Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Tư tưởng “ngoại giao cây tre” - Phản biện những luận điệu xuyên tạc và áp dụng vào trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài (Bài viết tham dự “Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ ba, năm 2023”)
Người đăng tin: Phúc Hoàng Lê Ngày đăng tin: 19/06/2023 Lượt xem: 16

Trong hơn 90 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai hiệu quả “một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Với tư tưởng “ngoại giao cây tre”, Việt Nam đã phát huy nội lực và thu hút ngoại lực, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để đạt được những thành tựu vĩ đại trong cuộc kháng chiến vệ quốc, kiến quốc và Đổi mới đất nước toàn diện đến ngày hôm nay. Trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn đầu tư đến từ 141 quốc gia, vùng lãnh thổ nước ngoài (trong đó, đã có 274 tỷ USD đã được giải ngân, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực). Tuy nhiên, các thế lực thù địch phản động vẫn không ngừng công kích, xuyên tạc tư tưởng này, phủ nhận các giá trị mà tư tưởng này mang lại cho đất nước Việt Nam. Do đó, việc nâng cao nhận thức về tư tưởng “ngoại giao cây tre”, tăng cường áp dụng hiệu quả vào trong công tác ngoại giao kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài; và đặc biệt là nhận diện, phản biện các luận điệu xuyên tạc lỗi thời của các thế lực phản động đòi hỏi phải được thực hiện quyết liệt và thường xuyên.


1. Về tư tưởng “ngoại giao cây tre”

Phát biểu tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 14-12-2021; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát trường phái ngoại giao mà Đảng và Nhà nước ta thực hiện trong hơn 90 năm qua là một “một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” (“Thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi!”), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tuỳ cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”!”[i].

Khi nhắc đến hình tượng cây tre là nhắc đến tình cảm, tâm hồn của bao nhiêu thế hệ Việt Nam, như qua các câu thơ Tre Việt Nam của nhà thơ Nguyễn Duy sau đây:

“Tre xanh

Xanh tự bao giờ

Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”

Từ rất lâu cây tre đã tồn tại, gắn bó với biết bao thế hệ người Việt Nam, tạo thành lũy tre bảo vệ làng Việt trước bao biến cố dòng chảy cuộc đời, cung cấp vật liệu để làm nơi ăn chốn ở, làm phương tiện sinh kế hay cả những vật dụng thiết yếu trong cuộc sống thường ngày… Trong cơn lốc của hội nhập, đô thị hóa, tre còn là biểu tượng của sự níu giữ, bảo tồn những tinh hoa văn hóa và hồn cốt dân tộc Việt bao đời…

Khi nhắc đến cây tre, ngoài những đặc trưng mang đậm bản sắc con người Việt Nam và làm nên trường phái ngoại giao như phân tích của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở trên thì có một đặc tính cũng khá thú vị tạo nên một thuật ngữ mà người ta hay gọi là “bài học cây tre” để nói về thành quả của sự kiên trì. Bài học đó được rút ra từ chính từ đặc điểm sinh trưởng tự nhiên của cây tre mà bất cứ ai từng quan sát cây tre cũng có thể nhận ra: khi mới mọc từ măng thì tốt độ sinh trưởng rất chậm, có thể phải mất 4 năm chỉ tăng thêm vài cm. Nhưng khi đến năm thứ 5, nó sẽ phát triển rất mạnh mẽ với tốc độ 30 cm mỗi ngày, và chỉ mất 6 tuần sau đó để đạt chiều cao 15 mét. Và trong tạo lập mối quan hệ ngoại giao với các nước khác, để tạo nên sự phát triển toàn diện và bền vững thì đòi hỏi các bên đều cần phải có nghị lực và sự kiên trì, nhẫn nại như cây tre, để vun đắp lâu dài. Cụ thể hơn, để đảm bảo phát triển bền vững, trước hết nội lực của địa phương đó phải thật vững chắc, có khả năng tự lực, tự cường trong hợp tác và cạnh tranh với các đối tác kinh tế từ bên ngoài (ngoại lực), để đảm bảo “hòa nhập” nhưng không bị “hòa tan”.

Có thể nói, trong bối cảnh quốc tế được dự báo có nhiều thay đổi rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường; hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức; thì trường phái “ngoại giao cây tre” có thể được xem là một trong những triết lý soi đường đầy hiệu quả và ý nghĩa của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, trong nhận thức về tư tưởng “ngoại giao cây tre” của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn còn chưa thật sự đầy đủ, các thế lực thù địch phản động vẫn thường xuyên xuyên tạc, phủ nhận giá trị của tư tưởng này.

2. Những luận điệu xuyên tạc lỗi thời, vô căn cứ đối với tư tưởng “ngoại giao cây tre”

Trên Báo Tiếng Dân điện tử ngày 17/12/2021, Trần Văn (thuộc VOA) đã có bài viết xuyên tạc mang tên: “Đối ngoại như thế là... vì thế!”. Trong bài viết này, có đoạn: “Tre vốn là loại thực vật không phải chỉ Việt Nam mới có. Tre ở đâu cũng có những đặc điểm y hệt như tre ở Việt Nam. Lấy các đặc điểm chung của giống tre để dán vào đó cái gọi là... “sự đặc sắc, độc đáo của đối ngoại và ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh” chính là... “ngoa ngôn mà... bất trí”!”. Bên cạnh đó, từ sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Zelensky của Ukraine (trong khuôn khổ Phiên họp “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng” ngày 21/5/2023) và sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Chủ tịch Đảng nước Nga thống nhất Dmitry Medvedev ngày 22/5/2023 tại trụ sở Trung ương Đảng; các trang mạng phản động, thù địch như RFA, VOA, BBC … đã có rất nhiều bài viết xuyên tạc cho rằng đây là đường lối “đu dây”, “gió chiều nào theo chiều ấy”, “không có chính kiến của Việt Nam”. Chúng cũng sử dụng những ngôn từ tương tự để xuyên tạc các phát ngôn và ứng xử của cơ quan ngoại giao Việt Nam trong mối quan hệ với Mỹ - Trung… Với một tần suất chống phá dày đặc và với tác dụng lan tỏa ngày càng lớn của mạng xã hội, những bài viết này hoàn toàn lạc lõng, phiến diện mà bất cứ công dân nào có tri thức đều nhận ra và phản bác. Bởi vì, “ngoại giao cây tre” của Việt Nam rõ ràng không phải là câu chuyện gió chiều nào theo chiều ấy, mà chính là tư tưởng ngoại giao dựa vào nội lực, dựa vào chính nghĩa và dựa vào lợi ích chân chính, quan trọng trên hết của dân tộc Việt Nam. Hình tượng cây tre cứng cỏi mà linh hoạt để thể hiện cho sự “kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết trong công tác đối ngoại. Hình tượng tre mọc thành lũy, kết đoàn, bảo vệ làng Việt cũng như vai trò của ngành ngoại giao có sứ mệnh là lực lượng tiên phong trong việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, đóng vai trò quan trọng cùng các lực lượng khác trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

3. Phát huy hiệu quả tư tưởng “ngoại giao cây tre” trong thu hút đầu tư nước ngoài

Từ tinh thần “ngoại giao cây tre” thủy chung son sắc, bạn bè tin cậy với quốc tế năm châu; trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài 35 năm qua, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong số này, đã có 274 tỷ USD đã được giải ngân, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Các dự án đầu tư nước ngoài đã đi vào hoạt động đã có những đóng góp to lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam. Trong những giai đoạn kinh tế Việt Nam gặp khó khăn, khu vực đầu tư nước ngoài chính là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, sau 35 năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Nếu theo đối tác, sau 35 năm, đã có 141 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 81 tỷ USD (chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với hơn 70,8 tỷ USD (chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông... Tính theo địa bàn, 35 năm qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài, cần phải tránh tư tưởng chủ quan, nóng vội, chú trọng vào số lượng hơn là chất lượng, chú trọng vào thành tích ngắn hạn hơn là tăng trưởng bền vững dài hạn, chú trọng vào con số đầu tư hơn là tiềm năng phát triển và chuyển giao công nghệ, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, dựa trên cơ sở những mục tiêu dài hạn, thì chúng ta cũng chú trọng đến chất lượng và tiềm năng phát triển dự án hơn là “nhất bên trọng, nhất bên khinh” với quốc tịch của dự án…

Đặc biệt, để phát huy câu chuyện “bài học cây tre”, các địa phương nói chung, Đà Nẵng nói riêng cần phải xác định rõ thế mạnh, nội lực của mình là gì để có những ưu tiên phát triển cộng đồng doanh nghiệp trong nước; xác định rõ những lĩnh vực nào cần hợp tác nước ngoài để chủ động nâng cao chất lượng tăng trưởng, tiếp cận chuyển giao công nghệ để từng bước tự chủ, tự lực, tự cường. Và phát huy tinh thần cây tre trong chịu thương chịu khó, thủy chung sâu sắc cũng là phát huy tinh thần “Xứ Quảng - Đà chưa mưa đã thắm - rượu Hồng đào chưa nhắm đà say - Bạn về nằm nghĩ gác tay - Hỏi nơi mô ân trượng nghĩa dày bằng ta”.

Hoàng Phúc

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[i] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -“Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 980, tháng 12-2021, tr. 8


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

Địa chỉ

Tầng 18, Trung tâm Hành chính,

24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Quản lý nội dung HTML

Liên hệ

84-236-3886243/ 3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng

Giấy phép: Số 124/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 20/02/2017

Trưởng Ban Biên tập: Bà Huỳnh Liên Phương - Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng