Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Doanh nghiệp FDI ngại tái đầu tư, chờ ưu đãi
Người đăng tin: Ngày đăng tin: 09/07/2014 Lượt xem: 1


Đóng góp lớn vào ngân sách cũng như xuất khẩu của Việt Nam, song các chuyên gia nhận định hạn chế hiện nay của doanh nghiệp ngoại là ít chịu tái đầu tư, trông chờ nhiều vào các ưu đãi tài chính.

Sau hơn 20 năm mở cửa thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sự hiện diện của những "ông lớn" như Samsung, Nokia, LG, Intel... đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần làm đổi thay bộ mặt kinh tế Việt Nam. Khu vực này cũng ngày càng tăng trưởng nhanh về số lượng và quy mô vốn đầu tư.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính tại 31/12/2013, cả nước có hơn 9.000 doanh nghiệp vốn nước ngoài đang hoạt động, gấp 6 lần năm 2000. Trong đó, doanh nghiệp 100% vốn ngoại chiếm đa số (83%) và tăng xấp xỉ 20% trong giai đoạn 2000-2013. Các doanh nghiệp FDI cũng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (chiếm 73%), tiếp đến là khu vực dịch vụ và cuối cùng là nông lâm nghiệp và thủy sản với chỉ 1,4%.

Dù chiếm tỷ trọng không cao trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp, nhưng đóng góp của khu vực FDI về lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước ngày càng tăng. Năm 2013, khu vực này chiếm 45% tổng lợi nhuận và 30% tổng nộp ngân sách của khu vực doanh nghiệp. Do tăng trưởng nhanh hơn các khu vực kinh tế khác, khu vực FDI cũng đóng góp ngày càng lớn vào GDP. Năm 1995, tỷ lệ đóng góp vào GDP của khu vực này chỉ là 6,3%, nhưng tăng dần lên 15% và gần 20% vào năm 2000 và 2013.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định doanh nghiệp nước ngoài còn bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, Tổng cục Thống kê đánh giá doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chỉ tập trung vào gia công, lắp ráp và nguyên vật liệu chủ yếu nhập khẩu nên giá trị gia tăng chưa cao, điển hình là các ngành lắp ráp ôtô, xe máy, điện tử, may mặc, da giày. Trong khi đó, Việt Nam là một nước thế mạnh về nông nghiệp thì tỷ trọng vốn FDI vào sản xuất kinh doanh nông, lâm, nghiệp và thủy sản rất thấp và có xu hướng giảm dần, năm 2013 chỉ còn chiếm tỷ trọng 0,3% trong tổng vốn nước ngoài.

Bên cạnh đó, Việt Nam kỳ vọng doanh nghiệp FDI sẽ góp phần tích cực vào việc chyển giao công nghệ, nâng cao trình độ cho các nhà quản lý, song các kỳ vọng trên hầu như còn khá lâu mới đạt mục tiêu, nguyên nhân do tỷ lệ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hiện chiếm trên 80%, tăng so với mức 56% năm 2000.

"Điều này cho thấy mô hình liên doanh không hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, hoặc khi mới thành lập là liên doanh để tận dụng các điều kiện thuận lợi của các đối tác trong nước về đất đai, miễn giảm thuế, cơ sở hạ tầng và các ưu đãi khác", báo cáo của cơ quan Thống kê nhận xét.

Cũng đánh giá về việc ưu đãi đầu tư ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp, chuyên gia Brian Portelli của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cho rằng "nhà đầu tư nước ngoài ít tái đầu tư trong tương lai hơn doanh nghiệp Việt Nam", bởi họ có tâm lý chờ thêm ưu đãi mới tái đầu tư. Theo khảo sát của UNIDO, các doanh nghiệp nhận được ưu đãi sẽ tích cực mở rộng sản xuất kinh doanh hơn các doanh nghiệp không nhận được, nhưng trên thực tế, ưu đãi về thuế không phải là yếu tố quyết định, mà còn có sự ổn định kinh tế và chính trị, chi phí lao động, khung pháp lý và chất lượng của cơ sở hạ tầng.

"Nếu các địa phương thu hút bằng ưu đãi cao nhất mà không cân nhắc tác động thì sẽ dẫn đến đua xuống đáy của vị thế quốc gia, hay tỉnh thành đó", vị này chuyên gia này cảnh báo. Ngoài ra, ưu đãi về tài chính cũng khiến nguồn thu từ thuế bị cắt giảm và các lĩnh vực khác bị hạn chế ngân sách.

Từ đó, UNIDO khuyến nghị Việt Nam cần có sự cân bằng giữa các ưu đãi đầu tư, xem xét lĩnh vực nào quan trọng và giám sát việc tuân thủ cam kết của các công ty nhận được ưu đãi. Ngoài ra, đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài cũng phải có sự cộng hưởng với nhau.

"Thoái lui đầu tư trong nước là tác động xấu nhất. Cần có sự hỗ trợ để gắn kết giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, nếu những ưu đãi làm gia tăng sự khác biệt giữa các khu vực thì cần phải xem lại những ưu đãi đó", ông đề xuất.

Liên quan đến vấn đề này, trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng từng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục áp dụng chính sách ưu đãi với doanh nghiệp, nhưng sẽ chọn lọc hơn, chỉ ưu đãi những ngành tạo ra giá trị gia tăng cao, mang lại lợi ích cho quốc gia và lợi ích cho doanh nghiệp.

Đồng thời, Bộ trưởng cho hay sẽ có nhiều chính sách quan tâm đến doanh nghiệp trong nước, bởi thu hút vốn ngoại tốt phải đi cùng với doanh nghiệp trong nước phát triển, từ đó mới giúp kinh tế đi lên, thoát phụ thuộc. Cụ thể, với khối doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ sẽ tập trung tái cấu trúc theo hướng thu hẹp hoạt động, cổ phần hóa mạnh mẽ, trong đó điều "cốt tử" là nâng cao năng lực hoạt động của những ông lớn đang nắm nhiều nguồn lực quốc gia. Khối doanh nghiệp tư nhân, vốn là lực lượng đông đảo nhất cũng sẽ được quan tâm đầy đủ và đối xử công bằng hơn.

Phương Linh (Vnexpress)

Xem tin gốc tại đây


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

Địa chỉ

Tầng 18, Trung tâm Hành chính,

24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Quản lý nội dung HTML

Liên hệ

84-236-3886243/ 3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng

Giấy phép: Số 124/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 20/02/2017

Trưởng Ban Biên tập: Bà Huỳnh Liên Phương - Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng