Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Cơ hội đầu tư các dự án “xanh” tại thành phố Đà Nẵng
Người đăng tin: Anh Quỳnh Lê Ngày đăng tin: 17/03/2023 Lượt xem: 32

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề quan trọng và ưu tiên bậc nhất đối với bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cũng được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây.


Thời điểm vàng để hướng đến phát triển bền vững

Những năm qua, Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, nhất là nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn lên môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của đất nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều điểm nóng, chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm mạnh. Đáng lo ngại, các sự cố môi trường tiếp tục gia tăng nghiêm trọng, nhiều vụ ảnh hưởng trên phạm vi rộng, diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý và khắc phục hậu quả.

Những nguyên nhân gây suy thoái môi trường thời gian qua trước hết là do quy mô nền kinh tế và dân số ngày càng tăng, mức độ công nghiệp hóa và đô thị hóa ngày càng cao; khai thác tài nguyên thiên nhiên ồ ạt và thiếu kiểm soát, phát sinh nhiều nguồn gây ô nhiễm, chất thải ngày càng tăng về thành phần và khối lượng. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý chất thải còn thiếu và không được đầu tư đồng bộ, dẫn đến các áp lực lên môi trường ngày càng cao, tác động xấu đến chất lượng môi trường, nhất là dẫn đến suy thoái các hệ sinh thái và đa dạng sinh học. 

Hướng đến mục tiêu phát triển gắn với bảo vệ môi trường, tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngay sau COP26, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là vấn đề khách quan, toàn cầu, toàn dân, có tính chất lâu dài, chúng ta phải thích ứng an toàn, hiệu quả với biến đổi khí hậu và việc đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 chủ trì Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo (Nguồn: Bộ Công Thương)

Các bộ, ngành và địa phương đã thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai các cam kết tại Hội nghị COP26 và đã có một số kết quả quan trọng. Trong đó nổi bật là việc hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methan của ngành giao thông vận tải; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030. Một số bộ, ngành đã và đang xây dựng Kế hoạch hành động của ngành triển khai cam kết của Việt Nam tại COP26 hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0".

Các bộ, cơ quan liên quan đã rất tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác. Nhờ đó, nhiều thỏa thuận hợp tác đã được các bộ, ngành ký kết với các đối tác phát triển, các định chế tài chính, bước đầu tìm kiếm và huy động nguồn lực hỗ trợ, đầu tư và triển khai các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển bền vững, phát thải carbon thấp và tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Theo Thủ tướng, để thực hiện các cam kết tại COP26, Việt Nam đã xác định rõ thêm một số quan điểm. Trong đó đặc biệt chú trọng quan điểm về “Tập trung nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển các cơ chế tài chính, thị trường carbon, thúc đẩy chuyển dịch đầu tư cho phát triển kinh tế ít phát thải; tăng cường hợp tác công tư, phát huy nguồn lực của Nhà nước làm đòn bẩy thu hút các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nguồn lực quốc tế trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.”

Từ sau Hội nghị COP26, với sự cam kết vào mục tiêu phát triển theo hướng bảo vệ môi trường và hành động cụ thể và quyết liệt của toàn bộ hệ thống cũng như những chính sách có lợi sớm được ban hành, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, tập đoàn lớn trên thế giới mong muốn phát triển nghiên cứu, đề xuất các dự án trong lĩnh vực môi trường.

Tận dụng thời điểm vàng của xu hướng phát triển nền kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng như các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang có ý định đầu tư, nghiên cứu đề xuất dự án trong lĩnh vực môi trường cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội, xây dựng định hướng và mục tiêu phù hợp để thực hiện hóa các dự án, góp phần bảo vệ môi trường và thực hiện các cam kết mà chính phủ và thế giới đã đưa ra.

Xây dựng một Đà Nẵng Xanh

Từ năm 2008, thành phố đã ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” theo Quyết định số 41/2008/QĐ-UBND ngày 21/8/2008. Kể từ đó, các mục tiêu, tiêu chí về “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường” đã trở thành những nội dung được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, với sự vào cuộc khá đồng bộ của các cấp, các ngành và được lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của thành phố. Để phát triển thành phố theo hướng dịch vụ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, tiên tiến và bảo đảm môi trường chung, thành phố đã có nhiều chủ trương không cho phép đầu tư đối với các lĩnh vực sản xuất công nghệ cũ, lạc hậu; từ chối các dự án khi xét thấy nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm, khuyến khích phát triển du lịch dịch vụ theo hướng sinh thái, ban hành nhiều chính sách để bảo vệ môi trường khu dân cư, hệ sinh thái,… Đến nay, thành phố đã thiết lập sự cân đối giữa kinh tế - xã hội - môi trường, kết hợp bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội một cách hài hòa.

Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường (Nguồn: Internet)

Các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch trong lĩnh vực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của thành phố đã được ban hành kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước cấp ngành, địa phương; trên cơ sở đó các chương trình, dự án, đề án được thực hiện từng bước đáp ứng với nhu cầu thực tiễn của thành phố, cụ thể như quy định về bảo vệ môi trường thành phố được cập nhật theo quy định, phê duyệt quy hoạch về quản lý chất thải rắn, quản lý thoát nước và xử lý nước thải (XLNT), đề án về bảo tồn đa dạng sinh học, quy định về phân vùng môi trường nước, …. Đồng thời, thành phố đã ban hành các kế hoạch, dự án triển khai nhằm tập trung xử lý điểm nóng môi trường, cải thiện hệ thống thoát nước đô thị, quản lý chất thải, phân cấp quản lý môi trường theo chuyên ngành , chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường,.. Qua đó, nhiều công trình trọng điểm liên quan giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường đã được khẩn trương đầu tư.

Nhìn chung, việc thực hiện các nhiệm vụ, tiêu chí của Đề án đã góp phần xây dựng Đà Nẵng với những thay đổi lớn và phát triển vượt bậc, chất lượng môi trường cơ bản tốt. Qua đó, thành phố Đà Nẵng được các Bộ, ngành, các tổ chức trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao và đạt nhiều giải thưởng danh giá như: Một trong 11 thành phố bền vững về môi trường của ASEAN (năm 2011); là đô thị có không khí sạch và có hàm lượng cacbon phát thải thấp của châu Á (năm 2012); là thành phố phong cảnh châu Á (năm 2013); là đô thị xuất sắc trong phong trào xây dựng đô thị xanh sạch đẹp, thành phố xuất sắc trong chuyển đổi (năm 2015); là Thành phố Xanh quốc gia của Việt Nam (năm 2018).

Công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế - xã hội đã ưu tiên triển khai các dự án trọng điểm, cấp thiết về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe nhân dân… Hoạt động đầu tư về bảo vệ môi trường đã bắt đầu triển khai với nhiều dự án lớn, giúp thành phố từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường trong quá trình phát triển. Quản lý tài nguyên đất, nước, khoáng sản, hệ sinh thái đã được kiện toàn hệ thống văn bản pháp lý; bước đầu đã lập quy hoạch các nguồn tài nguyên liên quan để quản lý, khai thác hợp lý, thực hiện nghiêm túc phục hồi môi trường sau khai thác.

Ngoài ra, gần đây, Đà Nẵng đã có những bước đi cụ thể hướng tới mục tiêu “thành phố không phát thải”. Trong khuôn khổ kế hoạch năm 2023 của dự án phối hợp giữa UBND thành phố Đà Nẵng với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Sở Công Thương cùng Sở TN&MT phối hợp với Dự án An ninh năng lượng đô thị Việt Nam triển khai xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện phát thải ròng carbon vào năm 2050 để có thể đóng góp vào ‟Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam đến năm 2050”, xây dựng được lộ trình thực hiện phát thải và dự báo về phát thải carbon trong tương lai.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Nguyễn Thị Thúy Mai nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hành động cho Đà Nẵng hướng tới mục tiêu "Thành phố không phát thải" (Nguồn: Internet)

Ba hợp phần chính của kế hoạch gồm: Tăng cường khả năng hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng năng lượng tái tạo và các biện pháp tiết kiệm năng lượng tại địa phương; Làm việc với các đối tác ở khu vực nhà nước và tư nhân để huy động nguồn lực đầu tư công và tư cho triển khai các hệ thống năng lượng phân tán tiên tiến; Hỗ trợ việc trình diễn, thương mại hóa và nhân rộng các công nghệ sáng tạo, thực hành, mô hình kinh doanh và mô hình tài chính đổi mới cho các giải pháp năng lượng đô thị phân tán tiên tiến.

Những phân tích trên cho thấy, Đà Nẵng đã và đang rất tích cực trong việc thực hiện định hướng phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới nói chung, cam kết chặt chẽ với việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Để đạt được những mục tiêu tiếp theo, thành phố cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và một trong những giải pháp được chú trọng đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư các doanh nghiệp, đơn vị tư vấn có chất lượng hoạt động trong lĩnh vực môi trường vào Đà Nẵng; tạo điều kiện để các doanh nghiệp hợp tác hình thành các mạng lưới cộng sinh công nghiệp.

Cơ hội và tiềm năng đầu tư các dự án “xanh”

Ngày 02/04/2021, UBND thành phố tiếp tục ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030 tại Quyết định số 1099/QĐ-UBND. Qua đó, thành phố Đà Nẵng đã và đang tích cực triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, chủ động thu hút các nguồn lực đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước của ngành ở các địa phương.

Việc triển khai Đề án được thực hiện với hơn 88 nhiệm vụ tương ứng với 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; Cải thiện môi trường, giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và Tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.  

Một số nhiệm vụ, mục tiêu tiêu biểu: 100% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, sản xuất thuộc đối tượng được cấp Chứng nhận đạt hệ thống quản lý môi trường ISO 14000 theo quy định; Đến năm 2025 hoàn thành Mô hình khu công nghiệp sinh thái; đến năm 2030 có từ 02 đến 03 khu công nghiệp sinh thái; Tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính từ các giải pháp phát triển năng lượng điện, năng lượng mới và tái tạo: Đến năm 2025 giảm từ 1-2%, đến năm 2030 giảm 5-7%; 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; …

Cơ hội và tiềm năng đầu tư các dự án “xanh” (Nguồn: Internet)

Theo đó, doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể nắm bắt cơ hội để nghiên cứu, xây dựng đề xuất các dự án liên quan như: công nghệ, máy móc thiết bị phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; dự án, công nghệ xử lý nước thải; xe điện; sản xuất, lắp đặt và vận hành camera giám sát; công trình thu gom, xử lý rác thải; hệ thống xử lý nước rỉ rác; phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cho các đơn vị quản lý rừng đặc dụng; dự án đào tạo hỗ trợ kỹ thuật về môi trường, biến đổi khí hậu, quản lý chất thải rắn, …

Kết hợp với việc hợp tác giữa UBND thành phố Đà Nẵng và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ hướng tới mục tiêu “thành phố không phát thải”, thời gian đến, thành phố Đà Nẵng sẽ thực hiện các hoạt động đa dạng như: tổ chức hội thảo tham vấn, thu hút sự tham gia của các bên liên quan; xây dựng các kịch bản phát thải và các biện pháp giảm phát thải phù hợp bối cảnh địa phương; phân tích các rào cản về kỹ thuật, chính sách, tài chính, xã hội khi thực hiện kế hoạch net-zero city và đề xuất các phương án giải quyết rào cản; xây dựng lộ trình phát thải bằng 0 vào năm 2050. Những hoạt động này sẽ cung cấp thông tin, định hướng, mở ra nhiều cơ hội và tiềm năng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực môi trường có những đề xuất đầu tư chất lượng, phù hợp với thực trạng tại thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

IPA Da Nang


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

Địa chỉ

Tầng 18, Trung tâm Hành chính,

24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Quản lý nội dung HTML

Liên hệ

84-236-3886243/ 3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng

Giấy phép: Số 124/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 20/02/2017

Trưởng Ban Biên tập: Bà Huỳnh Liên Phương - Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng