Tại hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi các giải pháp nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các hoạt động giáo dục; xây dựng hệ thống truyền thông; cơ chế chính sách, tổ chức hệ thống cuộc thi mạng lưới nhà cố vấn, đầu tư, doanh nghiệp lớn cũng như chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo bà Thạch Lê Anh - Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley (VSV), nhà đầu tư mạo hiểm và chuyên gia cao cấp về lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mô hình Silicon Valley là mô hình hỗ trợ các khởi nghiệp công nghệ, tập trung vào sự tăng trưởng của sản phẩm công nghệ cho thị trường trong và ngoài nước. Mô hình tương tự như các mô hình đã áp dụng tại một số nước như Hoa Kỳ và Hàn Quốc, nhưng ở Việt Nam sẽ có một số thay đổi để phù hợp với hiện trạng của nền công nghệ Việt Nam.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2019, Việt Nam đứng thứ 42/129 quốc gia nền kinh tế được xếp hạng và đứng thứ ba trong ASEAN. Hiện có khoảng 3000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động cho đầu tư khởi nghiệp, 40 cơ sở ươm tạo và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 60 không gian làm việc chung và không gian sáng tạo.
Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp lí, thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, "Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ có 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 2000 dự án và 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính 2000 tỷ đồng.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử thành phố - Công Tâm