Với lợi thế là thành phố lớn nhất miền Trung và là một trong 5 thành phố lớn nhất cả nước kết hợp với môi trường kinh doanh tốt nhất ở miền Trung Việt Nam, Đà Nẵng đang là điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư.
Điểm đến hấp dẫn
Đà Nẵng là một trong những thành phố năng động nhất cả nước trên nhiều phương diện khác nhau, từ đầu tư hệ thống hạ tầng đến chính sách hỗ trợ nhà đầu tư khá tốt đã giúp Đà Nẵng khẳng định thương hiệu của mình tern bản đồ đầu tư Việt Nam.
Bên cạnh chiến lược phát triển cân bằng giữa du lịch - dịch vụ và công nghiệp dựa trên lợi thế và tiềm năng của chính mình, Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trên cả nước trong việc phát triển các khu công nghiệp tập trung. Qua đó, định hướng và thu hút những nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng.
Đến nay, Đà Nẵng có 6 khu công nghiệp tập trung bao gồm: Khu công nghiệp Hòa Khánh, Khu công nghiệp Đà Nẵng, Khu công nghiệp Liên Chiểu, Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, Khu công nghiệp Hòa Cầm và Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng với quy mô 1.141,82 ha (diện tích công nghiệp cho thuê 746,21 ha).
Nói về quy hoạch định hướng phát triển, ông Thái Bá Cảnh, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng cho biết, các khu công nghiệp Đà Nẵng được đầu tư xây dựng theo đúng với Phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tỷ lệ đất nông nghiệp thu hồi cho phát triển khu công nghiệp rất thấp (chiếm 1,2% trong 1.141,82 ha) và là đất bạc màu, năng suất thấp. Điều này khẳng định việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp Đà Nẵng đảm bảo tính ổn định và bền vững theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Theo ông Cảnh, các khu công nghiệp Đà Nẵng nằm gần các trục giao thông nội thị của thành phố nối kết khu công nghiệp với các trục giao thông chính của vùng và quốc gia về đường thủy, đường bộ và đường sắt; cách cảng nước sâu Tiên Sa gần nhất 3 km và xa nhất 20 km, cách Sân bay quốc tế Đà Nẵng gần nhất 3 km và xa nhất 12 km; góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại và vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp đến cảng, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước và ngược lại.
Hầu hết khu công nghiệp đều có độ cao nền lớn, độ dốc tốt thuận lợi cho thoát nước nước mưa, chống ngập lụt; nền đất tốt, ổn định, nguồn nguyên liệu (cát, đá, gạch...) cho xây dựng công trình dồi dào và có chất lượng tốt, làm giảm chi phí cho đầu tư phát triển khu công nghiệp, cũng như giảm cơ cấu vốn đầu tư xây dựng của dự án đầu tư.
Ông Cảnh cho biết, trong những năm qua, với sự đầu tư và hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Đà Nẵng xác định việc phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội là một trong những khâu đột phá, tạo đà cho phát triển TP. Đà Nẵng nói chung và các khu công nghiệp Đà Nẵng nói riêng. Vì vậy, Đà Nẵng đã có các chính sách hiệu quả nhằm thu hút mọi nguồn lực của Nhà nước, các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông huyết mạch, như nâng cấp Cảng biển Tiên Sa, Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, hầm đường bộ Hải Vân, Quốc lộ 1A đi qua Đà Nẵng, đường ven Biển Sơn Trà - Hội An...
Ngoài ra, các hạ tầng công nghệ, viễn thông, năng lượng, cấp thoát nước; các dịch vụ hỗ trợ, như ngân hàng, y tế, đào tạo... đã được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho nhà đầu tư hoàn thiện theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
"Song hành cùng với việc hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư vào các khu công nghiệp của Nhà nước, công tác cải cách thủ tục hành chính công tại Ban Quản lý ngày càng hoàn thiện và hiệu quả theo hướng công khai, minh bạch, rõ ràng, thuận tiện theo cơ chế ‘một cửa, một đầu mối quản lý', nhằm hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư", ông Cảnh nói.
Tính đến hết năm 2013, các khu công nghiệp Đà Nẵng đã thu hút được 377 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong đó, 292 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký thực hiện 12.108,35 tỷ đồng; 85 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của 14 quốc gia, vùng lãnh thổ, với số vốn đăng ký thực hiện 931,88 triệu USD.
Ông Cảnh nhìn nhận, trong những năm gần đây, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khủng hoảng nợ công châu Âu; sự cạnh tranh quyết liệt trong thu hút đầu tư của các nước trong khu vực ASEAN và châu Á; quỹ đất các khu công nghiệp còn lại hạn chế; khoảng cách ưu đãi về thuế trong khu công nghiệp so với ngoài khu công nghiệp gần như nhau..., nên công tác xúc tiến và thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn.
"Tuy nhiên, tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp Đà Nẵng vẫn có nhiều khởi sắc. Điều đáng ghi nhận là, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư (trong 3 năm) là 349,1 triệu USD chiếm tỷ lệ 468,5% so với vốn đăng ký đầu tư mới là 74,5 triệu USD để cải tiến công nghệ, nhằm đa dạng và gia tăng giá trị sản phẩm, tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu.
Tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư
Mặc dù có nhiều lợi thế, tỷ lệ lấp đầy khá cao, nhưng các khu công nghiệp Đà Nẵng luôn tìm ra những giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn, nhằm hỗ trợ đồng hành cùng các nhà đầu tư.
Ông Cảnh cho rằng, việc đầu tiên là cần phát triển các khu công nghiệp trên cơ sở tiếp tục bám sát chỉ đạo của của Thành ủy "Về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa" đã khẳng định: "Đà Nẵng phấn đấu trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020".
Bên cạnh đó, về kết hạ tầng ngoài khu công nghiệp, Đà Nẵng cần kiến nghị các bộ, ngành trung ương có cơ chế chính sách mở, đột phá đối với TP. Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền Trung, nhằm thu hút vốn đầu tư cho đầu tư các công trình trọng điểm, thúc đẩy sự phát phát triển của Thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng giao thông có lợi thế nhằm kết nối giữa TP. Đà Nẵng, vùng kinh tế trong với khu vực và quốc tế, như cảng biển, Sân bay quốc tế Đà Nẵng, tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây...
Về giải pháp thu hút đầu tư cho phát triển các khu công nghiệp, ông Cảnh cho rằng, trên cơ sở định hướng về chuyển dịch cơ cấu từ công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp sang dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu; từ phát triển phiến diện chuyển sang phát triển bền vững.
Dưới góc độ lâu dài, trong thời gian đến, Ban Quản lý kiến nghị lập quy hoạch mới, quy hoạch bổ sung để đầu tư các công trình an sinh - xã hội khu công nghiệp bằng nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn xã hội hóa.
Bên cạnh đó, tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp triển khai hoàn chỉnh hạ tầng, nhất là hạ tầng dịch vụ xử lý nước thải, đảm bảo 100% các khu công nghiệp có nhà máy xử lý nước thải, nhằm tạo cơ sở lấp đầy diện tích 6 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.
Đặc biệt, Ban Quản lý tích cực phối hợp với các sở, ban ngành Thành phố đề xuất các giải pháp hỗ trợ "Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014" theo chủ trương của UBND Thành phố. Trước mắt, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính công tại Văn phòng - Ban Quản lý theo hướng giải quyết nhanh các thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Chứng chỉ quy hoạch, Thỏa thuận thiết kế…
Đồng thời, xác nhận quyền chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp tài sản trên đất và tạo các điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay, hỗ trợ kích cầu các dự án đầu tư theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Trên cơ sở đó, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu hàng tiêu dùng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm có chất lượng cạnh tranh và gia tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu.
Sơn Thắng – Báo Đầu tư
Xem tin gốc tại đây