Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Đà Nẵng hội tụ nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của cả nước
Người đăng tin: Mai Thị Tuyết Nguyễn Ngày đăng tin: 09/09/2024 Lượt xem: 19

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia, đại biểu tham dự sự kiện Ngày Vi mạch bán dẫn thành phố Đà Nẵng 2024 lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 30/8/2024 vừa qua.


Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vi mạch bán dẫn vào buổi sáng 30/8, Thứ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông -  Bùi Hoàng Phương đã khẳng định "Thành phố Đà Nẵng là địa phương năng động, tiêu biểu cho tinh thần giám nghĩ, giám làm, đổi mới sáng tạo. Đây là những đặc trưng phù hợp để phát triển công nghiệp bán dẫn. Đà Nẵng có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng công nghệ thông tin phát triển, sự quan tâm và quyết tâm của chính quyền Thành phố là những yếu tố quan trọng bảo đảm phát triển công nghiệp bán dẫn”.

Thứ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông -  Bùi Hoàng Phương phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: IPA Đà Nẵng)

Bà Susan Burns - Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM, cho rằng “Ngành công nghiệp bán dẫn của Đà Nẵng đang thu hút sự chú ý toàn cầu nhờ vị trí chiến lược, nhân lực chất lượng cao. Hoa Kỳ nhận ra tầm quan trọng trong việc thúc đẩy chuỗi cung ứng và mong muốn tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn tại Đà Nẵng”. 

"Gần đây, ngành công nghiệp bán dẫn mới nổi của Đà Nẵng đã thu hút sự chú ý của toàn cầu, nhờ vào việc phát triển nhanh chóng cơ sở hạ tầng công nghiệp, vị trí chiến lược của Đà Nẵng, và lực lượng lao động tay nghề cao ngày càng tiến bộ. Và với hệ sinh thái công nghệ mới nổi, Đà Nẵng đang ở vị thế thuận lợi để đi đầu trong sự tăng trưởng này", bà Susan Burns khẳng định.

Bà Susan Burns - Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: IPA Đà Nẵng)

Bà Thủy Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phát biểu “Có thể nói, sự bền bĩ của thành phố Đà Nẵng từ tháng 10/2023 đến nay và với cú hích là Nghị quyết 136 về chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có các chính sách ưu đãi vượt trội về vi mạch bán dẫn thì giai đoạn tới đây Đà Nẵng sẽ có sự bức phá, thành phố “đáng sống” không phải chỉ là đến Đà Nẵng để du lịch, nghỉ dưỡng mà nó sẽ là một môi trường thật sự hấp dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến thành phố để đầu tư, kinh doanh”.

Trao đổi tại Hội nghị, Ông Robert Li, Phó Chủ tịch Synopsys phụ trách kinh doanh tại Đài Loan (Trung Quốc) và Nam Á chia sẻ “Khi nói chuyện với các đối tác, tôi thường nói Hãy đến với Đà Nẵng - thành phố Silicon mới bên bờ biển. Bạn có thể tìm thấy các tiềm năng và cơ hội để phát triển. Với tôi, mỗi lần đến Đà Nẵng tôi cảm giác như được về nhà”.

Ông Trịnh Khắc Huề, Tổng giám đốc Qorvo Việt Nam cho biết Đà Nẵng là nơi lý tưởng để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn. Hiện nay phía Qorvo Việt Nam đang tiếp tục tìm hiểu, làm việc với thành phố trong việc phát triển vi mạch bán dẫn. 

Các chuyên gia trao đổi về tiềm năng thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn của Đà Nẵng (Ảnh: IPA Đà Nẵng)

 Trong chiến lược phát triển của mình, thành phố đã xác định công nghệ cao, trong đó có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là một bộ phận quan trọng trong 05 nhóm ngành đột phá, tạo xung lực phát triển nhanh và bền vững cho thành phố; việc thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo không phải là hoạt động mang tính chất phong trào, ngắn hạn, mà là một lĩnh vực có sự ưu tiên nghiên cứu, đầu tư, phát triển một cách bài bản, dài hạn. Đà Nẵng đặt mục tiêu tới 2030 phấn đấu trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn. Cụ thể, tập trung tranh thủ tận dụng mọi nguồn lực để đào tạo, thu hút tối thiểu 5.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn, trong đó có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói; thu hút đầu tư ít nhất 20 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn, dịch vụ thiết kế, trong đó có từ 01- 02 doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử.

Nhận thức rõ định hướng phát triển, thời gian qua Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, nhất là hợp tác với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, hình thành hệ sinh thái vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Các doanh nghiệp thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới như Synopsys, Marvell đã có mặt tại Đà Nẵng. Các tập đoàn Nvidia, Qualcom, Intel, Qorvo, MediaTek... đã đến khảo sát cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng và đang có kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại thành phố. Tập đoàn Foxlink, một trong các doanh nghiệp hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã đầu tư vào thành phố 135 triệu USD và đang có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới. Đà Nẵng cũng đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (DSAC), là trung tâm đầu tiên của cả nước tổ chức các hoạt động hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu, đào tạo và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo….

Trong việc chuẩn bị về quỹ đất, cơ sở hạ tầng các khu CNTT tập trung, Công viên phần mềm, công nghệ cao để các doanh nghiệp triển khai dự án về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Đà Nẵng có 01 Khu Công nghệ cao và 03 Khu CNTT tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Hiện nay Đà Nẵng đang hoàn thiện và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng từ cuối năm 2024 Công viên phần mềm số 2 với diện tích sàn hơn 90.000 m2, đáp ứng cho hơn 6.000 nhân sự. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất phù hợp cũng như đầu tư thêm 03 khu công nghệ thông tin mới để đón nhận các dự án đầu tư của các doanh nghiệp vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. 

Hạ tầng đường truyền mạng cáp quang quốc tế, hạ tầng điện và giao thông, logistic hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của các nhà đầu tư về vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Công viên phần mềm số 2 đang được hoàn thiện dự kiến đưa vào sử dụng trong thời gian sắp đến (Ảnh: IPA Đà Nẵng)

Đối với việc chuẩn bị cho công tác đào tạo bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực và thu hút chuyên gia lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Đà Nẵng có 37 cơ sở đào tạo nhân lực về liên quan đến ngành công nghệ thông tin và ngành gần liên quan lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Tổng số tốt nghiệp hằng năm ngành công nghệ thông tin lvà các ngành gần lĩnh vực vi mạch, bán dẫn (như điện tử viễn thông, cơ điện tử, tự động hóa…) là khoảng 5.700 sinh viên. Đến nay, đã có 3 trường Đại học trên địa bàn Đà Nẵng công bố chỉ tiêu tuyển sinh mới kỹ sư ngành thiết kế vi mạch từ tháng 8/2024 với gần 200 chỉ tiêu/năm. Đồng thời, đã triển khai 03 lớp chuyển đổi kỹ sư ngành gần sang lĩnh vực thiết kế vi mạch.

Vừa qua Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 136 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng, trong đó có các chính sách ưu đãi vượt trội cho các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo. Cụ thể như chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập cá nhân; chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng ngành vi mạch, bán dẫn; chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học; chính sách hỗ trợ chi phí mua thiết bị hỗ trợ cho doanh nghiệp; chính sách cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá, thực hiện chỉ định thầu, mua sắm các trang thiết bị đặc thù từ đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Trên cơ sở Nghị quyết 136 của Quốc hội, hiện nay thành phố đang dự thảo xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn để cụ thể hóa các nội dung ưu đãi hỗ trợ. Thành phố nỗ lực để kịp thời ban hành và áp dụng vào đầu năm 2025, góp phần nhanh chóng kiến tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các đối tượng theo học ngành bán dẫn, vi mạch, AI, các chuyên gia, trí thức về làm việc, chuyển giao công nghệ, tri thức cũng như có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI của TP.

Có thể nói, với những lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi, nguồn lao động lành nghề, cơ sở hạ tầng được đầu  tư đồng bộ, môi trường kinh doanh và đầu tư không ngừng  được cải thiện theo hướng minh bạch, hiệu quả, đặc biệt là được sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ và sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong tạo lập hành lang pháp lý và cơ chế ưu đãi hỗ trợ đầu tư đặc thù phát triển ngành vi mạch bán dẫn, Đà Nẵng đã và đang thu hút  được sự quan tâm của các doanh nghiệp, nhà  đầu tư lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn./.

IPA Đà Nẵng


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

Địa chỉ

Tầng 18, Trung tâm Hành chính,

24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Quản lý nội dung HTML

Liên hệ

84-236-3886243/ 3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng

Giấy phép: Số 124/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 20/02/2017

Trưởng Ban Biên tập: Bà Huỳnh Liên Phương - Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng