Vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Mỹ bằng đường biển mất 16 ngày, nhưng thủ tục thông quan tại Việt Nam phải mất 21 ngày…
Ông Nestor Scherber – Cố vấn cấp cao của Liên minh Thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam, nói về vấn đề thủ tục hải quan ở Việt Nam như trên tại hội thảo về TPP và nông nghiệp sáng 3/12.
Thủ tục hải quan "rườm rà"
Theo ông Nestor Scherber, hàng hóa vận chuyển từ Cảng Cái Mép ở Việt Nam sang khu vực bờ Tây nước Mỹ và ngược lại có cùng thời gian là 16 ngày. Thế nhưng, khi hàng hóa vào Việt Nam thời gian thông quan hàng hóa lạ kéo dài lên tới 21 ngày. Đây là điều cần phải cải thiện khi thời gian tới Việt Nam sẽ tham gia Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nói về rào cản kỹ thuật đối với thương mại và tiêu chuẩn an toàn sức khỏe quốc tế dành cho mặt hàng nông sản, ông Nestor Scherber cho biết, các nước tham gia TPP phải chấp hành hiệp ước về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, hay còn gọi là SPS. Hiệp ước này quy định các nguyên tắc cơ bản trong thương mại quốc tế về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn sức khỏe động thực vật.
Điều này cho phép các nước thiết lập tiêu chuẩn của riêng mình, tuy nhiên phải dựa trên cơ sở khoa học và không được áp dụng tùy tiện, phân biệt đối xử với các nước có cùng điều kiện.
Tại Mỹ, thực phẩm cung ứng cho các cơ sở chế biến phải được đăng ký với FDA trước và "thông báo trước" phải được nộp bằng điện tử trước khi đến các lô hàng tại cảng xem xét. Hải quan và Bảo vệ biên giới ở tất cả các cảng của Mỹ sẽ thực hiện cưỡng chế thi hành các yêu cầu của các cơ quan này ngoài những quy định hải quan.
Ứng dụng công nghệ cao
Th.S Từ Minh Thiên (Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao) cho hay, khi nói về TPP là nghe nhiều đến những khó khăn cho ngành Nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi. Tuy nhiên các doanh nghiệp trong nước còn có thời gian chuẩn bị khá dài, và nếu không muốn bị "bỏ rơi" thì nên bắt tay ngay từ bây giờ.
Theo ông Từ Minh Thiên, ngành Nông nghiệp trong nước có những lợi thế như là nước nông nghiệp, dồi dào năng lượng tái tạo và lao động. Việt Nam có thuận lợi trong việc xuất khẩu lương thực như gạo. Vì Thái Lan và Ấn Độ, hai cường quốc về xuất khẩu gạo chưa tham gia TPP và thuế nhập khẩu mặt hàng này vào Mỹ sẽ được gỡ bỏ (7% xuống 0%). Bên cạnh đó, mặt hàng thủy sản như cá tra, tôm cũng sẽ có cơ hội. Khi gia nhập TPP, Việt Nam có nhiều lợi thế gia nhập các chuỗi cung ứng trên thế giới.
Nhưng bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đang đứng trước nguy cơ mất khả năng cạnh tranh. Thịt heo có ưu thế sản xuất nội địa vì người dân vẫn còn thói quen sử dụng thịt tươi. Tuy nhiên xu hướng tiêu dùng có khả năng thay đổi sang dùng thịt đông lạnh.
Đứng trước thực trạng đó, theo ông Từ Minh Thiên, các doanh nghiệp trong nước cần phải có những giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Nói về những hạn chế trong ngành nông nghiệp thời gian qua, ông Từ Minh Thiên cho rằng cứ 100 doanh nghiệp thì mới chỉ có 1 đơn vị đã áp dụng công nghệ cao, gần đây có một số tập đoàn lớn tham gia như VinGroup, Hoàng Anh Gia Lai. Muốn "ra biển lớn" thì sản phẩm phải có chất lượng cao, cung cấp được số lượng lớn, an toàn sử dụng, giá cả cạnh tranh… đây là điều doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được.
Để làm được, theo ông Từ Minh Thiên phải có sự bắt tay giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nhà nước tạo ra cơ chế, chính sách, cung cấp thông tin thị trường minh bạch. Đối với doanh nghiệp, cần xây dựng các chuỗi liên kết, đầu tư công nghệ cao trong lai tạo giống, thủy canh, ứng cụng công nghệ thông tin…
Riêng đối với các hộ dân, ông Từ Minh Thiên cho rằng nên áp dụng theo hình thức chuỗi giá trị liên kết dọc và ngang. Trong hình thức liên kết dọc, doanh nghiệp có vai trò tổ chức sản xuất, đảm bảo đầu ra còn các hộ dân được khoán định mức chi phí. Còn hình thức liên kết ngang, hộ sản xuất và đơn vị kinh doanh liên kết , hỗ trợ nhau để hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn. Đây là hai hình thức liên kết sản xuất được áp dụng rộng rãi tại Nhật Bản.
Phương Anh Linh