Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
FDI: Điểm sáng trên bức tranh kinh tế 2013
Người đăng tin: Ngày đăng tin: 28/01/2014 Lượt xem: 6


Cùng với việc sớm hoàn thành chỉ tiêu về lượng, vốn FDI năm nay cũng có những tiến bộ lớn về chất. Đâu là yếu tố dẫn đến thành công này? Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài về vấn đề này.

PV: Theo một báo cáo mơi đây của nhóm chuyên gia kinh tế thuộc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, trong 4 động cơ tăng trưởng, thì 3 động cơ "nội" (gồm khu vực kinh tế nhà nước, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và nông nghiệp) đang trục trặc; chỉ có một động cơ "ngoại" (khu vực FDI) đang chạy tốt. Quan điểm của ông về nhận định này?

TS. Phan Hữu Thắng: Cơ bản tôi đồng ý với báo cáo của nhóm nghiên cứu, bởi kết quả FDI năm nay đã nói lên điều đó. Có thể lạc quan nhận xét rằng, thu hút FDI năm nay rất khả quan. Vốn FDI đăng ký năm 2013 đạt khoảng 21,6 tỷ USD, tức là đã tăng tới 54,5% so với năm ngoái và vượt xa mục tiêu đề ra đầu năm (từ 13-14 tỷ USD). Trong đó: vốn đăng ký cấp mới là 14,2 tỷ USD với 1.275 dự án; vốn tăng thêm là 7,3 tỷ USD với 472 dự án.

Cùng với vốn đăng ký, tiêu chí đánh giá thực chất hơn là vốn giải ngân cũng rất khả quan. So với năm ngoái, vốn giải ngân đã tăng gần 10%, đạt 11,5 tỷ USD, cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Tiến độ giải ngân nhanh năm nay bằng lại mức cao nhất năm 2008, năm đạt đỉnh cao về FDI.

Nhìn tổng thể, FDI dường như đang dần hồi phục kể từ xu hướng suy giảm từ đầu năm 2009 (năm 2009 vốn đăng ký đạt 23,1 tỷ USD, vốn thực hiện đạt được 10 tỷ USD).

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế, các nguồn lực có dấu hiệu cạn kiệt, thì FDI đã thể hiện vai trò cột đỡ quan trọng giúp Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 5,42%. Năm 2013, chứng kiến sự suy giảm trong đầu tư từ khu vực nhà nước do Chính phủ thiếu nguồn lực ngân sách chi cho đầu tư (ngay từ đầu năm đã có dự báo khó đạt được mức 30% GDP trong 2013), một lượng vốn lớn của khu vực ngoài nhà nước thì đang "chôn" vào bất động sản, vàng và ngoại tệ, số doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động cũng rất lớn, lên tới 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm trước.

Một đóng góp nổi bật khác của FDI trong năm nay là đã đưa Việt Nam xuất siêu năm thứ 2 liên tiếp, đạt 863 triệu USD. Riêng khu vực FDI đã xuất siêu tới 13,95 tỷ USD (tính cả dầu thô). Chính nhờ FDI mà cán cân thương mại đã có thặng dư sau nhiều năm thâm hụt.

PV: Vốn FDI năm nay đạt mức cao, nhưng chất lượng nguồn vốn thì ra sao, thưa ông?

TS. Phan Hữu Thắng: Hội nghị Tổng kết 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài diễn ra đầu năm khẳng định, chúng ta cần phải thu hút nguồn vốn có chất lượng, hàm lượng công nghệ cao, có tính lan tỏa. Kết quả năm 2013 phần nào đang dần đáp ứng các tiêu chí đó. Vốn FDI năm nay nổi bật ở các dự án lớn, cụ thể: Dự án lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,8 tỷ USD; Dự án Samsung Electrisonic Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh tăng vốn từ 1,5 tỷ USD lên 2,5 tỷ USD vào tháng 6/2013; Dự án tổ hợp công nghệ cao Samsung Electrisonic Việt Nam (SEVT) đạt vốn đầu tư 2 tỷ USD tại Thái Nguyên; Dự án lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên) tăng vốn đầu tư từ 1,7 tỷ USD lên 3,18 tỷ USD, tương ứng với việc nâng công suất đăng ký ban đầu lên trên 4 triệu tấn, được trao giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư tháng 10/2013; Dự án Bus Industrial Center, vốn đầu tư 1 tỷ USD của nhà đầu tư Liên Bang Nga tại Bình Định; Dự án Samsung Electrisonic-Mechanics (SEM) vốn đầu tư 1 tỷ USD tại Thái Nguyên để sản xuất, cung ứng vi mạch và linh kiện điện tử cho điện thoại đi động của dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Electrisonic Việt Nam (SEVT); Dự án Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam tại Hải Phòng có vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD. Chỉ với 7 dự án cấp mới và tăng vốn có quy mô lớn nêu trên đã chiếm tới gần 11 tỷ USD trong tổng vốn FDI năm nay, tức chiếm khoảng gần 50%.

Điều đáng mừng là các dự án này đã tích cực triển khai nhanh theo đúng tiến độ đăng ký, như: dự án SEVT đã khởi công vào tháng 3/2013; dự án SEM đã triển khai ngay để đi vào sản xuất tháng 8/2014; dự án lọc dầu Vũng Rô đã ký hợp đồng thiết kế tổng thể dự án và trao Thư chọn thầu EPC cho Tập đoàn JGC (Nhật Bản)...

Khác với nhiều dự án có vốn "khủng – tỷ đô" đầu tư vào lĩnh vực bất động sản trước đây, như dự án Xây dựng khu Trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch tại Đồng Nai, mới đây Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai đã đề nghị UBND Tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư do đã quá thời hạn 12 tháng, nhưng không triển khai, không làm thủ tục gia hạn, thì những dự án lớn của năm nay là thật chứ không ảo.

PV: Thế còn về tiêu chí hàm lượng công nghệ, vốn FDI năm nay có gì nổi bật không?

TS. Phan Hữu Thắng: Cùng với mục tiêu thu hút vốn đầu tư, FDI được đánh giá là kênh quan trọng để thu hút công nghệ từ các nước tiên tiến vào Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ của toàn bộ nền kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Thiếu công nghệ cao, rõ ràng nền kinh tế Việt Nam không thể cạnh tranh và không thể rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước khác, cũng như không thể đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với thực trạng mới chỉ có 5%-6% số doanh nghiệp có vốn FDI sử dụng công nghệ cao, số còn lại chưa là loại tiên tiến, hiện đại, chỉ ở mức trung bình so với thế giới (đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị Tổng kết 25 năm FDI tại Việt Nam vào tháng 3/2013), thì thu hút FDI năm 2013 đã có bước tiến bộ đáng kể về công nghệ cao.

Chỉ với các dự án SEV, SEVT, SEM nêu trên của Tập đoàn Samsung, cùng với hàng chục các doanh nghiệp FDI phụ trợ khác do Samsung đưa vào, và với một số các dự án khác như của Nokia trong năm 2013 tại Bắc Ninh… đã cho thấy, doanh nghiệp FDI không đơn thuần thực hiện việc lắp ráp tại Việt Nam, mà bắt đầu tiến tới sản xuất linh, phụ kiện như vi mạch và linh kiện điện tử cho sản phẩm hoàn chỉnh xuất khẩu từ Việt Nam. Điều này đã chứng minh sự tiến bộ của FDI năm 2013 về trình độ công nghệ so với các năm trước đây. Các dự án khác được điều chỉnh tăng vốn, có quy mô lớn như lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Rô (Phú Yên)… đều đưa các công nghệ chuyên ngành vào thực hiện.

PV: Vậy là FDI năm 2013 toàn điểm sáng thưa ông?

TS. Phan Hữu Thắng: Không hẳn vậy, bên cạnh những điểm sáng thì cũng xuất hiện những mảng tối, như: doanh nghiệp vắng chủ, bỏ trốn, bị thu hồi giấy phép, chuyển giá… đã làm ảnh hưởng không nhỏ về hình ảnh FDI.

Chẳng hạn như ở Bình Định, năm 2013 đã chấm dứt đầu tư đối với Dự án Hòn ngọc Việt Nam của nhà đầu tư ALT (Nga), với vốn đầu tư 125 triệu USD. Dự án này được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2010, nhưng đến lúc thu hồi giấy phép vẫn chưa được triển khai xây dựng. Mới đây, ngày 5/12, tỉnh Đồng Nai đã tiến hành rà soát và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư 22 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký gần 87,3 triệu USD. Hà Nội cũng cho biết có 17 doanh nghiệp đã bỏ địa điểm kinh doanh và 20 doanh nghiệp FDI không báo cáo, không có tại trụ sở qua công tác kiểm tra năm 2013.

Hành vi chuyển giá cũng đã được phát hiện nhiều trong năm qua. Trong 3 quý đầu năm 2013, ngành thuế đã có nhiều đợt thanh kiểm tra kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm, từ năm 2007 đến 2012. Kết quả có 122 doanh nghiệp tại 23 tỉnh, thành bị ngành thuế thanh tra đặc biệt do nghi án chuyển giá với tổng số tiền bị buộc truy thu hơn 200 tỷ đồng.

Tất cả những dẫn chứng trên là một thực tế buồn, đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp mạnh mẽ từ nâng cao chất lượng cấp phép đến quản lý sau cấp phép.

PV: Vốn FDI đạt kết quả cao cho thấy nhà đầu tư vẫn giữ niềm tin nhất quán khi chọn Việt Nam, là điểm đến đầu tư. Theo ông, niềm tin đó xuất phát từ đâu?

TS. Phan Hữu Thắng: Cần khẳng định, thị trường Việt Nam đang còn rất nhiều tiềm năng. Có đầu tư hay không đầu tư phụ thuộc sản phẩm đầu tư có thị trường hay không? Thị trường đó có đảm báo hiệu quả đầu tư hay không? Xét về hai đòi hỏi trên, Việt Nam và thị trường Việt Nam đã có các điều kiện để đáp ứng được.

Như trên đã nêu, FDI năm 2013 có tỷ trọng các dự án có quy mô lớn với sản phẩm đầu tư có hàm lượng công nghệ cao. Tuy hiện nay, các sản phẩm công nghệ cao sản xuất tại Việt Nam của câc doanh nghiệp FDI chủ yếu để xuất khẩu, nhưng số lượng tiêu thụ tại nội địa ngày càng tăng. Trong các dự án SEV, SETV, SEM, LG Electronic… trong năm 2013, nhà đầu tư đều đã nhìn thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam.

Hay như thị trường mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ các loại ở Việt Nam cũng đang đầy tiềm năng. Trong 2013, có tới khoảng 30% số vốn FDI đã đăng ký đầu tư vào các mặt hàng, dịch vụ này. Dự án Bus Industrial Center 1 tỷ USD tại Bình Định được cấp phép trong năm 2013 cũng nhằm vào thị trường du lịch giữa Liên bang Nga với các tỉnh Nam Trung Bộ, khi nhà đầu tư nhận thấy lượng khách du lịch đến từ Liên bang Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ ngày càng tăng.

Bên cạnh vấn đề thị trường, thì môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam đang ngày càng được hoàn thiện. Nghị quyết 103/NQ-CP, ngày 29/08/2013 về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới đã cho thấy công tác quản lý nhà nước đã đi vào chiều sâu, chỉ rõ ra được các khó khăn trở ngại, mà FDI đang phải đối mặt và tìm ra đươc các giải pháp thiết thực để khắc phục. Việc thực hiện tốt, nghiêm túc Nghị quyết 103 chắc chắn sẽ thúc đẩy tăng trưởng thu hút FDI trong giai đoạn tới hiệu quả hơn, tiếp tục góp phần vào thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Một yếu tố nữa không thể không nhắc tới là sự ổn định chính trị - xã hội, đây là lợi thế lớn đối với Việt Nam, được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao khi quyết định đầu tư.

PV: Ông đánh giá thế nào về triển vọng FDI cho năm 2014?

TS. Phan Hữu Thắng: FDI năm 2013 đã đạt được các kết quả khả quan, cho thấy cơ hội đã xuất hiện trở lại, mở ra một giai đoạn tăng trưởng mới của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhưng cơ hội này có trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như:

- Các mặt chưa được và là rào cản đối với FDI hiện nay cần phải sớm được khắc phục, đặc biệt là việc cần sớm hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư đã được nêu tại Nghị quyết 103/NQ-CP.

- FDI còn phụ thuộc vào triển vọng kinh tế 2014 ở cả trong nước và thế giới, khi dự báo năm 2014, nền kinh tế vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ, thì những khó khăn đặt ra trong năm 2013 vẫn sẽ tiếp tục kéo dài sang năm tới.

Tuy nhiên, từ thực tế thu hút FDI năm 2013 cho thấy, dù kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu có sự quyết tâm trong điều hành, quản lý FDI, mà các giải pháp cần áp dụng đã được nêu rõ tại Nghị quyết 103/NQ-CP được thực hiện nghiêm túc, đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thì chắc chắn FDI năm 2014 sẽ nắm bắt được cơ hội mới, tiếp tục đà tăng trưởng, bổ sung một nguồn lực quan trọng cho đầu tư và phát triển kinh tế Việt Nam./.

PV: Xin chân thành cám ơn TS. Phan Hữu Thắng!

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 1/2014)

Xem tin gốc tại đây


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

Địa chỉ

Tầng 18, Trung tâm Hành chính,

24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Quản lý nội dung HTML

Liên hệ

84-236-3886243/ 3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng

Giấy phép: Số 124/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 20/02/2017

Trưởng Ban Biên tập: Bà Huỳnh Liên Phương - Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng