Chủ đề “Một năm quan trọng để xây dựng lại niềm tin” đã phần nào nói lên những thách thức mà cuộc gặp hàng năm này sẽ phải vượt qua. Vẫn là câu chuyện về niềm tin nhưng năm nay lại trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi đại dịch Covid-19 đang đào sâu hơn những chia rẽ và bất bình đẳng.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi tăng cường phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô, cũng như vai trò điều hành kinh tế của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), trong bối cảnh cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đà phục hồi kinh tế thế giới.
"Chúng ta nên từ bỏ tư tưởng Chiến tranh Lạnh lỗi thời, tôn trọng lẫn nhau và tăng cường sự tin cậy chính trị thông qua tiếp xúc chiến lược. Các quyền bình đẳng về phát triển cần được đảm bảo cho tất cả các quốc gia nhằm thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng chung”, ông Tập Cận Bình nói.
Cách đây đúng 1 năm, tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2020, Covid-19 khi ấy vẫn chỉ được biết đến như một “căn bệnh lạ” và chỉ làm dấy lên một mối lo ngại mơ hồ. Một năm sau, thế giới vẫn đang phải vật lộn với một đại dịch đã giết chết hơn 2 triệu người và làm mất đi 225 triệu việc làm. Sự lạc quan nhen nhóm trở lại vào tháng 11 khi vaccine trở thành hiện thực dường như vẫn là chưa đủ để khỏa lấp những lo ngại về sự phát triển của những biến thể mới và sự chậm trễ trong việc phân phối vaccine. Ngay trước thềm hội nghị, tổ chức phi chính phủ Oxfam đã công bố báo cáo cho thấy, sự bất bình đẳng trên toàn cầu đã trở nên “mất kiểm soát”, trong khi Diễn dàn kinh tế thế giới cảnh báo, khó khăn về kinh tế, xã hội hình thành từ dịch Covid-19 có thể dẫn đến “bất ổn xã hội, căng thẳng địa chính trị và phân mảnh chính trị”.
Theo Nhà sáng lập Diễn đàn kinh tế thế giới Klaus Schwab, cần có sự phục hồi kinh tế “bền vững, kiên cường và bao quát hơn”: “Năm 2021 này sẽ là một năm bản lề, một năm quan trọng đối với tương lai của thế giới. Với vaccine, chúng ta có cơ hội thoát khủng hoảng do đại dịch Covid-19 và xây dựng lại nền kinh tế. Nhưng chúng ta phải làm theo cách mà nền kinh tế và xã hội trở nên linh hoạt hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn”.
Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Christine Lagarde thì lạc quan hơn khi khẳng định, 2021 sẽ là năm phục hồi: "Để có thể phục hồi, chúng ta vẫn phải trải qua một giai đoạn khó khăn nữa. Sự phục hồi của nền kinh tế có thể diễn ra chậm, nhưng không được phép bị trật bánh. Đại dịch thực sự đang tấn công các hoạt động sản xuất và chắc chắn cũng sẽ để lại những vết sẹo cho tương lai”.
Mặc dù Covid-19 là vấn đề nhức nhối nhưng biến đổi khí hậu vẫn hiện diện tại Diễn đàn kinh tế thế giới như những năm gần đây. Việc phong tỏa tránh lây lan dịch Covid-19 khiến khí thải giảm trong năm 2020, nhưng nhiệt độ trái đất vẫn không ngừng tăng lên. Các chuyên gia hồi cuối năm ngoái đã cảnh báo nguy cơ thế giới không đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất không quá 2 độ C, thậm chí tham vọng hơn là 1,5 độ C vào năm 2050 so với thời kỳ tiền Công nghiệp. Giới quan sát kỳ vọng, tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm nay, các nước sẽ có thể đưa ra những mục tiêu tham vọng hơn để cứu lấy hành tinh, nhất là trong bối cảnh tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu./.
Nguồn: VOV1