Trong khuôn khổ đoàn Thống đốc tỉnh Wakayama (Nhật Bản) thăm và làm việc tại thành phố Đà Nẵng, cuối tháng 7/2023, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đã phối hợp với đoàn Nghị sĩ tỉnh Wakayama tổ chức Hội thảo Xúc tiến đầu tư và Kết nối giao thương Đà Nẵng - Wakayama, thu hút hơn 150 đại biểu tham dự. Vì vậy, việc đại diện Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tham gia Hội nghị giao thương Hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam - Nhật Bản tại Wakayama một năm sau (25/7/2024) được xem là động thái tích cực để thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai bên.
Hội nghị đã được tổ chức thành công với sự tham gia của gần 80 đại biểu đến từ các cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Chương trình giao thương sau Hội nghị thu hút gần 60 lượt giao dịch trực tiếp giữa các địa phương, khu công nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản ở đa dạng các lĩnh vực đầu tư và thương mại.
Quang cảnh hội thảo
Trong chương trình hội nghị, ông Tạ Đức Minh – Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật cho biết “Mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản là trường hợp điển hình cho thành công trong hợp tác song phương của Việt Nam với các đối tác tin cậy trên thế giới. Nhật Bản duy trì vị trí là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như đầu tư trực tiếp nước ngoài, thương mại song phương cân bằng, cung cấp vốn ODA, xuất khẩu lao động, du lịch, giáo dục - đào tạo, văn hoá, giao lưu nhân dân.... Hợp tác địa phương cũng là điểm sáng trong quan hệ hai quốc gia với hơn 100 cặp địa phương của Việt Nam và Nhật Bản có thoả thuận hợp tác và kết nghĩa”.
Ông Tabata Kazuya – Giám đốc Ban Xúc tiến Doanh nghiệp, Chính quyền tỉnh Wakayama đã giới thiệu nhu cầu thương mại và đầu tư của doanh nghiệp Wakayama sang Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng tỉnh Wakayama, với lợi thế về dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, đang tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp Wakayama quan tâm đến việc đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất và chế biến thực phẩm. Ông khẳng định rằng Chính quyền tỉnh Wakayama sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu thị trường, thiết lập quan hệ đối tác và triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Ông Nguyễn Hữu Nhĩ – Phó Chánh văn phòng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng đã truyền tải thông điệp về sự cải thiện môi trường kinh doanh, kế hoạch phát triển hạ tầng và mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tới khảo sát và đầu tư tại địa phương. Ngoài các thông tin về đầu tư, ông cũng đã trình bày thêm các thông tin về thương mại, du lịch, hợp tác quốc tế của thành phố Đà Nẵng với các đối tác Nhật: Các mặt hàng xuất khẩu chính của Đà Nẵng sang thị trường Nhật là: dệt may, thủy sản, thiết bị điện – điện tử, dây dẫn điện ô tô, dây tai nghe ĐTDĐ, đồ chơi trẻ em, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, dăm gỗ, sản phẩm lưới, cần câu cá… Các mặt hàng nhập khẩu chính: Nguyên phụ liệu may, NPL sản xuất máy biến thế, linh kiện điện tử, NPL sản xuất nến, hóa chất… Đà Nẵng là điểm đến yêu thích của du khách Nhật Bản, theo ước tính sơ lược thì cứ 05 người Nhật đến Việt Nam thì có 01 người đến Đà Nẵng trong giai đoạn trước dịch Covid-19. Thành phố Đà Nẵng đã ký kết biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác chính thức với 04 địa phương tại Nhật.
Trao đổi, làm việc với đối tác
Ngoài ra, đoàn công tác cũng đã có buổi tiếp kiến và làm việc với Phó Thống đốc tỉnh Wakayama và Thị trưởng thành phố Kinokawa (tỉnh Wakayama).
IPA Đà Nẵng