Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
"Hội thảo Quốc gia về cơ hội và chính sách thu hút đầu tư vào các khu kinh tế Việt Nam"
Người đăng tin: Admin Admin Ngày đăng tin: 28/09/2021 Lượt xem: 16

Ngày 23/9/2021, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng phối hợp với Viện Mêkông và Bộ Thương mại Thái Lan tổ chức Hội thảo trực tuyến “Chính sách và cơ hội đầu tư vào các khu kinh tế tại Việt Nam”. Bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng tham dự và có bài tham luận với chủ đề "Đề xuất chính sách thúc đẩy đầu tư và hợp tác xuyên biên giới giữa các khu kinh tế tại các nước vùng sông Mêkông (Thái Lan, Lào, Myanmar, Việt Nam và Trung Quốc)".


 

 

Với mục đích tạo ra cơ hội giao lưu, trao đổi và chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan ở cả khu vực công và tư liên quan đến chính sách và cơ hội đầu tư vào các khu kinh tế trong bối cảnh cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19. Hội thảo cũng sẽ đưa ra một số đề xuất chính sách nhằm nâng cao hiệu quả vận hành, phục hồi sau COVID và thúc đẩy quan hệ hợp tác xuyên biên giới giữa các khu kinh tế của các nước thành viên khối Lancang – Mê Kông. Kết quả hội thảo sẽ được tổng hợp trình bày tại Hội thảo tổng kết đánh giá cấp vùng dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 10 năm 2021. Hội thảo có sự tham dự của hơn 50 đại biểu từ các khu kinh tế, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong khu vực Mê Kông.

Tham luận tại Hội nghị, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố chỉ ra một số khó khăn khi phát triển hợp tác và thúc đẩy đầu tư giữa các khu kinh tế như việc tiếp cận trực tiếp với các tập đoàn đa quốc gia, tổ chức kinh tế lớn, nhà đầu tư tiềm năng còn nhiều hạn chế do chưa thiết lập được mạng lưới đối tác có chiều sâu; dịch bệnh Covid-19 đã làm gián đoạn và đình trệ nền kinh tế trên toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến việc xúc tiến và thu hút đầu tư, tổ chức sự kiện quảng bá, gặp gỡ doanh nghiệp, khảo sát thực địa và triển khai các thủ tục đầu tư dự án; một số kênh phát triển hoạt động xúc tiến đầu tư, ngoại giao kinh tế chưa được tập trung khai thác hiệu quả.

Để thúc đẩy đầu tư và hợp tác xuyên biên giới giữa các khu kinh tế tại các nước thuộc lưu vực sông Mekong, trên cơ sở tham khảo một số nghiên cứu, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng có một số đề xuất, tập trung theo 8 nhóm giải pháp:

1. Nghiên cứu, thực tiễn hoá hợp tác sản xuất các sản phẩm có tính liên kết kinh tế vùng. Sáu quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong nên có những chính sách để đẩy mạnh việc nghiên cứu tìm ra các sản phẩm có thể đẩy mạnh sản xuất mang tính liên kết. Sau đó, có sự phân chia sản xuất giữa các khu kinh tế với nhau. Sản xuất máy bay Airbus tại Liên minh châu Âu là một ví dụ của mô hình này. Trong tương lai Việt Nam có thể suy nghĩ đến mô hình đóng tàu biển. Mỗi một khu kinh tế sẽ dựa vào thế mạnh của mình để sản xuất một loại linh kiện của tàu biển, sau đó lắp ráp tại một cảng biển miền Trung Việt Nam.

2. Chính sách đẩy mạnh sử dụng giao thông đường thuỷ và đường bộ giữa các khu kinh tế trong lưu vực sông Mekong. Trung Quốc, Myanmar, Lào và Thái Lan đã ký Hiệp định giao thông thủy thương mại, thành lập Ủy ban Điều phối giao thông thủy thương mại (JCCCN) để thúc đẩy quá trình xây dựng thủy lộ cho các thương thuyền. Tại Việt Nam, ​​theo Hội Vận tải thủy nội địa (TNĐ) Việt Nam, mạng lưới đường thủy của Đồng bằng sông Cửu Long có tổng chiều dài các tuyến 14.826km; trong đó đường TNĐ quốc gia là 2.882km, đường TNĐ địa phương là 11.944km, là khu vực có mật độ đường TNĐ cao nhất nước, đạt 0,61km/km2… Việc tăng cường giao lưu đường thuỷ giữa các khu kinh tế trong khu vực sông Mekong là cần thiết. 

Hành lang kinh tế Đông - Tây là tuyến hành lang dài 1.450 km, đi qua 4 quốc gia Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam đã mở ra những cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực cho các địa phương thành viên. Tuyến Hành lang Kinh tế Đông-Tây 2 đang được xây dựng đi từ Đà Nẵng – cửa khẩu Đak-ốc (tỉnh Quảng Nam)-huyện Đăc Chưng (tỉnh Sekong)-thị xã Pakse (tỉnh Champasak, Lào)-Ubon Ratchathani (Thái Lan). Trao đổi thương mại giữa các nước trong khu vực trong thời gian qua tăng đáng kể (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Lào, Thái Lan và Myanmar tăng trung bình 33%/năm). Sự ra đời của Hành lang Đông - Tây 2 sẽ đem lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho các quốc gia thành viên trên tất cả các mặt thương mại, kinh tế, du lịch, văn hóa.

3. Chính sách về di chuyển con người trong tình hình dịch bệnh COVID-19. Trước COVID-19, cuối năm 2019, khách du lịch Trung Quốc, Thái Lan và Lào đến Việt Nam là hơn 700.000 lượt. Các quốc gia cần có sớm Visa Vacxin để tạo điều kiện cho sự di chuyển của nhà đầu tư và nguồn nhân lực giữa các khu kinh tế trong khu vực. 

4. Đẩy mạnh cơ chế hợp tác và phát triển hợp tác cấp địa phương giữa các nước khu vực sông Mekong. Khai thác các cơ chế hợp tác sông Mekong như Mekong – Lancang, Mekong và Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Học tập các mô hình hợp tác, uỷ hội song nổi tiếng và thành công trên thế giới như Uỷ hội sông Missisipi, Đa-nuýp. Tận dụng các ký kết hợp giữa các quốc gia để đẩy mạnh phát triển đầu tư, thương mại và du lịch như: Hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), Sáng kiến hạ lưu sông Mekong (LMI), ... Khuyến khích hợp tác giữa chính quyền địa phương 6 nước.

5. Chính sách về ưu đãi thuế quan, hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh các Hiệp định thương mại song phương giữa các nước, cần đề ra những chính sách ưu đãi riêng cho các nhà đầu tư vùng sông Mekong khi đầu tư vào các khu kinh tế. Cần thiết lập khu miễn thuế quan, có các chính sách miễn thuế xuất nhập khẩu cho.

 

Quang cảnh Hội thảo trực tuyến

6. Phát triển hợp tác dựa trên các ngành kinh tế dựa vào tiềm năng của sông Mekong và sử dụng nguồn nước sông một cách bền vững. Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), lưu vực sông Mekong xếp đầu bảng trong danh sách các lưu vực sông quan trọng trên thế giới về nguồn thủy sản từ các vùng nước nội địa. Đặc biệt, tỷ lệ tăng trưởng của ngành nuôi trồng thủy sản tại lưu vực sông Mekong hiện nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Vì vậy, các khu kinh tế có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thuỷ sản, mở rộng quy mô sản xuất và hỗ trợ tiếp cận thị trường mới. 

 Bốn nước hạ lưu (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) có tiềm năng thủy điện quốc gia ước tính khoảng 50.000 - 64.750 MW, trong đó vùng hạ lưu Mekong có thể cung cấp 30.000MW. Tuy nhiên, thuỷ điện nếu xây dựng trên các dòng chính của sông Mekong sẽ có nhiều ảnh hưởng tiêu cực về tính toàn vẹn và đa dạng hệ sinh thái; nghề cá và an ninh lương thực; xã hội, sinh kế và lối sống; xung đột khu vực; không thể kiểm soát lũ hiệu quả. Vì vậy, các khu kinh tế cần đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng điện gió và mặt trời để thay cho thuỷ điện, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong. 

7. Tăng cường cơ chế kết nối doanh nghiệp, kết nối giữa các khu kinh tế với nhau. Cần đề thiết lập một tổ chức hay diễn đàn có sự tham gia của các khu kinh tế khu vực sông Mekong để thường xuyên trao đổi thông tin và đề ra các cơ chế, giải pháp thích hợp trong hợp tác giữa các khu kinh tế. Cần có cơ chế hợp tác giữa các khu công nghiệp đặc trưng với nhau như trao đổi về lao động, hợp tác phát triển khoa học kỹ thuật giữa các khu công nghệ cao.

8. Đề xuất Bộ Ngoại giao, các cơ quan ngoại giao của các quốc gia khu vực sông Mekong có cơ chế hợp tác để phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin về những quan điểm hợp tác, đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia và thông tin, dữ liệu về các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp quốc tế lớn, tiềm năng, các tập đoàn đa quốc gia để có thêm cơ sở nghiên cứu về thị trường, tiềm năng và đối tác thu hút đầu tư vào các khu kinh tế.

Nhằm tận dụng điều kiện, vị trí địa lý thuận lợi và khai thác hiệu quả những lợi thế sẵn có để thúc đẩy sự phát triển, hợp tác và thu hút đầu tư các quốc gia vùng sông Mekong, Đà Nẵng cần triển khai một số nội dung như tăng cường đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, trao đổi với các nước trong khu vực; thường xuyên tổ chức những chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch liên vùng; nghiên cứu, đề xuất những chính sách ưu đãi riêng cho các nhà đầu tư vùng sông Mekong khi đầu tư vào các khu kinh tế trong lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, xã hội hóa và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; có các cơ chế trao đổi lao động, hoặc cơ chế hợp tác giữa Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng với các khu kinh tế khác nhằm mang lại hiệu quả chung trong công nghệ, hợp tác phát triển khoa học kỹ thuật trong thời gian đến.

Duy Hòa - IPA


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

Địa chỉ

Tầng 18, Trung tâm Hành chính,

24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Quản lý nội dung HTML

Liên hệ

84-236-3886243/ 3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng

Giấy phép: Số 124/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 20/02/2017

Trưởng Ban Biên tập: Bà Huỳnh Liên Phương - Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng