Cơ sở hạ tầng, hiệu quả thị trường lao động và quy mô thị trường của Việt Nam được cải thiện đáng kể.
Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố Báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014 – 2015. Theo xếp hạng của WEF, Thụy Sỹ tiếp tục đứng đầu danh sách, tiếp đến là Singapore và Mỹ.
Trong top 20 quốc gia có 5 đại diện từ châu Á, trong đó, Singapore thứ 2, Nhật Bản thứ 6, Hong Kong thứ 7, Đài Loan thứ 14, Malaysia thứ 20 trong số 144 nền kinh tế được khảo sát.
Việt Nam xếp ở thứ 68, nâng 2 bậc so với năm 2013 – 2014.
Trong khu vực, Philippines xếp thứ 52 (tăng 7 bậc), Trung Quốc thứ 28 (tăng 1 bậc), Thái Lan thứ 31 (tăng 6 bậc).
Nguồn: WEF
Theo nhận định của WEF, sau khi ghi nhận tỷ lệ lạm phát ở mức 2 con số vào năm 2011, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện (xếp thứ 75, tăng 12 bậc) khi lạm phát giảm còn 6,6%.
Các doanh nghiệp trong khu vực công cũng được đánh giá tốt hơn cả về vấn đề bảo vệ bản quyền (thứ 104, tăng 9 bậc), hiệu quả hoạt động cải thiện (thứ 91, tăng 13 bậc).
Chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng cũng có sự cải thiện nhẹ (thứ 81). Hiệu quả của thị trường hàng hóa của Việt Nam được xếp thứ 78, đáng chú ý là hiệu quả thị trường lao động được xếp ở thứ 49 và quy mô thị trường thứ 34, hai điểm sáng nhất trong số 12 tiêu chí được WEF đánh giá.
Mức độ phát triển thị trường tài chính của Việt Nam xếp thứ 90. Theo WEF, lĩnh vực tài chính, ngân hàng của Việt Nam vẫn dễ tổn thương. Trongkhi đó, mức độ sẵn sàng về công nghệ tương đối thấp (thứ 99), các doanh nghiệp trong nước vẫn chậm áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mức độ tinh vi của hoạt động kinh doanh cũng tương đối thấp (thứ 106, hạ 8 bậc), các doanh nghiệp chủ yếu nằm ở cuối chuỗi giá trị.
Nguồn: DVO