Hội nghị giao thương Hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam - Nhật Bản tại Tokyo được tổ chức vào ngày 23/7/2024, có sự tham gia của gần 80 đại biểu đến từ các cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Chương trình giao thương sau Hội nghị thu hút gần 60 lượt giao dịch trực tiếp giữa các địa phương, khu công nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản ở đa dạng các lĩnh vực.
Quang cảnh hội thảo
Tại hội nghị, Ông Nguyễn Hữu Nhĩ – Phó Chánh văn phòng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng đã truyền tải đầy đủ về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào địa phương tới các đại biểu, nhà đầu tư Nhật Bản tham dự: Thành phố xác định công nghiệp công nghệ cao là một trong ba trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, ngoài du lịch và kinh tế biển. Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành điện tử, cơ điện tử, tự động hóa, cơ khí chính xác, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin. Công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo được xác định là động lực mới tạo sự phát triển bứt phá cho Đà Nẵng trong thời gian tới. Đà Nẵng hội đủ các điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và chính sách ưu đãi để chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao đến đầu tư hoặc mở rộng đầu tư tại thành phố. Thành phố ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư chuyên về chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn.
Tính đến tháng 5/2024, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 1.020 dự án FDI với số vốn đạt khoảng 4,3 tỷ USD, trong đó Nhật bản là nhà đầu tư lỡn nhất với 261 dự án, với tổng số vốn đăng ký đạt 1,14 tỷ USD, chiếm 25 % về số lượng dự án và 25 % về tổng vốn đầu tư đăng ký trên địa bàn thành phố. Các dự án của Nhật bản đã đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố trong thời gian qua. Quy mô trung bình của mỗi dự án là gần 3,5 triệu USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực đầu tư: sản xuất chế biến chế tạo (33,8% tổng số dự án), công nghệ thông tin (26%), khoa học và công nghệ (14,8%), nhà hàng, khách sạn (10%)... Hoạt động của doanh nghiệp giúp tạo công ăn việc làm cho khoảng hơn 40.000 lao động.
Ông Kunihiko Hirabayashi – Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC) đã đánh giá cao sự hưởng ứng tích cực từ các địa phương và doanh nghiệp của hai nước, đồng thời nhấn mạnh rằng Hội nghị là một hoạt động ý nghĩa và thiết thực trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản đã chính thức nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Tổng Thư ký nhấn mạnh rằng Việt Nam hiện là đối tác chiến lược quan trọng của Nhật Bản trong khu vực Đông Nam Á. Sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các hiệp định thương mại như RCEP, CPTPP và các chính sách hướng tới mục tiêu Net Zero, chuyển đổi chuỗi cung ứng xanh đã khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này mở ra cơ hội giao thương mới và nâng cao vị thế của Việt Nam như một đối tác kinh tế năng động và đáng tin cậy.
Ông Nguyễn Bá Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Phát triển Công Thương, Cục Xúc tiến Thương mại, đã trình bày về tình hình kinh tế Việt Nam, thực trạng đầu tư nước ngoài và đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh đến môi trường kinh doanh thuận lợi và các chính sách của Chính phủ nhằm thu hút các dự án đầu tư nước ngoài chất lượng cao, có hàm lượng công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Trong bối cảnh chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng toàn cầu đang có sự chuyển dịch, Việt Nam đang tích cực cải thiện các điều kiện kinh doanh để thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản.
Phát biểu tại hội nghị, Ông Sho Hiromitsu – Quản lý Nghiên cứu Bộ phận Châu Á và Thái Bình Dương, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), đã trình bày về xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Ông cung cấp số liệu và đánh giá tích cực, khẳng định Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư và mở rộng kinh doanh hàng đầu thế giới. Gần 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới. Ông cũng nhấn mạnh các lợi thế so sánh của Việt Nam trong môi trường đầu tư, bao gồm tiềm năng tăng trưởng, chi phí nhân công hợp lý, và kỹ năng của người lao động so với các quốc gia Đông Nam Á khác. Những yếu tố này làm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư Nhật Bản.
Đại diện JETRO trình bày các xu hướng đầu tư của nhà đầu tư Nhật Bản đối với thị trường Việt Nam
Ngoài ra, Đoàn Công tác của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư cũng đã có buổi làm việc với Phó Chủ tịch thường trực JETRO (Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam), và tiếp kiến Thống đốc tỉnh Kanagawa và đại diện Cục Công nghiệp và Lao động, Cục Quản lý Môi trường và Nông nghiệp tỉnh Kanagawa.
Tiếp kiến Thống đốc tỉnh Kanagawa
Được biết, Thành phố Đà Nẵng đã có nhiều hợp tác với tỉnh Kanagawa thông qua 02 thành phố kết nghĩa là Yokohama và Kawasaki. Năm 2013, Đà Nẵng và Yokohama ký kết “Bản ghi nhớ về hợp tác lâu dài”, thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai thành phố, đặc biệt trong lĩnh vực chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị. Trên cơ sở Bản ghi nhớ, hai thành phố thường xuyên tổ chức Diễn đàn phát triển đô thị giữa hai bên. Năm 2007, thành phố Đà Nẵng và Kawasaki ký kết “Bản ghi nhớ hợp tác về kinh tế” và nâng cấp thành “Bản ghi nhớ về hợp tác công nghiệp, cảng và hợp tác về môi trường” vào năm 2012. Bên cạnh các hoạt động về hợp tác về cảng và kinh tế, giao lưu văn hóa, thể theo giữa hai bên cũng có sự phát triển.
IPA Đà Nẵng