Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Dấu Ấn Thu Hút Đầu Tư Nước Ngoài Của Đà Nẵng Sau Ngày Thống Nhất Đất Nước
Người đăng tin: Anh Quỳnh Lê Ngày đăng tin: 05/05/2023 Lượt xem: 20

Bài viết nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn đất nước 30/4/1975- 30/4/2023


48 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023), Việt Nam đang ngày càng tạo dấu ấn với bạn bè quốc tế bởi khả năng vươn lên từ tro tàn chiến tranh để làm nên “Điều diệu kỳ của Châu Á”[1].

Bối cảnh nền kinh tế Việt Nam sau 48 năm ngày Giải phóng hoàn toàn đất nước

10 năm sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam đã đối mặt với khó khăn do hậu quả của chiến tranh để lại. Tình hình bắt đầu được cải thiện kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách “Đổi mới” vào năm 1986, với những tư duy mới được áp dụng trong nền kinh tế và đạt được nhiều thành quả ấn tượng. Từ sau những năm 1990, GDP của Việt Nam đã tăng gấp 3 lần so với thời điểm trước năm 1986 và luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định với khoảng 7,5% mỗi năm[2].

Giai đoạn năm 2020-2022, trong khi một số nước vẫn còn đang phải căng mình ứng phó với đại dịch COVID-19, các hoạt động kinh doanh của Việt Nam đang sôi nổi trở lại, kinh tế Việt Nam phục hồi với tốc độ nhanh chóng, số liệu thống kê về kinh tế-xã hội của Việt Nam đã thu hút mạnh mẽ sự chú ý của thị trường. GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại[3].

Vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Với chính sách đối ngoại đa phương và đa dạng hóa quan hệ quốc tế, kể từ khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc vào năm 1977, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 180 nước cũng như có quan hệ thương mại với hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã thể hiện sự chủ động, tích cực trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nền kinh tế mở bậc nhất thế giới, thành công trong việc duy trì được thị trường xuất khẩu đa dạng. Trong số các đối tác thương mại của Việt Nam, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, tiếp theo là EU, ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc…

Không chỉ đạt được thành tựu ấn tượng trong phát triển kinh tế, Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, luôn nằm trong top các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á về điểm đến của các công ty đa quốc gia, doanh nghiệp FDI. Là một trong số ít các quốc gia đã thành công trong cải cách kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài, điều này phần lớn đạt được khi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội VIII ngày 29/12/1987. Đây được coi là bước ngoặt lịch sử, là văn bản pháp lý quan trọng nhất chính thức hóa việc tiếp nhận đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện mời gọi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Hơn 30 năm sau, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam. Cơ cấu khu vực FDI trong GDP có xu hướng tăng dần từ năm 2005 đến nay[4]. Năm 2005, khu vực FDI đóng góp 15,16% trong tăng trưởng GDP. Con số này có xu hướng tăng đều đến năm 2008, mặc dù có giảm nhẹ vào năm 2009 và năm 2010, nhưng sau đó tiếp tục tăng trở lại và tăng dần đến 20,35% vào năm 2019. Kết quả này cho thấy, khu vực FDI ngày càng có những đóng góp trực tiếp rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Hàng loạt các thương hiệu của tập đoàn lớn trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam như Sam Sung, Intel, Microsoft, Toyota, Honda, KFC, Starbuk… đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Hầu hết các tập đoàn này đều đang mong muốn tiếp tục mở rộng và đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại các thành phố trực thuộc trung ương

Trong hành trình 35 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (1987-2022), Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn FDI với 36.278 dự án còn hiệu lực[5]. Trong số này, có 274 tỷ USD đã được giải ngân, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực[6]. Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đây là lần đầu tiên, khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn giải ngân lại tiệm cận nhau như vậy. Bình thường, vốn giải ngân chỉ bằng khoảng 60 - 70% vốn đăng ký. Riêng trong năm 2022 đạt gần 27,72 tỷ USD, mức giải ngân đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. So với năm 1991, số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam là 2,07 tỷ USD, trong đó số vốn FDI thực hiện là 428,5 triệu USD, đạt trên 20% vốn đăng ký[7].  

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,26 tỷ USD và gần 1,29 tỷ USD. Xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30%, 25,1% và 16,3% tổng số dự án[8].

Lũy kế đến nay, trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về số lượng dự án lẫn tổng vốn FDI với 11.598 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 56,4 tỷ đô la Mỹ. Thành phố Hà Nội thu hút gần 40 tỷ đô la Mỹ với 7.407 dự án FDI. Tiếp đến là thành phố Đà Nẵng thu hút được 980 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt hơn 4 tỷ đô la Mỹ. Thành phố Hải Phòng thu hút gần 860 dự án với số vốn đạt gần 25 tỷ đô la Mỹ. Thành phố Cần Thơ thu hút được 85 dự án với tổng vốn thu hút được 2,26 tỷ đô la Mỹ.

Nguồn: Cục thống kê tại các địa phương

Có thể thấy, số vốn thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng còn khiêm tốn so với tình hình thu hút đầu tư tại thủ đô Hà Nội và đầu tàu kinh tế Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh. Số lượng dự án đầu tư tại Đà Nẵng có phần nhỉnh hơn so với số lượng dự án hoạt động tại thành phố kết nghĩa Hải Phòng, tuy nhiên về số vốn chỉ bằng 16% so với số vốn thành phố Hải Phòng thu hút được. So với Cần Thơ - thành phố có bề dày phát triển lâu dài từ thế kỷ 18 nhưng mới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2004, muộn hơn thành phố Đà Nẵng 07 năm, Đà Nẵng thu hút được nhiều hơn gần 12 lần số lượng dự án và gấp 02 lần số vốn đầu tư. Điều này cho thấy thành phố Đà Nẵng cần phải tập trung hơn nữa trong công tác thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư lớn và có tầm ảnh hưởng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển hơn nữa.

Dấu ấn thu hút đầu tư của Đà Nẵng

Sau 48 năm giải phóng, 26 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã không ngừng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vươn lên trở thành một đô thị hiện đại, văn minh, là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thu hút đầu tư nước ngoài bắt đầu khởi sắc từ năm 2000 khi UBND thành phố ban hành Quyết định số 31/2000/QĐ-UB ngày 17/4/2000 thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư để thực hiện chính sách “một cửa” đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây có thể coi là một khâu đột phá nhằm thực hiện chủ trương của Thành ủy và Uỷ ban nhân dân thành phố về việc cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào thành phố. Tình hình thu hút vốn FDI vào thành phố trong giai đoạn 2001-2005 đã có những chuyển biến tích cực. Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 390 triệu USD. Trong đó, có 54 dự án được cấp mới với tổng vốn đăng ký 338 triệu USD. Phần lớn vốn FDI tập trung vào lĩnh vực sản xuất (đạt 187,5 triệu USD, chiếm 55,47% tổng vốn FDI thu hút được trong giai đoạn này).[9]

Trong giai đoạn 2006-2010, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 2,22 tỉ USD. Trong đó vốn đăng ký mới trên địa bàn thành phố đạt được 1,88 tỉ USD, có những cột mốc cao số vốn đầu tư rất cao là năm 2007 (832,3 triệu USD) và 2008 (633,9 triệu USD). Số lượng dự án và quy mô đầu tư đều có sự gia tăng vượt trội so với giai đoạn 2001 - 2005. Các dự án đầu tư vào bất động sản - du lịch chiếm ưu thế trong giai đoạn này (15 dự án, vốn đăng ký 1,21 tỉ USD, chiếm 64,37% tổng vốn cấp mới thu hút được trong giai đoạn này).

Từ năm 2011 đến năm 2015, so với các địa phương có điều kiện tương đương về kinh tế, lợi thế cạnh tranh và nằm trong cùng khu vực, môi trường đầu tư tại Đà Nẵng vẫn có sức hấp dẫn nhất định đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực như bất động sản – du lịch, dịch vụ logistics, giáo dục, y tế, công nghệ thông tin. Thu hút FDI của Đà Nẵng giai đoạn 2011 – 2015 đứng đầu khu vực miền Trung.

Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm trong giai đoạn này đạt 1,82 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư cấp mới đạt 1.014 triệu USD. Thị trường bất động sản đóng băng khiến cho luồng vốn FDI vào lĩnh vực này bị chững lại. Tuy tổng vốn FDI đăng kí mới giảm, nhưng số lượng dự án tăng vượt so với giai đoạn trước (224 dự án, tăng 122 dự án so với giai đoạn 2006 - 2010) và cơ cấu vốn đầu tư cũng có sự thay đổi so với trước. Ở giai đoạn này, làn sóng đầu tư vào Việt Nam từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phát triển rất mạnh, phần lớn các dự án đều có số vốn nhỏ, 88,85% dự án có tổng vốn đầu tư dưới 05 triệu USD (199/224 dự án). Các dự án đầu tư cấp mới trong giai đoạn này tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao như công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác…theo đúng định hướng kêu gọi đầu tư của thành phố.

Có thể thấy đầu tư vào thành phố bắt đầu có sự chuyển dịch từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản (chiếm đến 51,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong giai đoạn này) sang các lĩnh vực khác như công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ… Đặc biệt, sau khi Khu công nghệ cao Đà Nẵng (một trong ba khu công nghệ cao quốc gia đa chức năng của Việt Nam) đi vào vận hành vào năm 2018, tỉ trọng vốn đầu tư chuyển dịch sang hướng công nghiệp công nghệ cao (chiếm 48,16 %), bất động sản, du lịch (chiếm 33,83 %), dịch vụ (chiếm 16,4 %) và các ngành khác chiếm 0,02 %. 

Giai đoạn 2016 - 2020, thành phố Đà Nẵng thu hút được 530 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới là 1.045,4 triệu USD (trong đó, các Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao đã thu hút được 44 dự án với tổng vốn đầu tư 507,63 triệu USD và có 486 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đầu tư ngoài các Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 537,77 triệu USD); 60 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 144,5 triệu USD; có 605 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng giá trị là 211,8 triệu USD[10]. Tỷ lệ vốn giải ngân ước đạt từ 51% đến 53%/tổng vốn đăng ký. 

Lũy kế đến 15/03/2023, trên địa bàn thành phố có 980 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 4,062 tỷ USD từ 45 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới. Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp phụ trợ, bất động sản - du lịch, thương mại, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, logistics… theo đúng định hướng kêu gọi đầu tư của thành phố. Nhiều dự án sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động, nhiều dự án mở rộng quy mô đầu tư, nâng công suất, tăng vốn đầu tư… góp phần cho tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Những đóng góp này không chỉ được thể hiện qua những con số thống kê mang tính định lượng như góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tỷ trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GRDP toàn nền kinh tế, mức đóng góp vào ngân sách nhà nước qua các năm, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, số lượng lao động, năng suất lao động tăng qua các năm... mà còn thể hiện ở các chỉ tiêu mang tính định tính như góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thông qua việc thu hút ngày các nhiều các dự án có công nghệ tiên tiến; mô hình quản trị và phương thức kinh doanh cũng được cải tiến, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy hội nhập quốc tế và phát triển thương hiệu thành phố, thiết lập quan hệ hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực với các địa phương, thành phố khác.

Mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng thu hút được 7 tỷ USD vốn đầu tư các dự án đầu tư vào thành phố và định hướng tập trung thu hút đầu tư các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao (công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa và cơ điện tử, công nghệ vật liệu mới…), R&D, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí chính xác, điện – điện tử… Để thực hiện được mục tiêu trên và đạt được những dấu ấn tiếp theo trong thu hút đầu tư, trong thời gian tới, thành phố Đà Nẵng sẽ cần đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hạ tầng về giao thông, nhà ga, sân bay, cảng biển. Bên cạnh việc đầu tư phát triển hạ tầng, Đà Nẵng cần tiếp tục đề xuất, xây dựng thêm các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư như cơ chế chính sách đặc thù hình thành trung tâm tài chính, khu phi thuế quan, chính sách để phát triển trung tâm du thuyền quốc tế, chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao…

IPA Da Nang


[1] Is Vietnam the next “Asian Miracle?”, Ruchir Sharma, NewyorkTimes, 13/10/2020

[2] Việt Nam – Điều diệu kỳ của Châu Á, Quỳnh Dương, Báo Hà Nội mới, 30/4/2019

[3] Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023, TS Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam, ngày 16/3/2023

[4] Đầu tư trực tiếp nước ngoài và vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, ThS Đỗ Thị Thu, Khoa Kinh tế, Học viện Ngân hàng, bài báo đăng trên Cổng thông tin điện tử Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, 19/7/2021

[5] Bộ Kế hoạch và Đầu tư

[6] Bộ Kế hoạch và Đầu tư

[7] Đầu tư trực tiếp nước ngoài và vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, ThS Đỗ Thị Thu, Khoa Kinh tế, Học viện Ngân hàng, bài báo đăng trên Cổng thông tin điện tử Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, 19/7/2021

[8] Bộ Kế hoạch và Đầu tư

[9] Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020

[10] Theo số liệu tại Báo cáo số 326/BC-UBND ngày 20/11/2020 của UBND thành phố về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021 – 2025.


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

Địa chỉ

Tầng 18, Trung tâm Hành chính,

24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Quản lý nội dung HTML

Liên hệ

84-236-3886243/ 3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng

Giấy phép: Số 124/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 20/02/2017

Trưởng Ban Biên tập: Bà Huỳnh Liên Phương - Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng