Mặc dù khối doanh nghiệp FDI đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong quy mô nền kinh tế Việt Nam song theo kết quả khảo sát 1000 doanh nghiệp đứng đầu về nộp thuế, tỷ lệ đóng góp của khối này chỉ dừng lại ở mức khoảng 37%.
Đóng góp thuế của khối DNNN giảm
Theo kết quả báo cáo 1.000 doanh nghiệp đứng đầu về nộp thuế (V1000) vừa được Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố ngày 14/10/2015, tổng số thuế mà các doanh nghiệp V1000 đóng góp vào ngân sách Nhà nước đạt 82.344 tỷ đồng, tăng 2,34% so với mức 80.460 tỷ đồng của năm trước, chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách của Nhà nước năm 2014 theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Trong số này, Top 100 doanh nghiệp đứng đầu đóng góp khoảng hơn 50.000 tỷ đồng, chiếm tới hơn 60% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp toàn Bảng xếp hạng.
Khối FDI có tỷ lệ doanh nghiệp xuất hiện trong Bảng xếp hạng V1000 năm nay nhiều nhất, với 460 doanh nghiệp, tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp vào tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp của toàn bảng chỉ dừng lại ở mức khoảng 37%.
Trong khi đó, khối tư nhân là khối có tỷ lệ xuất hiện của doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng đứng ở vị trí thứ 2 là 311 doanh nghiệp, nhưng tỷ lệ đóng góp chỉ đạt khoảng 18%. Điều này cho thấy sự bất tương xứng trong số lượng doanh nghiệp và mức đóng góp của các doanh nghiệp trong 2 khối này trong Bảng xếp hạng.
"Đây được xem là một nghịch lý khi khối doanh nghiệp FDI đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong quy mô nền kinh tế Việt Nam, trong khi khối doanh nghiệp tư nhân ngày càng được đánh giá là thành phần kinh tế chủ chốt", theo đơn vị khảo sát.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, V1000 năm 2015 có sự xuất hiện của 229 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đóng góp khoảng 45% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp của toàn bảng xếp hạng. Tuy nhiên, mức đóng góp này đã giảm đáng kể so với mức 65,6% của khối trong Bảng xếp hạng V1000 năm 2014. Điều này phần nào cho thấy kết quả của công cuộc cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh trong thời gian vừa qua.
Doanh nghiệp "hào hứng" với TPP
Mặc dù ngành thuế thời gian qua đã nỗ lực cải cách sâu rộng trong toàn bộ hệ thống nhằm đem lại một môi trường thuế minh bạch, giảm thiểu tối đa những khó khăn cho doanh nghiệp đang hoạt động cũng như tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, tuy nhiên, hệ thống thuế hiện hành của Việt Nam vẫn chưa thực sự "được lòng" các doanh nghiệp và cần có thêm những điều chỉnh, cải cách để nhận được những đánh giá phản hồi tích cực hơn.
Theo kết quả khảo sát, có tới 61% số doanh nghiệp mong muốn sửa đổi thêm nhiều điểm trong quy định hiện nay của hệ thống thuế. 26% doanh nghiệp mong muốn sửa đổi thêm chút ít, và chỉ có 13% doanh nghiệp hài lòng với những chính sách thuế hiện nay.
Đơn vị xếp hạng cũng nhận định, khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thống thuế hiện hành của Việt Nam, đặc biệt là thuế xuất nhập khẩu. Theo đó, bên cạnh những doanh nghiệp cảm thấy hào hứng vì được hưởng lợi từ những thay đổi, thì cũng có rất nhiều doanh nghiệp thấy e ngại vì phải chịu những tác động tiêu cực, hay những doanh nghiệp đứng ngoài vòng ảnh hưởng khi không chịu quá nhiều áp lực từ những thay đổi này.
Theo như số liệu thống kê, gần một nửa số doanh nghiệp phản hồi (49%) nhận thấy mình sẽ được hưởng lợi từ những thay đổi về chính sách thuế sau khi Việt Nam ký kết hiệp định TPP, điều này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào một tương lai sáng lạn trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài cũng như hi vọng tích cực vào những đổi mới trong chính sách thuế đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
42% là tỷ lệ số doanh nghiệp cho rằng mình không chịu quá nhiều tác động của những chính sách cải cách thuế sau khi TPP được thông qua. 9% số doanh nghiệp còn lại có cái nhìn "bi quan" khi nhận thấy những ảnh hưởng tiêu cực mà những cải cách thuế dựa trên hiệp định lịch sử này sẽ đem đến cho doanh nghiệp.
Bích Diệp (Dân trí)
Xem tin gốc tại đây