Cơ quan quản lý phải cân nhắc từng dự án căn cứ trên quy mô, tác động lan tỏa, không nên cầm đèn chạy trước ô tô để ưu đãi tràn lan", GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài khuyến cáo.
Dù ưu đãi thuế đã nhiều lần được chỉ ra là không có nhiều ý nghĩa trong việc thu hút đầu tư của DN FDI, song mới đây Bộ Tài chính đã dự kiến trình Chính phủ một số giải pháp về thuế. Trong đó nêu lý do để góp phần thu hút đầu tư trong bối cảnh kinh tế hiện nay, đặc biệt là luồng vốn đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đang chuyển dịch vào Việt Nam, đề nghị cho phép bổ sung dự án có quy mô đầu tư tối thiểu là 6.000 tỷ đồng và công nghệ cao được kéo dài hưởng thuế suất thuế thu nhập DN 10% tối đa 30 năm, thay vì chỉ 15 năm như quy định hiện hành. Nhiều ý kiến lo ngại chính sách này sẽ "cầm đèn chạy trước ô tô".
GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài phân tích, nhìn nhận dưới góc độ cân bằng lợi ích đất nước với lợi ích NĐT nước ngoài thì liệu có nhất thiết phải đưa thêm ưu đãi hay không, điều này phải tính toán. Bởi ưu đãi cho các DN FDI, đặc biệt là DN công nghệ cao hiện đang ở mức cao, trong khi khối DN trong nước yếu thế hơn và chính khối này mới cần được trợ lực. Đồng quan điểm, chuyên gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), ông Brian Portelli cũng lưu ý rằng: "Ta cho họ miễn giảm thuế thì thất thu ngân sách và phải cắt giảm chi tiêu dành cho các lĩnh vực khác hoặc cho hỗ trợ chính các DN trong nước".
Bằng chứng thực tế khác về việc có cần thiết hay không ưu đãi thuế, chính là các NĐT lớn trong lĩnh vực công nghệ cao đang hoạt động tốt và chưa từng "vòi vĩnh". Thay vào đó, động thái mở rộng sản xuất của các NĐT này trong thời gian gần đây cho thấy sự tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam. "Việc mở rộng sản xuất là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy NĐT không có điều gì than phiền về chính sách ưu đãi của ta. Vậy thì dại gì ta đưa ra ưu đãi cao hơn. Tôi không hiểu Bộ Tài chính căn cứ vào đâu để đưa ra ưu đãi như vậy", GS. Nguyễn Mại băn khoăn.
Ông cũng đưa ra lời khuyên, để cải thiện môi trường kinh doanh, điều quan trọng là phải đọc được chiến lược đầu tư của DN. Bởi tất cả DN lớn trên thế giới đều có chiến lược toàn cầu về đầu tư và thương mại và họ thay đổi khi có biến động như Samsung đã xác định chiến lược là chọn Việt Nam trở thành cứ điểm để sản xuất các sản phẩm điện tử chủ lực của hãng căn cứ trên việc đánh giá lại chất lượng nguồn nhân lực của nước ta. Theo đó khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại, tham gia nghiên cứu phát triển (R&D) của lao động Việt Nam trong các trung tâm R&D của Samsung là rất tốt...
Qua trao đổi với các NĐT, ông Mại cũng cho biết tất cả các dự án công nghệ cao đòi hỏi phía Việt Nam phải đáp ứng 3 yêu cầu. Thứ nhất là luật pháp minh bạch, công khai, ổn định. Thứ hai là vấn đề sở hữu trí tuệ phải được đảm bảo. Thứ ba là quy trình thực hiện các thủ tục hành chính như thuế, hải quan… phải chính xác, gọn nhẹ, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. "Các yêu cầu hỗ trợ tài chính cũng có nhưng chỉ là cá biệt. Và cơ quan quản lý phải cân nhắc từng dự án căn cứ trên quy mô, tác động lan tỏa, không nên cầm đèn chạy trước ô tô để ưu đãi tràn lan", ông Mại khuyến cáo.
Ngọc Khanh - Thời báo Ngân hàng
Xem tin gốc tại đây