Khảo sát của Vietnam Report với lãnh đạo các doanh nghiệp lớn về xu thế và triển vọng tăng trưởng trong 5 năm tới cho thấy, các doanh nghiệp này đang thay đổi chiến lược hoạt động.
Lạc quan trong dài hạn
Thông tin từ Vietnam Report cho biết, kết quả khảo sát đối với các doanh nghiệp lớn cho thấy tâm lý lạc quan của giới kinh doanh trong dài hạn.
Tỷ lệ doanh nghiệp lạc quan về triển vọng doanh thu năm 2014 vẫn duy trì mức trên 95%. Trong đó, gần 84% số doanh nghiệp được hỏi cho biết, doanh thu năm 2014 của họ nhiều khả năng cao hơn so với năm 2013.
11,5% giữ quan điểm doanh thu không thay đổi so với năm 2013 và chỉ có chưa đến 5% cho rằng, doanh thu năm 2014 sẽ thấp hơn so với năm 2013.
Số doanh nghiệp bi quan về triển vọng doanh thu năm 2014 có cao hơn so với cuộc điều tra trước đó của Vietnam Report thực hiện vào đầu năm 2014, song tăng không đáng kể (tăng 0,5%). Điều này cho thấy, đa phần doanh nghiệp vẫn giữ vững tâm lý tự tin của mình và đặt kỳ vọng vào sự phục hồi kinh doanh đáng kể trong năm nay.
Đặc biệt, với câu hỏi, liệu xu thế toàn cầu nào có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong 5 năm tới đây, các doanh nghiệp đã chỉ ra 3 xu thế nổi trội, gồm: cải tiến công nghệ (75,4%), sự chuyển đổi quyền lực kinh tế toàn cầu (32,8%) và sự khan hiếm nguồn tài nguyên và biến đổi khí hậu (31,1%).
Đã đến lúc cần thay đổi
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phùng Hoàng Cơ, Phó chủ tịch HĐQT Vietnam Report cho biết, cuộc khảo sát nhằm phục vụ Hội nghị thường niên Vietnam CEO Summit năm 2014, sẽ diễn ra vào ngày 5/8/2014 tại TP.HCM.
"Chủ đề Tái định hình các ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp lớn Việt Nam trong giai đoạn chuyển tiếp 2014 - 2016 được lựa chọn cũng từ nhu cầu cần thay đổi mà chúng tôi thu được qua các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, kể cả khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, họ cần phải thay đổi, song lại đau đầu với câu hỏi bắt đầu từ đâu", ông Cơ nói.
Câu hỏi này đang khó trả lời hơn khi các doanh nghiệp xác định, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những thay đổi chiến lược trong giai đoạn 2014 - 2016. Hàng loạt thay đổi mạnh mẽ về thể chế kinh tế, cấu trúc kinh tế, vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, chế độ sở hữu, giá cả cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế… đang được định hình, thảo luận và dự kiến đệ trình tại Đại hội Đảng lần tới.
Đồng thời, những động thái gần đây về an ninh và kinh tế trên thế giới cũng như khu vực, đặc biệt là vấn đề Biển Đông, đang tạo thêm sức ép đầy thách thức đối với việc tái cơ cấu nền kinh tế và các doanh nghiệp lớn Việt Nam.
Tuy vậy, ông Cơ cho biết, khi được hỏi, bộ phận nào trong công ty cần thay đổi trước tiên để nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng tới mục tiêu tăng trưởng, hơn 44,3% số lãnh đạo doanh nghiệp lớn lựa chọn marketing và quản trị thương hiệu. Hai bộ phận tiếp theo được lựa chọn là dịch vụ khách hàng (41%) và nhân sự (39,3%).
Kết quả khảo sát trên đây cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ và lựa chọn thay đổi như một phương thức để lấy lại sức lực và tinh thần, vượt qua khó khăn để nhanh chóng bắt kịp xu thế và nhu cầu trong nước và quốc tế đang thay đổi.
Chọn R&D là bộ phận cần thay đổi
Trong cuộc khảo sát gần đây do Vietnam Report thực hiện, phần lớn lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước lựa chọn nghiên cứu và phát triển (R&D) là bộ phận cần thay đổi trước tiên để nâng cao hiệu quả hoạt động và tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp.
Đây đồng thời sẽ là bộ phận được ưu tiên đầu tư nhiều hơn trong giai đoạn tiếp theo của khối doanh nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu đổi mới và phát triển bền vững trong tương lai.
Phải nhắc lại quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế rằng, cải cách doanh nghiệp nhà nước cần sự thay đổi toàn diện từ tư duy đến hành động. Bởi vậy, để hướng tới thành công lâu dài, chìa khóa của doanh nghiệp nhà nước là đổi mới chiến lược, đánh giá và lựa chọn những ưu tiên thay đổi phù hợp với thực trạng và bối cảnh kinh tế - chính trị đang có những chuyển biến khó lường hiện nay.
Đây không phải là đề tài xa lạ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đánh giá hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam, ông Marco Breu, Tổng giám đốc Mckinsey & Company tại Hội thảo CEO Summit 2013 từng nhận định, các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, nhưng hoạt động kém hiệu quả, tạo ra gánh nặng cho tăng trưởng kinh tế và là rào cản tăng trưởng với khu vực tư nhân.
"Cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ là phương cách cần thiết nhất trong giai đoạn hiện nay. Có thể coi đây là cách ‘thay máu' cho doanh nghiệp nhà nước, tăng thêm tính chủ động và tự do cạnh tranh trong kinh doanh", ông Marco Breu nói và cho rằng, cổ phần hóa được xem là một biện pháp quan trọng mang tính chiến lược.
Khánh An- Báo Đầu tư
Xem tin gốc tại đây