Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ: Về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới
Ngày 29/8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới
Thời gian qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN) đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Tính đến tháng 6 năm 2013, đã có 15.067 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký khoảng 218,8 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 106,3 tỷ USD. ĐTNN đã trở thành nguồn bổ sung quan trọng cho tổng vốn đầu tư xã hội (chiếm khoảng 23,3% tổng vốn đầu tư xã hội năm 2012), góp phần tăng năng lực sản xuất của một số ngành, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, gia tăng kim ngạch xuất khẩu (chiếm khoảng 64% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012) và thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, đóng góp ngân sách (khoảng 3,7 tỷ USD năm 2012), phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo việc làm (trên 2 triệu lao động trực tiếp, từ 3-4 triệu lao động gián tiếp)... Đồng thời, ĐTNN cũng có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế; khơi dậy nguồn lực đầu tư trong nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đổi mới thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Thông qua hợp tác đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã tăng cường mối quan hệ chính trị, đối ngoại, phát triển quan hệ hữu nghị với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác trên thế giới.
Tuy nhiên, thu hút ĐTNN thời gian qua chưa đạt được một số mục tiêu kỳ vọng về thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng và chuyển giao công nghệ. Chất lượng của dự án ĐTNN nhìn chung chưa cao, giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ, sự tham gia đầu tư theo chuỗi sản xuất của các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế; một số doanh nghiệp ĐTNN sử dụng công nghệ lạc hậu; gây ô nhiễm môi trường; một số doanh nghiệp ĐTNN có biểu hiện sử dụng phương thức chuyển giá để trốn thuế, gây thất thu ngân sách; không đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động...
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế nêu trên là do hệ thống luật pháp chính sách còn nhiều quy định chưa đồng bộ, chồng chéo, thiếu nhất quán; Việt Nam chưa chủ động và chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đảm bảo cho ĐTNN vận hành một cách có hiệu quả như kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, hệ thống doanh nghiệp trong nước, quy hoạch, rào cản kỹ thuật hợp lý...
Việc thẩm tra, cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) trong một số trường hợp còn thiếu chặt chẽ, chưa tuân thủ đầy đủ quy hoạch và khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội... Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai dự án ĐTNN thiếu thường xuyên, chưa thực sự hiệu quả. Phương thức xúc tiến đầu tư (XTĐT) chậm được đổi mới, hoạt động XTĐT từ trung ương tới địa phương chưa có sự điều phối thống nhất, chặt chẽ, kém hiệu quả. Hình thức XTĐT tại chỗ thông qua việc hỗ trợ cho các dự án đã được cấp GCNĐT triển khai một cách thuận lợi chưa được chú trọng đúng mức. Môi trường đầu tư của Việt Nam đã bộc lộ một số hạn chế, làm cho tính cạnh tranh môi trường đầu tư Việt Nam giảm so với nhiều nước trong khu vực.
Trước tình trạng trên, để phù hợp với tình hình mới, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt các quan điểm, định hướng và tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các giải pháp theo tinh thần của Nghị quyết 103/NQ-CP.
Cục Đầu tư Nước ngoài