Sự thiếu vắng các dự án quy mô lớn khiến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2015 giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điều đó không đủ để phản ánh xu thế đầu tư hiện tại.
Dự án may mặc Worldon Việt Nam (của Tập đoàn Gain Lucky - BritishVirginIslands) tại TP.HCM vẫn được nhắc đến như là dự án FDI lớn nhất vào Việt Nam trong hai tháng đầu năm nay, với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD.
Tuy nhiên, trên thực tế, nếu tính một cách chính xác, thì khoản vốn mà Gain Lucky đổ vào Việt Nam trong năm nay chỉ là 160 triệu USD. 140 triệu USD còn lại của Dự án đã được nhà đầu tư này đăng ký đầu tư từ năm trước.
Cùng nằm trong số các dự án FDI quy mô lớn được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) "điểm mặt" còn có hai dự án tăng vốn khác ở Hải Phòng. Một của Regina Miracle International (Hồng Kông), tăng vốn thêm 90 triệu USD, và một của Chuo Việt Nam (Nhật Bản), tăng vốn thêm 50 triệu USD.
Như vậy thì thực tế cả ba dự án này, vốn đầu tư đều không phải là quá lớn. Còn nếu tính chung từ đầu năm tới ngày 20/2/2015, với 148 dự án mới được cấp chứng nhận đầu tư, với tổng vốn FDI đăng ký mới là 712,29 triệu USD, thì bình quân một dự án FDI đăng ký đầu tư mới trong hai tháng qua chỉ có quy mô 4,8 triệu USD - một con số tương đối nhỏ.
Đầu năm nay, khi đánh giá lại tình hình thu hút FDI năm 2014, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thừa nhận, một trong những điểm chưa được là số các dự án quy mô lớn giảm, đa phần các dự án được cấp chứng nhận đầu tư mới là dự án quy mô nhỏ.
Năm ngoái, có 4 dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư. Trong đó, ngoài 3 dự án ở TP.HCM, Thái Nguyên, Bắc Ninh của Samsung, với vốn đầu tư tương ứng là 1,4 tỷ USD, 3 tỷ USD và 1 tỷ USD, còn có dự án 1,25 tỷ USD của Dewan International ở Khánh Hòa. Dự án tỷ USD của Dewan trong lĩnh vực bất động sản thuộc diện khá kín tiếng, chỉ được nhắc tới vào những ngày cuối năm 2014.
Mặc dù vậy, theo Cục Đầu tư nước ngoài, hiện còn 10 dự án BOT ngành điện đang được đàm phán, với vốn mỗi dự án khoảng 2 - 2,5 tỷ USD, ngoài ra còn có dự án dầu khí đặc biệt lớn tại Bình Định, vốn đầu tư khoảng 22 tỷ USD, đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.
"Việc thu hút các dự án lớn vào đầu tư tại Việt Nam thường có thời gian chuẩn bị nhiều năm. Do vậy, việc chưa có các dự án lớn chưa phản ánh được xu thế đầu tư hiện tại", ông Hoàng nhận định.
Không chỉ là "chưa phản ánh được xu thế đầu tư hiện tại" đối với việc đầu tư các dự án FDI quy mô lớn, mà chuyện FDI vào Việt Nam vẫn đang giảm so với cùng kỳ cũng chưa đủ để phản ánh "xu thế đầu tư hiện tại".
Chỉ cần một trong số các dự án quy mô lớn đang đàm phán nói trên được cấp chứng nhận đầu tư, sẽ có sự cải thiện đáng kể vốn FDI vào Việt Nam. Thậm chí, chỉ cần dự án Lọc hóa dầu Bình Định được cấp phép thì đã có thể tạo nên một sự xoay chuyển tình thế.
Thông tin những ngày gần đây cho biết, Bình Định vẫn đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm cấp phép cho dự án FDI có quy mô lớn nhất cả nước này.
Trong khi đó, các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... đều đã khẳng định tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Kết quả khảo sát được JETRO công bố ngay trước Tết Nguyên đán Ất Mùi cho thấy, trong năm 2014, khoảng 62,3% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam báo lãi, cao hơn con số 59,9% của năm 2013. Cũng có tới hơn 66% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh.
"Tỷ lệ này cao so với các quốc gia khác, cho thấy Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp Nhật Bản", ông Yasuzumi Hirotaka - Giám đốc điều hành Văn phòng đại diện JETRO tại TP.HCM cho biết.
Trong khi đó, có 49% trong tổng số 540 doanh nghiệp Hàn Quốc đã tham gia khảo sát về môi trường đầu tư tại 32 quốc gia có tốc độ tăng trường hàng năm hơn 3% trong 3 năm qua đều khẳng định có kế hoạch phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong năm 2015, theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA). Điều mà các doanh nghiệp Hàn Quốc trông chờ là những cơ hội đang mở ra từ thỏa thuận tự do hóa thương mại mà Việt Nam tham gia, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc.
Còn Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Theodore Osius cũng đã bày tỏ sự tin tưởng rằng, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo cơ hội rất lớn để các nhà đầu tư Hoa Kỳ gia tăng hợp tác thương mại và đầu tư tại Việt Nam.
"Chúng tôi có cơ sở để tin tưởng Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư số một ở Việt Nam", ông Theodore Osius nói với báo chí Việt Nam.
Năm ngoái, để đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam sẽ ký kết trong năm 2015, trong đó có TPP, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm xây dựng các căn cứ sản xuất mới. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong năm nay và đó là lý do để kỳ vọng một tương lai xán lạn cho thu hút FDI vào Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để có được sự đột phá, vẫn cần phải trông chờ vào các dự án FDI quy mô lớn.
Nguyên Đức (Baodautu.vn)
Xem tin gốc tại đây