Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Dấu ấn chuyển đổi số tại Đà Nẵng
Người đăng tin: Nghĩa Thanh Nguyễn Ngày đăng tin: 05/09/2023 Lượt xem: 4

Đà Nẵng xác định chuyển đổi số nhằm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, quản lý xã hội và sản xuất - kinh doanh, kết hợp với ứng dụng công nghệ số để tạo ra các dịch vụ mới, mang lại giá trị mới.


chuyển đổi số góp phần giúp Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, đáng sống
Chuyển đổi số góp phần giúp Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, đáng sống
 

Trái ngọt cho sự khởi đầu

Trung tuần tháng 8/2023, UBND TP. Đà Nẵng chính thức khai trương Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh TP. Đà Nẵng (Trung tâm IOC). Trung tâm IOC là đầu mối thu thập thông tin, dữ liệu từ các OC quận, huyện; OC chuyên ngành và các ứng dụng, hệ thống của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng… nhằm phân tích, đưa ra số liệu tổng hợp về tình hình hoạt động của Thành phố để lãnh đạo có thông tin chỉ đạo, điều hành.

Trung tâm này còn đảm nhận vai trò chia sẻ thông tin cho các cơ quan liên quan phục vụ quản lý nhà nước; công khai, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ việc triển khai chính quyền đô thị. Đồng thời, phát hiện, cảnh báo sớm các vấn đề, sự kiện bất thường liên quan đến hoạt động của đô thị, hỗ trợ làm Trung tâm chỉ huy tập trung của Thành phố trong xử lý các tình huống khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh…

Sự ra đời Trung tâm IOC có thể nó là “trái ngọt” đối với công tác chuyển đổi số của TP. Đà Nẵng trong suốt thời gian qua. Theo như lời ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Trung tâm IOC là mô hình mới, áp dụng công nghệ mới, sử dụng dữ liệu số, đặc biệt là yêu cầu cao về quy trình, nghiệp vụ liên ngành.

Một trong những thành công bước đầu của Đà Nẵng trong chuyển đổi số là triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích và nhiều kênh để người dân, doanh nghiệp tiếp cận sử dụng. Qua đó, tạo được sự tương tác giữa chính quyền và người dân, góp phần không nhỏ vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế Thành phố, cải cách hành chính.

Theo báo cáo, năm 2022, kinh tế số đóng góp 17,5% trong cơ cấu GRDP của Đà Nẵng, với tỷ lệ ngành công nghiệp công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân trên 20%/năm), dần khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Thành phố.

“Trung tâm kế thừa kết quả triển khai, đặc biệt là hạ tầng và dữ liệu số. Sự kiện khai trương, đưa vào hoạt động Trung tâm IOC thể hiện cam kết, quyết tâm cao nhất của lãnh đạo Thành phố trong triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh”, ông Chinh khẳng định.

Liên quan đến chuyển đổi số, ông Chinh cho rằng, đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, được chính quyền Thành phố xác định là động lực thúc đẩy phát triển mọi mặt về chính quyền, kinh tế, xã hội.

Theo ông Chinh, trong những năm qua, công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố đã diễn ra đồng bộ, mạnh mẽ, cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, người dân chủ động, tích cực tham gia triển khai.

“Một trong những thành công bước đầu của Đà Nẵng trong chuyển đổi số là triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích và nhiều kênh để người dân, doanh nghiệp tiếp cận sử dụng. Qua đó, tạo được sự tương tác giữa chính quyền và người dân, góp phần không nhỏ vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế Thành phố, cải cách hành chính”, ông Chinh nói.

Theo báo cáo, năm 2022, kinh tế số đóng góp 17,5% trong cơ cấu GRDP của Đà Nẵng, với tỷ lệ ngành công nghiệp công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân trên 20%/năm), dần khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Thành phố.

Về chính quyền số, Thành phố đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến và bắt đầu sử dụng dữ liệu số trong chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công theo hướng dịch vụ số. Tính đến nay, Đà Nẵng đạt tỷ lệ 96% dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ (vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2023 là 90%; chỉ tiêu của Thành phố năm 2023 là 95%). Tính đến tháng 6/2023, đã tích hợp được 1.627 dịch vụ công trực tuyến lên hệ thống dịch vụ công quốc gia.

Thành phố bắt đầu đưa dịch vụ ngoài một cửa và dịch vụ sự nghiệp công lên cung cấp trực tuyến mức 4 trên Cổng dịch vụ công Thành phố; sử dụng dữ liệu số để đơn giản hóa thủ tục hành chính, thay thế thành phần hồ sơ giấy khi thực hiện thủ tục hành chính. Đến tháng 6/2023, Đà Nẵng đã cấp hơn 394.000 tài khoản định danh điện tử, chiếm 32% dân số Thành phố (chỉ tiêu quốc gia giao là 30%; tỷ lệ trung bình toàn quốc hiện là 60%); 81/96 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip.

Về kinh tế số, theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số của Đà Nẵng năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 19,76% trong cơ cấu GRDP Thành phố, gần đạt chỉ tiêu năm 2025 là 20%. Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số đạt 2,3 doanh nghiệp/1.000 dân (gấp 3 lần tỷ lệ trung bình toàn quốc); 2 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp công nghệ số Thành phố đã phát triển nhiều sản phẩm chủ lực và đạt các giải thưởng quốc gia như Giải thưởng Sao Khuê, Giải thưởng Viet Solutions, Giải thưởng Make in Viet Nam...

Song song đó, hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông tại Thành phố đã có những bước phát triển vượt bậc, được mở rộng theo hướng dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng ngày càng cao đáp ứng các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, cũng như sẵn sàng cho việc triển khai xây dựng thành phố thông minh, phát triển chuyển đổi số.

Thành phố hoàn thành phủ sóng mạng 3G, 4G, Internet băng rộng cố định tại 100% khu dân cư; phát triển phủ sóng mạng 5G tại khu vực trung tâm Thành phố và các khu công nghệ thông tin tập trung. Hạ tầng truyền dẫn cáp quang bảo đảm cung cấp 100% nhu cầu băng thông tốc độ cao cho doanh nghiệp công nghệ thông tin. Trên cơ sở truyền dẫn cáp quang mạng MAN, đến nay trên địa bàn Thành phố có 250 điểm wifi công cộng miễn phí, khoảng 100 điểm wifi của các doanh nghiệp triển khai miễn phí tại khu vực sân bay, nhà ga, bệnh viện..

Ngoài ra, xã hội số từng bước hình thành và phát triển đã tạo được thói quen, kỹ năng số trong người dân, góp phần đưa Đà Nẵng 2 năm liên tiếp xếp hạng nhất Chỉ số Đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI); 3 năm liên tiếp đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam ở hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”; 3 năm liên tiếp đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam…

Chuyển đổi số là động lực

Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, công nghiệp công nghệ cao là một trong 3 trụ cột chính được quan tâm tập trung phát triển, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ đóng góp 10% tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố, tầm nhìn đến năm 2045 “Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”.

Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ Thành phố đã xác định một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số”.

Như vậy, công cuộc triển khai chuyển đổi số tại Đà Nẵng không chỉ góp phần cho chuyển đổi số của quốc gia, mà còn là một trong những giải pháp chính để xây dựng, phát triển Thành phố theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ Thành phố.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định, Thành phố nhận thức được chuyển đổi số không phải là tập hợp các ứng dụng công nghệ thông tin, mà là thay đổi phương thức quản lý nhà nước, quản lý xã hội và sản xuất, kinh doanh, kết hợp với ứng dụng công nghệ số, từ đó, tạo ra các dịch vụ mới, đem lại giá trị mới.

Chuyển đổi số cũng là động lực trong phát triển, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị trong nước và khu vực ASEAN” và tầm nhìn “TP. Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, đáng sống”.

“Đà Nẵng xác định quan điểm chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, trong đó, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thi công vụ là cốt lõi. Đồng thời, lấy xây dựng chính quyền số làm động lực và dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số. Để triển khai chuyển đổi số tại Đà Nẵng thành công, điều tiên quyết cần phải có chiến lược, tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn, rõ ràng, dễ tiếp cận và có khả năng thực thi cao”, ông Quảng  nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, chuyển đổi số là hành trình liên tục, lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn hình thành và phát triển. “Để chuyển đổi số thành công, yêu cầu tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó, làm việc nào dứt điểm việc đó, có trọng tâm, trọng điểm và quan trọng nhất là cần có sự tham gia, đồng hành, ủng hộ không chỉ từ hệ thống chính quyền Thành phố, mà còn từ cộng đồng doanh nghiệp, xã hội và người dân” ông Quảng nói.

(Nguồn: https://baodautu.vn/dau-an-chuyen-doi-so-tai-da-nang-d197695.html)


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

Địa chỉ

Tầng 18, Trung tâm Hành chính,

24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Quản lý nội dung HTML

Liên hệ

84-236-3886243/ 3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng

Giấy phép: Số 124/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 20/02/2017

Trưởng Ban Biên tập: Bà Huỳnh Liên Phương - Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng