch, bán dẫn trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng theo Quyết định số 2941/QĐ-UBND ngày 29/12/2023. Trung tâm có chức năng thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đào tạo thiết kế trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và phát triển trí tuệ nhân tạo; chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế; huy động các nguồn lực, liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đào tạo, thiết kế vi mạch, bán dẫn và phát triển trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật.

Đà Nẵng là một trong 3 thành phố của Việt Nam tham gia Mạng lưới bán dẫn của Việt Nam (ra mắt vào ngày 29/10/2023). Mạng lưới Bán dẫn Việt Nam đi vào hoạt động sẽ từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một đối tác tin cậy trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và hiện đại hóa nền kinh tế.

3. Chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn

Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại Đà Nẵng được đầu tư tốt nhất khu vực miền Trung Việt Nam. Hai tuyến cáp quang biển quốc tế (SEMEWE3, APG) đi ngang qua thành phố, bảo đảm sự kết nối thông suốt với đường truyền ổn định và dung lượng lớn. Đà Nẵng đã phủ sóng 4G toàn thành phố, hiện đang thử nghiệm triển khai mạng 5G.

Thành phố có 03 khu công nghệ thông tin đang hoạt động với hơn 9.000 nhân lực. Khu công nghệ cao Đà Nẵng là một trong 03 khu công nghệ cao của cả nước, là khu công nghệ cao duy nhất tại miền Trung Việt Nam. Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng, một trong bốn khu công nghệ thông tin tập trung đang hoạt động của cả nước. Các khu công nghệ thông tin đều có vị trí thuận lợi về giao thông, được đầu tư hạ tầng đồng bộ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thành lập văn phòng, trung tâm nghiên cứu và phát triển, ươm tạo của các doanh nghiệp. Khu Công viên phần mềm số 2 của thành phố dự kiến được đưa vào sử dụng trong năm 2024, đáp ứng nhu cầu làm việc của 6.000 lao động. Bên cạnh đó, trong thời gian đến dự kiến sẽ có 03 khu công viên phần mềm mới được phát triển trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển công nghệ; đặc biệt là mạng lưới điện đáp ứng yêu cầu của các nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn (ưu tiên công nghệ 28nm đến 128nm).

4. Đẩy mạnh công tác quảng bá, thu hút đầu tư

Thành phố tập trung kêu gọi các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài đầu tư thành lập chi nhánh, xây dựng nhà máy tại Đà Nẵng; khuyến khích các tập đoàn đã và đang hoạt động trong nước mở rộng đầu tư, tuyển dụng kỹ sư ngành bán dẫn tại thành phố; nghiên cứu cung cấp gói ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp bán dẫn trong khâu xây dựng nhà máy và tuyển dụng nhân sự. Hiện nay, thành phố đang xây dựng kế hoạch tiếp cận với một số nhà đầu tư, doanh nghiệp chiến lược trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn ở một số thị trường trọng điểm như Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản để tăng cường thu hút đầu tư.

Đón đầu làn sóng đầu tư vi mạch bán dẫn sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, thành phố Đà Nẵng đã chủ động tổ chức đoàn công tác đi Hoa Kỳ nhằm xúc tiến đầu tư lĩnh vực này trong tháng 11/2023. Lãnh đạo thành phố đã tiếp xúc, làm việc trực tiếp với các Công ty, Tập đoàn vi mạch, bán dẫn hàng đầu (Synopsys, Qovor, Intel, Marvell, Nvidia…), trao đổi về các cơ hội, chương trình hợp tác đầu tư trong lĩnh vực này tại Đà Nẵng.

Đoàn công tác lãnh đạo thành phố làm việc với Công ty Nvidia

Đoàn công tác lãnh đạo thành phố làm việc với Tập đoàn Intel

Thành phố đã và đang đẩy mạnh tổ chức các đoàn khảo sát các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển hàng đầu trong khu vực và thế giới như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa kỳ...; tham khảo các mô hình đào đạo và phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, làm việc và trao đổi hợp tác với các trường đại học, cơ sở đào tạo về ngành vi mạch bán dẫn; khuyến khích và tài trợ các dự án nghiên cứu và phát triển vi mạch; thương mại hóa các dự án nghiên cứu; khuyến khích và tài trợ các dự án nghiên cứu và phát triển vi mạch.

Bang Oregon (Hoa Kỳ) mong muốn hỗ trợ thành phố Đà Nẵng trong lĩnh vực bán dẫn

Bang Thuringen (Đức) là trung tâm bán dẫn hàng đầu châu Âu, Thủ hiến bang Thuringen mong muốn sẽ đẩy mạnh hợp tác đầu tư với TP Đà Nẵng trong lĩnh vực bán dẫn

Với sự gấp rút chuẩn bị của thành phố Đà Nẵng trên các phương diện cơ chế, chính sách, nhân lực, trong thời gian đến, thành phố kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều tập đoàn, công ty vi mạch bán dẫn đầu tư, kinh doanh tại Đà Nẵng, qua đó từng bước xây dựng thành công một điểm đến đầu tư tiềm năng, một trung tâm công nghiệp bán dẫn mới của Việt Nam./.


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

Địa chỉ

Tầng 18, Trung tâm Hành chính,

24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Quản lý nội dung HTML

Liên hệ

84-236-3886243/ 3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng

Giấy phép: Số 124/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 20/02/2017

Trưởng Ban Biên tập: Bà Huỳnh Liên Phương - Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng