Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Thách thức kinh tế 2016
Người đăng tin: Ngày đăng tin: 02/11/2015 Lượt xem: 2


Tăng trưởng GDP năm 2015 dự kiến đạt 6,5% là cơ sở để Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2016. Tự tin vào khả năng đạt được con số này, song những thách thức phía trước của nền kinh tế cũng không hề nhỏ.

Khá lạc quan, khi thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhắc tới tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% - con số mà chỉ cách đây ít tháng, không thành viên Chính phủ nào nghĩ tới. Thậm chí, trong chỉ thị về xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ "gợi ý" một mức tăng trưởng khoảng 6,5%.

"Trong năm tới nền kinh tế nước ta tiếp tục đà phục hồi ổn định. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và tương đối ổn định là điều kiện quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao hơn", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và cũng đã nhắc đến việc mặc dù năm 2015, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ kịp thời có biện pháp ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới, Việt Nam đã tận dụng được lợi thế và cơ hội để phát triển.

Thực tế, kinh tế Việt Nam bắt đầu năm 2015 với mục tiêu tăng trưởng chỉ 6,2% và với bộn bề khó khăn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng còn nhiều bất ổn. Chưa kể, những tháng gần đây là sự trồi sụt của kinh tế Trung Quốc, giá dầu giảm mạnh… Bởi vậy, khi mức tăng trưởng 6,03% của quý I/2015 được công bố, dư luận ngỡ ngàng. Nhưng thực tế, sau khi tính lại đẩy đủ, thì tăng trưởng GDP quý I năm nay đạt tới 6,12%. Sang quý II, con số là 6,47%, còn quý II là 6,81%. Tính chung 9 tháng, tăng trưởng GDP đã đạt 6,5%, mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước, và đã khẳng định được sự hồi phục một cách rõ nét của nền kinh tế.

"Sự hồi phục của sản xuất công nghiệp cũng như của khu vực doanh nghiệp trong nước nhờ những thuận lợi từ các FTA mang lại, sức mua và tổng cầu trong nước tăng, tăng trưởng của đầu tư cũng như sự bứt phá của khu vực FDI sẽ là những động lực cho tăng trưởng kinh tế cho năm tới", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phân tích.

Trên thực tế, không chỉ Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lạc quan. Các dự báo gần đây của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng ANZ… cũng đều có chung nhận định về sự phục hồi và tăng trưởng cao hơn của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kinh tế 2015, dự kiến 2016 cũng đồng tình điều này. Tuy nhiên, một cách thẳng thắn thì ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng đã bày tỏ sự quan ngại khi nhìn lại các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong suốt 5 năm Kế hoạch 2011 - 2016. "Vẫn có những ý kiến về việc phục hồi tăng trưởng thiếu bền vững, hay như việc nhập siêu đã quay trở lại. Trong hai năm 2014 - 2015, lạm phát thấp xa so với kế hoạch đề ra, một mặt cho thấy kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, nhưng cũng cho thấy chính sách tiền tệ, tài khóa đã thắt chặt, gây ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp", ông Giàu nói.

Và đó cũng chính là một trong những thách thức của nền kinh tế trong năm tới, khi mà các chỉ tiêu kế hoạch dự kiến được đặt ra cao hơn năm 2015, trong khi nhiều ý kiến cho rằng, phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 sẽ khó khăn hơn năm 2015, do tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, nhất là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam. "Ở trong nước, việc bội chi ngân sách cao, nợ công gần sát trần giới hạn, chu kỳ trả nợ ngày càng lớn, nợ xấu không thể xử lý nhanh… cũng là những thách thức lớn", ông Nguyễn Văn Giàu nhận định.

Trước đó, trao đổi với Báo Đầu tư, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh cũng đã đề cập 4 thách thức của nền kinh tế trong năm 2016, đó là lạm phát tuy đang ở mức thấp nhưng lãi suất không giảm được, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam; nguy cơ FED tăng lãi suất vào cuối năm nay; và những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp ở trong nước - trong khi đây được xác định là bệ đỡ của nền kinh tế.

Đồng tình với các quan điểm này, song Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đã nhắc đến những cơ hội và thách thức mang lại cho nền kinh tế trong quá trình hội nhập, với việc ký kết hàng loạt FTA, trong đó có TPP, cũng như việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm nay.

"Đây thực sự là một thách thức lớn, nhất là trong bối cảnh sự nắm bắt, hiểu biết về hội nhập cũng như những tác động tới nền kinh tế, hoạt động đầu tư, kinh doanh của từng doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Việc trình độ công nghệ kém, chất lượng sản phẩm kém, năng lực cạnh tranh thấp sẽ là những khó khăn cho sự phát triển của nền kinh tế trong năm 2016, cần sớm có giải pháp khắc phục trong năm 2016 và trong trung và dài hạn", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Một điều cần phải khẳng định, năm 2016 là năm có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, với việc tham gia một loạt FTA. Năm 2016 cũng là năm Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XII, và là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Do vậy, mục tiêu đề ra cũng như giải pháp để thực hiện Kế hoạch 2016 có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho không chỉ năm sau, mà cho cả giai đoạn về sau.

Điều cần quan tâm, đó là trong mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, đã có thêm cụm từ "kinh tế phát triển bền vững", bên cạnh mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tốc độ tăng trưởng hợp lý. Đây là mục tiêu quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Cần có giải pháp đồng bộ

- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Để đạt mục tiêu năm 2016 nhập siêu dưới 5% tổng kim ngạch nhập khẩu, cần phải có giải pháp, chính sách đồng bộ ngay từ bây giờ, vì năm 2016, nền kinh tế hội nhập sâu hơn, nhanh hơn, rộng hơn, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được Quốc hội 12 nước thành viên thông qua và sớm đi vào triển khai. Muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may, dày dép… vào các nước TPP, Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, có nghĩa là nhập siêu sẽ gia tăng. Vì vậy, muốn giảm được nhập siêu, thì phải có nguồn nguyên liệu, máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, tức là phải có các giải pháp, chính sách đồng bộ để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng hóa, thiết bị, máy móc thay thế nhập khẩu. Nếu chúng ta không làm được điều này, thì không được hưởng lợi bao nhiêu từ TPP và các hiệp định thương mại tự do khác, vì doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ làm thay việc này. Họ nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị, máy móc và nhờ ta gia công, sản xuất, lắp ráp rồi bán cho các nước TPP và đối tác trong các hiệp định thương mại tự do để hưởng các chính sách ưu đãi về thuế quan mà ta đã ký kết.

Nguyên Đức

Báo Đầu tư


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

Địa chỉ

Tầng 18, Trung tâm Hành chính,

24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Quản lý nội dung HTML

Liên hệ

84-236-3886243/ 3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng

Giấy phép: Số 124/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 20/02/2017

Trưởng Ban Biên tập: Bà Huỳnh Liên Phương - Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng