Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết vi mạch bán dẫn là lĩnh vực trọng điểm thúc đẩy sự phát triển đột phá của thành phố trong thời gian đến. Đà Nẵng xác định mục tiêu đến năm 2030, đào tạo ít nhất 5.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, phục vụ nhu cầu phát triển mở rộng của các công ty trong và ngoài nước. Hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 37 cơ sở đào tạo nhân lực về công nghệ thông tin (CNTT), với tổng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm đạt khoảng 5.700 sinh viên. Thời gian qua, các cơ sở đào tạo đã từng bước xây dựng quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế uy tín từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) … để nâng cao chất lượng và số lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Thành phố kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội hợp tác với ASU trong vấn đề đào tạo phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong thời gian đến.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh và ông Jeffrey Goss, Phó Hiệu trưởng ASU (Nguồn ảnh: Báo Đà Nẵng)
Chia sẻ với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Phó Hiệu trưởng ASU Jeffrey Goss cho biết ASU hiện là trường đại học nghiên cứu công lập toàn diện lớn nhất ở Hoa Kỳ với hơn 140.000 sinh viên và chi tiêu hằng năm dành cho nghiên cứu đến hơn 670 triệu USD. ASU cũng là trường kỹ thuật lớn nhất ở quốc gia này với khả năng và chương trình nghiên cứu mở rộng về vi điện tử, bán dẫn, và sản xuất vi mạch. Ông Jeffrey cũng giới thiệu các kinh nghiệm của bang Arizona nói chung trong việc xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn cấp địa phương và ASU nói riêng trong việc phát triển hệ sinh thái đào tạo nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển ngành.
Đại diện lãnh đạo các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố cũng đã trao đổi với đại diện ASU về kinh nghiệm giảng dạy và xây dựng khung chương trình đào tạo; hợp tác trao đổi giảng viên, nghiên cứu viên sang ASU để tăng cường năng lực cho đội ngũ đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
(IPA Đà Nẵng)