Sau khi gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với những thay đổi lớn nào? Đây là vấn đề đặt ra trong một báo cáo được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia kinh tế và nghiên cứu viên đến từ Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), phối hợp với Đại học Nagoya (Nhật bản).
Báo cáo dự tính, sau khi gia nhập TPP, so với các nước thành viên khác thuộc nhóm này, Việt Nam là quốc gia có mức thay đổi GDP lớn nhất tính theo phần trăm. Cụ thể, tỷ lệ phần trăm GDP thay đổi của Việt Nam được dự báo sẽ dao động trong ngưỡng từ 0,11% cho đến cao nhất là 2,04%.
Ngoài ra, mức tăng đầu tư của Việt Nam cũng được đánh giá sẽ thuộc hàng mạnh nhất trong các nước (từ 6,86% đến 30,62%), gần tương đương mức tăng của Nhật và gần gấp đôi mức tăng của Australia, Malaysia và Mỹ (tính theo giá trị).
Về cấu trúc của nền kinh tế, Việt Nam sẽ chứng kiến sự thu hẹp của các ngành kém lợi thế hoặc lợi thế đang suy giảm (như thịt lợn, gà, sữa, lâm nghiệp, sản phẩm gỗ, khai khoáng, công nghiệp).
Ngược lại, nền kinh tế sẽ có sự mở rộng cả về sản lượng lẫn lao động trong các ngành có lợi thế (đặc biệt là dệt may, da giày, dịch vụ công và xây dựng).
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, báo cáo nhận định hoạt động thương mại của Việt Nam với các nước TPP sẽ tăng lên. Trong khi đó, đối với các nước ngoài TPP, Việt Nam có xu hướng tăng cường nhập khẩu và giảm nhẹ xuất khẩu.
Xuất khẩu hàng dệt may và da giày của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng mạnh, trong khi tổng xuất khẩu giảm nhẹ.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR, khi cơ cấu dịch chuyển, kinh tế Việt Nam cần sự điều chỉnh nhanh chóng về lao động, cụ thể là dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị, lao động không có kỹ năng sang có kỹ năng. Nếu không làm được điều này, cũng có nghĩa là đánh mất cơ hội phát triển.
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng mạnh, tuy nhiên, cần tránh những hậu quả như đã xảy ra thời hậu WTO. Sau khi Việt Nam mới gia nhập WTO, đầu tư tăng rất mạnh. Một lượng tiền hề nhỏ dưới dạng "vốn nóng" được rót vào, lập tức gây ra các hiện tượng bong bóng tài sản, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, chứng khoán, hệ thống doanh nghiệp...
Ông Thành nói, nếu không hấp thu được vốn FDI bẳng chuyển giao công nghệ, sản xuất, FDI lập tức sẽ được chuyển vào nền kinh tế tài chính, tiền tệ. Giai đoạn hậu WTO, khi tiền vào quá nhiều, giá nhiều loại tài sản đã tăng vọt, chỉ có lợi cho một số người nắm tài sản, nhưng không có ý nghĩa gì với sản xuất.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, luồng vốn FDI được dự báo tăng mạnh thời hậu TPP là một điều tốt, thế nhưng cũng cần đặt câu hỏi, thực ra người lao động sẽ được hưởng lợi gì, trong khi giá lao động hiện tại mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu sống cơ bản.
Hậu TPP, cần tránh tình trạng FDI ảnh hưởng xấu đến môi trường, trong khi đời sống người lao động không có gì cải thiện. Quan điểm này cũng được chia sẻ bởi bà Nguyễn Hoàng Phượng, điều phối viên chính sách thuộc Trung tâm Con người và Thiên nhiên.
Theo bà Phượng, không nên chỉ nhìn vào những tác động ngắn hạn của TPP lên nền kinh tế, mà cần phải có cái nhìn dài hạn rằng TPP sẽ ảnh hưởng thế nào đến môi trường. Phần lớn vốn đầu tư FDI vào Việt Nam vẫn hướng vào những nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước như tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng. Vậy trong thời gian ngắn hạn, nếu vốn FDI lại tiếp tục vào ồ ạt, chúng ta sẽ có chính sách gì để bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên?
THU AN (Vneconomy)
Xem tin gốc tại đây