Số vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam năm 2014 giảm 65% xuống còn 2,05 tỷ USD - Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa công bố.
Việt Nam cam kết sử dụng đúng mục đích ODA của Nhật
Trong khi đó năm 2013, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật đạt cao nhất trong 5 năm, 5,87 tỷ USD.
Theo tổ chức này, số vốn được cấp phép cho các dự án đăng ký mới không giảm nhiều, từ 1,4 tỷ xuống 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, vốn bổ sung cho các dự án đã có giảm 81%. Số lượng dự án giảm từ 352 xuống 298.
Lý giải về việc số vốn đầu tư vào Việt Nam giảm, đại diện Jetro cho biết trong năm 2014, tình hình kinh tế Nhật khó khăn cộng thêm đồng yen mất giá, khiến các công ty, tập đoàn lớn của Nhật hạn chế đầu tư ra nước ngoài.
Do đó, trong năm vừa rồi và có thể cả 2015, phần lớn các dự án đầu tư sang Việt Nam là dự án có số vốn nhỏ. 85% số dự án đầu tư của Nhật trong năm qua có quy mô dưới 5 triệu USD. Dự án quy mô dưới một triệu USD chiếm 61%.
Trước đó, chính Jetro từng tiết lộ đó là có tới 30% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài đang cân nhắc Việt Nam như một lựa chọn hàng đầu.
Báo cáo hồi tháng 2/2014 của tổ chức này cho hay Việt Nam đã trở thành quốc gia ưu tiên nhất của Nhật, vượt qua "đối thủ lớn nhất trong cạnh tranh thu hút vốn đầu tư" là Indonesia, Thái Lan và Philippines. 70% doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam cũng có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong năm nay.
Trong chuyến làm việc tại Hà Nam, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Tokyo (TCCI), ông Koyama Kduji cho biết 8 doanh nghiệp trong đoàn đều mong muốn hợp tác đầu tư với đối tác Việt Nam và coi đây là điểm đến quan trọng nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Trên thực tế trong lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà tài trợ ODA lớn nhất, là nhà đầu tư và đối tác thương mại song phương hàng đầu của Việt Nam.
Cả đại diện Việt Nam cũng như Jettro đều kỳ vọng vào việc mở rộng đầu tư của nước này trong năm 2014 cũng như các năm tiếp theo.
Tuy nhiên con số thực tế lại giảm và nhiều ý kiến cũng nhìn nhận môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn còn nhiều điểm cản trở như các chính sách thiếu tình đồng bộ, thủ tục hành chính còn nhiều quan liêu, chi phí thuế cao...
"Chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn khi tuân thủ các quy định pháp lý của Việt Nam, do các thủ tục khá khó hiểu và phức tạp", đại diện một doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đánh giá.
Phương Nguyên (Baodatviet)
Xem tin gốc tại đây