Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương chung tay xây dựng tầm nhìn cho Quan hệ Đối tác Châu Á – Thái Bình Dương thế kỷ 21
Người đăng tin: Ngày đăng tin: 16/05/2017 Lượt xem: 12

Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương chung tay xây dựng tầm nhìn cho Quan hệ Đối tác Châu Á – Thái Bình Dương thế kỷ 21


Sáng ngày 15 tháng 5, tại khách sạn Marriott, Hà Nội, đã khai mạc trọng thể Hội nghị toàn thể lần thứ 24 Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) với chủ đề “Tầm nhìn cho quan hệ đối tác châu Á – Thái Bình Dương thế kỷ 21”do Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC) phối hợp với Ban Thư ký quốc tế PECC đăng cai tổ chức. Tham dự Hội nghị có gần 200 đại biểu đại diện 26 ủy ban thành viên của PECC, nhiều quan chức cao cấp của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cùng Lãnh đạo nhiều Bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu Việt Nam và một số tổ chức quốc tế và khu vực. Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Đây là lần đầu tiên nước ta đăng cai Hội nghị toàn thể Hội đồng PECC - một sự kiện quan trọng của khu vực quy tụ các nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu, đại diện giới doanh nghiệp, các quan chức có uy tín ở khu vực và quốc tế, để trao đổi và phối hợp chính sách trên các vấn đề có ảnh hưởng dài hạn đến tương lai của châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có tăng trưởng, liên kết kinh tế và việc xử lý các thách thức mới đang đặt ra đối với khu vực.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh trọng tâm kinh tế thế giới tiếp tục chuyển dịch về châu Á – Thái Bình Dương; các nền kinh tế mới nổi trong khu vực được dự báo sẽ tiếp tục là động lực của tăng trưởng khu vực và toàn cầu. Triển vọng khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang tươi sáng hơn bao giờ hết và đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Bên cạnh đó, tương lai khu vực còn phụ thuộc vào việc xử lý hiệu quả ba “nhóm” thách thức. Thứ nhất, đó là năng suất trì trệ, bất bình đẳng gia tăng, các thách thức dân số, đói nghèo, đô thị hóa, biến đổi khí hậu. Thứ hai, đó là mức độ sẵn sàng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, trong bối cảnh những thay đổi to lớn về công nghệ đang làm thay đổi bản chất của việc làm, chuyển đổi xã hội và cách thức chúng ta tương tác. Thứ ba, đó là những rủi ro tiềm ẩn của xung đột địa chính trị và việc thiếu một cơ chế quản trị khu vực có khả năng thích ứng. Trong tình hình đó, đây là thời điểm rất thích hợp để cùng thảo luận một cách sâu sắc về tầm nhìn quan hệ châu Á – Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới. 

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, nằm ở tâm điểm của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đã không ngừng đẩy mạnh đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và tích cực triển khai chính sách đối ngoại đa phương. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương luôn là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tương lai của khu vực là tương lai của Việt Nam. Phó Thủ tướng cũng bày tỏ tin tưởng các khuyến nghị và ý kiến của các đại biểu sẽ đóng góp quan trọng vào tiến trình tư duy về hợp tác APEC đến năm 2020 và tương lai, và vào chủ đề bao trùm của Năm APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

Ngay sau phiên khai mạc, Hội nghị đã tiến hành bốn phiên thảo luận về triển vọng tăng trưởng và liên kết kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, các động lực mới cho tăng trưởng và liên kết kinh tế, chương trình nghị sự châu Á – Thái Bình Dương về kinh tế số và triển vọng quan hệ đối tác châu Á – Thái Bình Dương.

Trong bài phát biểu dẫn đề, nguyên Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy đã phân tích những xu thế mới trong thương mại toàn cầu và vai trò của châu Á – Thái Bình Dương trong thúc đẩy thương mại toàn cầu; nhấn mạnh những xu hướng mới trong thương mại quốc tế đòi hỏi các chính phủ hợp tác chặt chẽ hơn trong việc hài hòa các quy định, chính sách thương mại, và giúp người dân hiểu hơn về thương mại mở và các chính sách an sinh xã hội.

Các đại biểu cùng chia sẻ đánh giá nền tảng kinh tế nói chung và cấu trúc thương mại, đầu tư nói riêng sẽ tiếp tục thay đổi mạnh mẽ ở khu vực và trên tầm toàn cầu; nhấn mạnh nhu cầu gia tăng hợp tác, tìm kiếm các động lực mới thúc đẩy tự do hóa thương mại, liên kết khu vực và tăng trưởng bao trùm, bền vững, sáng tạo như kết nối, đề cao vai trò của doanh nghiệpsiêu nhỏ, nhỏ và vừa, vai trò của dịch vụ và đầu tư; tranh thủ cơ hội và tiềm năng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số; cơ hội và thách thức đối với quan hệ đối tác châu Á – Thái Bình Dương.

Nhiều ý kiến tập trung phân tích những xu hướng mới của làn sóng toàn cầu hoá lần thứ 3 trong kỷ nguyên kinh tế số/kinh tế mạng. Trong đó nền tảng công nghệ thông tin dẫn đến những thay đổi không ngừng. Đồng thời, số liệu và thông tin trở thành những nguồn lực và động lực quan trọng phục vụ tăng trưởng kinh tế. Các đại biểu cũng đánh giá, nhờ nguyên tắc hợp tác cùng có lợi và cơ chế đối thoại linh hoạt, APEC và PECC đã tạo khuôn khổ để các nền kinh tế trong khu vực thảo luận những nội hàm hợp tác mới, vốn ít khả năng đạt được đồng thuận khi được đưa ra tại những cơ chế mang tính ràng buộc cao hơn.

Hội nghị đánh giá khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang ở một giai đoạn phát triển then chốt với nhiều cơ hội và thách thức khó đoán định. Việc xây dựng một tầm nhìn mới cho hợp tác thời gian tới là vấn đề thiết yếu. Trước những chuyển biến nhanh chóng đang diễn ra cùng cuộc cách mạng công nghệ số, châu Á – Thái Bình Dương chỉ có thể khẳng định vai trò toàn cầu khi các nền kinh tế và các cơ chế hợp tác trong khu vực phối hợp hành động chặt chẽ hơn để nâng cao khả năng thích ứng và hiệu quả hợp tác. Tương lai của khu vực gắn liền với triển vọng của các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế hiện có và đang được hình thành ở khu vực. Do đó, thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng hơn, tăng cường kết nối, tăng trưởng bao trùm và sáng tạo sẽ là những nội hàm không thể thiếu của hợp tác khu vực thời gian tới.

Các kết quả của Hội nghị, đặc biệt những đề xuất về vai trò, triển vọng hợp tác và hướng đi dài hạn của khu vực, sẽ đóng góp quan trọng vào nỗ lực chung định hình tương lai quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới.

* Thành lập năm 1980, PECC là cơ chế phối hợp chính sách kinh tế - thương mại quan trọng hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương, và là một trong ba quan sát viên của Diễn đàn APEC. Mục tiêu của PECC là góp phần vào việc hình thành các chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng, liên kết và hợp tác trong khu vực và APEC. PECC gồm Ban Thư ký quốc tế có trụ sở tại Xinh-ga-po và một mạng lưới 23 ủy ban thành viên chính thức, chủ yếu gồm các nền kinh tế APEC (Ốt-xtrây-lia, Bru-nây, Canada, Chi-lê, Cô-lôm-bia, Ê-qua-đo, Hồng Công – Trung Quốc, Trung Quốc, In-đô-nê-xia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lai-xia, Mê-xi-cô, Mông Cổ, Niu Di-lân, Pê-ru, Phi-líp-pin, Xinh-ga-po, Diễn đàn các lãnh thổ Pháp tại Thái Bình Dương, Đài Bắc – Trung Hoa, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam), một thành viên liên kết và hai cơ chế hợp tác (Hội nghị Thương mại và Phát triển Thái Bình Dương – PAFTAD và Hội đồng Kinh tế lòng chảo Thái Bình Dương – PBEC). Hội nghị toàn thể là hoạt động quan trọng và có quy mô lớn của PECC để các thành viên đóng góp vào mục tiêu của Hội đồng thúc đẩy phát triển và thịnh vượng của cộng đồng Thái Bình Dương. Việt Nam là thành viên chính thức của PECC từ tháng 9 năm 1995. Hiện nay, Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương gồm 03 thành viên do Tiến sỹ Võ Trí Thành làm Chủ tịch

www.apec2017.vn


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

Địa chỉ

Tầng 18, Trung tâm Hành chính,

24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Quản lý nội dung HTML

Liên hệ

84-236-3886243/ 3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng

Giấy phép: Số 124/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 20/02/2017

Trưởng Ban Biên tập: Bà Huỳnh Liên Phương - Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng