Đến dự hội thảo về phía Trung ương có Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Duy Hoàng. Về phía Đà Nẵng có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, Đà Nẵng ưu tiên, tập trung phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin từ những năm 2000; đưa vào sử dụng nền tảng, hệ thống chính quyền điện tử từ năm 2014.
Cũng vào năm 2014, Đà Nẵng đã thí điểm triển khai các ứng dụng thông minh và chính thức triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh vào năm 2018. Từ năm 2021, thành phố Đà Nẵng triển khai nghị quyết và đề án chuyển đổi số theo chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
Hiện nay, chính quyền thành phố Đà Nẵng cung cấp dịch vụ công thuận tiện hơn cho người dân, doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong hoạt động công vụ và bắt đầu sử dụng dữ liệu số trong chỉ đạo, điều hành và quản lý đô thị.
Kinh tế số phát triển nhanh và đóng góp đáng kể cho GRDP thành phố, cụ thể: năm 2023 kinh tế số đóng góp 20,7% GRDP (vượt mục tiêu năm 2025 là 20%), có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (cao gấp 3 lần tỷ lệ trung bình cả nước).
Đặc biệt, theo kiểm tra, đo lường và công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông vào tháng 8-2024, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của thành phố Đà Nẵng cao nhất cả nước với 95% (trung bình các tỉnh, thành là 55%); tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình là 65% (trung bình các tỉnh, thành là 17%).
Đà Nẵng được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ghi nhận, đánh giá cao và đã triển khai hội thảo toàn quốc chuyên đề về dịch vụ công trực tuyến tại thành phố vào ngày 31-8-2024, với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình.
Ngày 26-6-2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; trong đó có các cơ chế, chính sách đột phá nhằm phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh như: thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin; thu hút chuyên gia, nhà khoa học, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo;...
Tuy vậy, Đà Nẵng còn nhiều nhiệm vụ phải triển khai, cụ thể: mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN; kinh tế số chiếm khoảng 35 - 40% GRDP…
Chính vì vậy, hội thảo quốc gia về Chính phủ số hôm nay sẽ đưa tới những sáng kiến, chia sẻ để tháo gỡ các vấn đề về thể chế, về phát triển hạ tầng số, dữ liệu số; về áp dụng công nghệ số trong cung cấp dịch vụ công và quản lý đô thị… để các cơ quan của thành phố Đà Nẵng tham khảo, thực hiện trong quá trình triển khai chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh.
Hội thảo quốc gia về Chính phủ số là sự kiện thường niên từ năm 2005 đến nay. Đây là diễn đàn uy tín để các nhà lãnh đạo cấp cao đến từ các cơ quan ban ngành Chính phủ và các chuyên gia công nghệ gặp gỡ và thảo luận về chính sách đầu tư, đưa ra các sáng kiến, giải pháp phát triển công nghệ thông tin toàn diện thúc đẩy xây dựng hệ thống Chính phủ điện tử.
Hội thảo quốc gia về Chính phủ số năm 2024 bao gồm 1 tọa đàm với chủ đề “Đà Nẵng - Thành phố xanh và bền vững: Cơ hội đầu tư và phát triển thương mại trong thời đại mới”; 2 phiên chuyên đề “Tầm quan trọng và hiệu quả của người lãnh đạo tiên phong trong chuyển đổi số” và “Số hóa ngành giáo dục: khai thác dữ liệu và tạo dựng giá trị bền vững”.
Được biết, hội thảo có 23 diễn giả là chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các đơn vị quản lý nhà nước về Chính phủ số, các đơn vị giáo dục, tư vấn và xây dựng giải pháp công nghệ trong nước và quốc tế tham gia báo cáo, trình bày.
Trong khuôn khổ sự kiện còn có Lễ công bố và vinh danh lãnh đạo Chuyển đổi số tiêu biểu năm 2024. Đây là giải thưởng do IDG Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức trong bối cảnh chuyển đổi số của Việt có những bước tiến ấn tượng.
Giải thưởng được tổ chức thường niên từ năm 2021 nhằm tôn vinh các lãnh đạo chuyển đổi số khối Chính phủ và khối doanh nghiệp tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy kinh tế số và xã hội số hướng đến mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
* Trong khuôn khổ hội thảo quốc gia về Chính phủ số lần thứ 19 - năm 2024 (Vietnam Digital Government Summit 2024), đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng thành phố chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số để tăng hiệu quả quản lý nhà nước.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thông tin, Đà Nẵng đang triển khai 3 mô hình, giải pháp để nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình: đa dạng hóa kênh và hình thức hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến, toàn trình; kế thừa dữ liệu số để thay thành phần hồ sơ giấy phải nộp; gắn mã QR trên kết quả thủ tục hành chính.
Cụ thể, Đà Nẵng triển khai mô hình “Đại lý dịch vụ công” với 37 bưu cục tại các xã, phường thực hiện dịch vụ công trực tuyến; mô hình “Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06”, “Tổ dân phố 4.0” tại các phường thuộc quận Hải Châu… để trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến cho người dân ở khu dân cư.
Hiện 100% cơ quan và các thủ tục hành chính toàn thành phố đã áp dụng sử dụng Kho kết quả thủ tục hành chính số của thành phố. Kho không chỉ để người dân sử dụng trong thực hiện thủ tục hành chính khác mà còn được chia sẻ để các cơ quan, đặc biệt là công chức tại bộ phận một cửa sử dụng để cung cấp dịch vụ nhanh, chính xác.
Từ năm 2023 đến tháng 9-2024, thành phố có 40.888 kết quả thủ tục hành chính được gắn mã QR, đặc biệt ngành giao thông vận tải đã cấp 28.666 giấy phép có gắn mã QR.
Hiện thành phố đang xây dựng giải pháp Cổng đăng nhập xác thực tập trung SSO Gateway để chia sẻ tài khoản và dữ liệu điện tử cho doanh nghiệp phục vụ cung cấp và sử dụng mọi dịch vụ toàn xã hội.
Theo ông Trần Phước Hòa Bình, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng của Sở Xây dựng thành phố, nhằm khắc phục những hạn chế của hệ thống AutoCAD, từ năm 2020, Đà Nẵng bắt đầu triển khai hệ thống quản lý quy hoạch số dựa trên nền tảng GIS (Hệ thống Thông tin Địa lý). Đây là bước tiến lớn trong việc tích hợp và quản lý dữ liệu địa lý, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thành phố thông minh.
GIS có ưu điểm vượt trội là cho phép tích hợp thông tin quy hoạch trên một bản đồ số duy nhất, cập nhật trực tuyến và kết nối với định vị GPS, giúp bảo đảm tính chính xác giữa dữ liệu và thực địa
Nhờ vậy, người dân có thể dễ dàng tra cứu thông tin quy hoạch qua các nền tảng web và ứng dụng di động, từ đó nâng cao tính minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý.
Theo định hướng của thành phố trong tương lai, Đà Nẵng sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển hệ thống quản lý số, không chỉ trong lĩnh vực quy hoạch mà còn trong các lĩnh vực khác như môi trường, giao thông, và dịch vụ công.
Đây là bước tiến chiến lược nhằm xây dựng một đô thị thông minh, nơi mọi quyết định đều dựa trên dữ liệu số chính xác và minh bạch.
Tuy nhiên, để thành công, cần có sự đầu tư hợp lý vào hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân lực. Nếu thực hiện tốt, Đà Nẵng sẽ trở thành hình mẫu trong việc áp dụng công nghệ số vào quản lý đô thị, mang lại môi trường sống hiện đại và bền vững cho người dân.
(Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202410/khai-mac-hoi-thao-quoc-gia-ve-chinh-phu-so-3992404/)