Từ 1/1/2015, bộ cơ sở dữ liệu về đầu tư nước ngoài sẽ bắt đầu được tạo lập tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây sẽ là công cụ hỗ trợ quan trọng cho cả cơ quan quản lý nhà nước và các nhà đầu tư trong hoạch định kế hoạch.
Khó xử vì thiếu thông tin
Trong mục thông báo của Cổng thông tin điện tử đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dày đặc công văn đề nghị cung cấp thông tin. Đơn vị gửi đi là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đơn vị nhận công văn chủ yếu là UBND các địa phương, các tập đoàn kinh tế lớn có hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Tuy nhiên, kết quả gửi về dường như không được như mong muốn. Thử lấy kết quả báo cáo về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài quý III, 9 tháng và ước cả năm 2014 để phân tích. Đến hết tháng 11/2014, Cục Đầu tư nước ngoài nhận đủ đầu báo cáo từ 63 tỉnh, thành phố, nhưng chất lượng rất khác nhau.
Khoan chưa đề cập 4 tỉnh nộp báo cáo trễ hơn 20 ngày, thì có tới 14 tỉnh gửi báo cáo sai biểu mẫu quy định. Lý do rất đơn giản vì lẫn biểu mẫu của các quý báo cáo trước. Đặc biệt, các địa phương có tỷ lệ vốn FDI như Hà Nội, TP.HCM lại thiếu thông tin về tình hình thực hiện dự án.
Điều đáng nói là mặc dù những sai sót có vẻ nhỏ và mang tính kỹ thuật, song hệ quả của những sai lệch, chậm trễ trong cập nhật thông tin về đầu tư nước ngoài không hề nhỏ. Bức tranh về đầu tư nước ngoài của cả nước dường như luôn ở tình trạng ước tính.
Thậm chí, việc bỏ lọt dự án quy mô tỷ USD đã từng xảy ra. Điển hình là việc Cục Đầu tư nước ngoài phải công bố hai lần số liệu về vốn FDI đăng ký tại Việt Nam năm 2008 với sai số lên tới hơn 7 tỷ USD.
Rõ ràng, với chất lượng thông tin đầu vào như trên, thực trạng về hoạt động FDI đang thiếu cơ sở để đảm bảo tính chuẩn xác. Như vậy, việc xây dựng, hoạch định và đặc biệt là điều chỉnh chính sách để đảm bảo đúng yêu cầu của quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài sẽ chứa đựng rất nhiều rủi ro.
Về phía các nhà đầu tư, nguồn dữ liệu quan trọng để đánh giá dung lượng thị trường, chất lượng của các nhà đầu tư hiện hữu dường như quá khó kiếm.
Hoàn tất mảnh ghép cuối
Một cách tổng thể, Hệ thống Thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài sẽ là mảnh ghép cuối để tạo nên những bước cải cách tổng thể về hệ thống pháp lý liên quan đến đầu tư nước ngoài.
Có thể nói vậy là bởi, những cải cách về thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch đang được coi là con át chủ bài trong nỗ lực thực hiện nâng chất lượng dòng vốn FDI tại Việt Nam. Với việc chuẩn hóa và tin học hóa các nghiệp vụ quản lý hoạt động FDI, thiết lập kho dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp, dự án FDI, các loại công văn đốc thúc báo cáo như trên sẽ không cần nữa. Cả cơ quan quản lý và nhà đầu tư đều có thể thực hiện việc kê khai thông tin hoặc khai thác thông tin một cách thuận tiện.
Cụ thể, đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp FDI, bằng việc sử dụng Hệ thống, với một số thao tác đơn giản, nhà đầu tư nước ngoài có thể kê khai online toàn bộ thông tin về dự án đầu tư của mình trước khi nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư. Việc này sẽ hỗ trợ rất tích cực cho các cơ quan quản lý trong việc xem xét hồ sơ một cách nhanh tróng và hiệu quả.
Ngoài ra, một tính năng nổi bật của Hệ thống là tính năng báo cáo doanh nghiệp. Với tính năng này, doanh nghiệp FDI sẽ sử dụng Hệ thống để thực hiện công tác báo cáo trực tuyến cho các cơ quan quản lý.
Đối với các cơ quan quản lý FDI cấp địa phương, Hệ thống cho phép cập nhật dữ liệu về đăng ký, cấp/điều chỉnh/thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép/văn bản pháp lý có giá trị tương đương thuận tiện; cho phép nhận, quản lý các loại báo cáo và cập nhật dữ liệu từ các loại báo cáo vào cơ sở dữ liệu và tra cứu mọi thông tin có trong cơ sở dữ liệu đối với dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý của mình. Đồng thời, cho phép cơ quan quản lý FDI tổng hợp, phân tích và lập các loại báo cáo theo yêu cầu, cả các loại báo cáo theo mẫu chung hoặc riêng về dự án thuộc phạm vi quản lý.
Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan quản lý cấp trung ương. Hệ thống sẽ cung cấp một kho cơ sở dữ liệu về tất cả các dự án FDI trên cả nước, thông qua kho cơ sở dữ liệu này, công tác quản lý điều hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ được thực hiện nhanh chóng, tiện lợi, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với công tác báo cáo thống kê, dự báo phục vụ hiệu quả công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, cũng như xây dựng chính sách về đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, người dùng có thể tra cứu thông tin có trong cơ sở dữ liệu được phép công khai hóa theo quy định, thông qua Cổng thông tin điện tử đầu tư nước ngoài; đảm bảo các dữ liệu này được để ở dạng chuẩn cho phép trao đổi dữ liệu như webservice, xml,… với các hệ thống ứng dụng khác.
Vẫn còn những khó khăn
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Đầu tư, những người sẽ phải thực hiện cập nhật hệ thống này trong thời gian tới vẫn có không ít lo ngại. Trong đó, lớn nhất vẫn là sự không tương thích của các hệ thống và việc cập nhật số liệu hiện có vào hệ thống mới.
Trong nghiên cứu đánh giá tác động của Cục Đầu tư nước ngoài về việc triển khai Hệ thống, những vấn đề này đã được nhắc tới. Đầu tiên phải kể đến khó khăn trong việc những bỡ ngỡ của người sử dụng, cần phải có thời gian làm quen. Nhất là khi đối tượng sử dụng hệ thống rất rộng gồm tất cả các cơ quan quản lý về đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp.
Do vậy, có thể thời gian đầu vận hành hệ thống các đối tượng sử dụng sẽ gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải có sự hỗ trợ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đặc biệt, các chuyên gia của Cục thừa nhận, việc rà soát, cập nhật lại cơ sở dữ liệu cũ vào hệ thống cũng là một vấn đề khó khăn. Kho dữ liệu cũ hiện có khoảng hơn 20.000 dự án FDI (kể cả dự án đã hết hạn, giải thể). Thông tin về các này được cập nhật từ lâu và thiếu nhiều thông tin so với cấu trúc cơ sở dữ liệu hiện tại của Hệ thống.
"Vì vậy, việc cập nhật kho dữ liệu này lên Hệ thống mới sẽ cần thời gian và sẽ được làm dần dần trong thời gian tới", ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài trao đổi.
Ông Quang cho biết, công tác triển khai đào tạo, tập huấn vận hành hệ thống trực tiếp cho tất cả các địa phương cả nước đang được rốt ráo. "Chúng tôi đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng hệ thống bằng sách hướng dẫn và bằng video để upload lên website của hệ thống. Các đối tượng liên quan có thể tải các tài liệu này về để tự nghiên cứu trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tạo đường dây nóng để hỗ trợ, giải đáp các thắc mắc cho địa phương trong quá trình triển khai", ông Quang cho biết.
Riêng về vấn đề rà soát lại cơ sở dữ liệu lịch sử, đây là một việc lớn cần nhiều thời gian và công sức. Việc này sẽ được làm song song với vận hành hệ thống mới. Ông Quang cho biết, sẽ phối hợp với các địa phương để rà soát lại các dữ liệu này, đồng thời xây dựng các công cụ phần mềm để chuyển đổi dữ liệu cũ vào hệ thống.
Linh An - Báo đầu tư
Xem tin gốc tại đây