Các TNCs không chỉ có khả năng giúp hiện đại hoá một ngành kinh tế mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho nước được đầu tư.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các công ty xuyên quốc gia (TNCs), trong những năm qua, sự xuất hiện của các TNCs tại Việt Nam đã ngày càng có tác động tích cực với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sự hiện diện của các TNCs đồng nghĩa với việc cung cấp một nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Nguồn vốn FDI luôn chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng vốn đầu tư của nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, các TNCs đã đóng góp phần tích cực trong việc thực hiện sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Thực tế hầu hết các hoạt động đầu tư nước ngoài đều thực hiện qua kênh TNCs. Với lợi thế của mình về nhiều vốn kỹ thuật hiện đại quản lý tiên tiến và mạng lưới thị trường rộng lớn các TNCs luôn tích cực đầu tư ra nước ngoài nhằm tối đa hoá lợi nhuận trên phạm vi toàn cầu.
Ở Việt Nam vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu do TNCs thực hiện là một nguồn vốn quan trọng để tiến hành công nghiệp hoá đất nước. Với các nước đang phát triển việc thu hút FDI là rất quan trọng, muốn vậy cần phải có những chính sách xây dựng thu hút FDI vì TNCs tác động thúc đẩy tích cực dòng FDI vào các nước đang phát triển phụ thuộc quan trọng vào chính sách và môi trường của nước đó.
Ngoài ra, các TNC đã tác động rất lớn đến phát triển nguồn lực lao động theo hai cách trực tiếp và gián tiếp. Thông qua các dự án đầu tư, các TNCs đào tạo lực lượng lao động địa phương để phục vụ cho nhu cầu hoạt động của dự án. Ngoài ra còn tạo ra các cơ hội động lực cho sự phát triển của lực lượng lao động theo đuổi mục tiêu thu nhập cao. Ở các nước đang phát triển các tác động này có vai trò rất lớn đối với phát triển nguồn lực lao động đặc biệt là đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và quản lý. Đây là tiền đề quan trọng để nâng cao năng suât lao động ở các nước này. Các TNC vừa và nhỏ cũng có vai trò quan trọng đối với đào tạo việc làm.
Các TNC có ưu thế vượt trội về tài chính, công nghệ, đặc biệt là khả năng thực hiện nghiên cứu và triển khai (R&D), phạm vi hoạt động trong nhiều lĩnh vực và khả năng quản lý và kinh doanh toàn cầu. Khi các TNC đầu tư vào một quốc gia nào thì thường kéo theo các công ty con, những nhà sản xuất linh kiện phụ trợ cho chính hãng.
Chính vì vậy, các TNC không chỉ có khả năng giúp hiện đại hoá một ngành kinh tế mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho nước được đầu tư, đồng thời cũng có nhiều đóng góp cho xã hội. Đồng thời các công ty xuyên quốc gia cũng có tác động tích cực đến hoạt động thương mại đầu tư chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực./.
Xuân Thân/VOV.VN
Xem tin gốc tại đây