Việc tham gia TPP, hay thành lập Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) sẽ giúp Việt Nam về thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn, nhưng cũng kèm theo những thách thức.
Việt Nam đã và đang thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài rất lớn từ nhiều thành phần kinh tế quốc tế. Gần gây, đầu tư nước ngoài đang trở thành tâm điểm chú ý của thị trường khi Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương với nhiều quốc gia và khu vực.
Việc tham gia TPP, hay thành lập Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm cả đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư gián tiếp (FII) và các nguồn đầu tư ngoại khác. Trong đó, TPP là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) kiểu mẫu của thế kỷ 21, với mức độ sâu hơn, rộng hơn WTO về các lĩnh vực cắt giảm các dòng thuế; tăng độ mở cửa của dịch vụ; tăng cường quy định liên quan đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường minh bạch trong cạnh tranh; các vấn đề về lao động…
Với các nội dung và yêu cầu của một FTA có độ mở lớn như TPP, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên TPP sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, từ đó kéo theo dòng vốn đầu tư giữa Việt Nam với các nước trong khối và cả các nước ngoài khối TPP. Các nhà đầu tư ngoài khối TPP sẽ đầu tư vào Việt Nam nhằm hưởng lợi ưu đãi thuế quan. Từ năm 2013 trở lại đây, trước việc TPP sẽ trở thành hiện thực, nhiều dự án về dệt may, giày da,… từ các nước ngoài khối TPP đã đổ vào Việt Nam.
Về FII, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) là hoạt động phổ biến trên thị trường đầu tư quốc tế, nhất là đối với các nước đang phát triển có cơ sở pháp lý M&A rõ ràng, thống nhất và minh bạch sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư ngoại. Làn sóng M&A tại Việt Nam gia tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam thông qua việc mua lại các DN trong nước gia tăng đáng kể. Việc Việt Nam tham gia TPP sẽ thúc đẩy làn sóng M&A vào Việt Nam trong giai đoạn tới.
Trên thị trường vốn, nhiều quỹ đầu tư, các tập đoàn tài chính nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam. Các chính sách mới đây của Chính phủ Việt Nam thông qua các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2015, nới "room" trên thị trường chứng khoán, tách bạch giữa đầu tư với kinh doanh, cho phép người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam để sử dụng hoặc cho thuê lại… sẽ thúc đẩy dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam.
Cơ hội ai cũng nhìn thấy nhưng những thách thức thì cần phải làm rõ hơn. Trong đầu tư, cũng giống như trong thương mại, sức ép về cạnh tranh thu hút các dòng vốn ngoại vào Việt Nam không kém gì sức ép cạnh tranh trong xuất khẩu.
Bbởi cơ hội thu hút đầu tư thông qua TPP không chỉ dành riêng cho Việt Nam mà còn cho tất cả các nước thành viên khác và quyền đầu tư ở đâu là do các nhà đầu tư nước ngoài quyết định. Môi trường đầu tư của các nước bao gồm nhiều yếu tố, từ thể chế, hệ thống luật pháp chính sách, quản trị của Chính phủ, cơ sở hạ tầng và cung ứng dịch vụ, nguồn lao động,… Nếu những yếu tố này có tính cạnh tranh cao hơn sẽ thu hút được nguồn vốn ngoại nhiều hơn.
Đặc biệt, Việt Nam cần tỉnh táo hơn khi thu hút những dự án đầu tư có hàm lượng kỹ thuật - công nghệ thấp, dễ gây ô nhiễm môi trường trong các lĩnh vực khác nhau như dệt nhuộm, may mặc, da giày,… vào Việt Nam và từ các nước mà Việt Nam đang nhập siêu, nên cần biết loại bỏ các dự án nêu trên.
Ngoài ra, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ thúc đẩy dòng vốn ngoại vào Việt Nam nhiều hơn. Bởi đẩy mạnh đầu tư sản xuất nguyên vật liệu ở trong nước vì theo quy tắc xuất xứ, xuất khẩu vào các nước thành viên TPP muốn được hưởng thuế suất thấp, phải có nguyên liệu tự sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước thành viên, nên việc chuyển nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ ngoài TPP đang thực hiện hiện nay sang các nước thành viên TPP cũng không hoàn toàn dễ dàng và khó có thể làm ngay được.
Hiểu được tác động của các Hiệp định này tới cả nền kinh tế, những thách thức và hạn chế sẽ gặp phải chắc chắn sẽ giúp Việt Nam có được sự chủ động trong việc tận dụng các cơ hội trong thời gian sắp tới. Nắm bắt được điều này, Công ty Cổ phần StoxPlus đối tác chiến lược của Tập đoàn Nikkei và QUICK (Nhật Bản) sẽ tổ chức Hội nghị bàn tròn về "Tác động của các Hiệp định Thương mại tới dòng vốn đầu tư vào Việt Nam" vào ngày 25/9.
Gần 100 đại diện đoàn đàm phán, các cơ quan chính phủ, phòng thương mại, các tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư sẽ tham dự và cùng thảo luận. Ngoài ra, các lãnh đạo doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thuộc các lĩnh vực tài chính ngân hàng, công nghiệp, sản xuất, dịch vụ và thương mại.
Nhân sự kiên này, StoxPlus sẽ ra mắt Biinform, dịch vụ cung cấp thông tin thương mại thông qua cổng trực tuyến kết nối với cơ sở dữ liệu tập hợp 800.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Việt Nam. Cơ sở dữ liệu này bao gồm: 2 tỉ đơn vị dữ liệu; 1 triệu trường dữ liệu; 100GB dung lượng dữ liệu, và 1GB dữ liệu bổ sung mỗi ngày.
"Báo cáo Thông tin Doanh nghiệp của Biinform giúp khách hàng giảm thiểu rủi ro và phát triển kinh doanh bằng cách đạt được hiểu biết về các đối tác hiện tại hay khách hàng tiềm năng. Khi được trang bị đầy đủ thông tin về đối tác của mình, DN có thể quản lý rủi ro tín dụng thông qua đánh giá và đưa ra các điều khoản thanh toán phù hợp, cải thiện dòng tiền, phát triển kinh doanh hiệu quả và không bỏ lỡ những cơ hội đáng giá", ông Nguyễn Hữu Hiệu, phó Tổng Giám đốc StoxPlus chia sẻ.
Nguồn: Anh Hoa – Báo Đầu tư