Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên
Người đăng tin: Mai Thị Tuyết Nguyễn Ngày đăng tin: 07/05/2024 Lượt xem: 34

Ngày 04/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, tại Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 4-5-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.


Tầm nhìn đến năm 2050 Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển; hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, xanh, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, có kiến trúc tiêu biểu, giàu bản sắc, xanh, văn minh, hiện đại, thông minh, có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển được ít nhất 02 đô thị và một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn, ngang tầm khu vực châu Á tại các khu kinh tế ven biển hiện đại; phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, xanh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Môi trường có chất lượng tốt, xã hội hài hòa; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Mục tiêu đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, năng động, hướng tới bền vững, mạnh về kinh tế biển, phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người của vùng đạt mức trung bình cao; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, có khả năng chống chịu cao với tiên tai và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn của cả nước, các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia, khu vực; là cửa ngõ ra biển đông của vùng Tây Nguyên và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được đảm bảo vững chắc. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 7,5-8% giai đoạn 2021 – 2030; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 165 triệu đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 48%; phấn đấu 01 đô thị ngang tầm khu vực và quốc tế….

Để đạt được các mục tiêu trên, Quy hoạch đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá thực hiện trong thời kỳ quy hoạch. Cụ thể, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế của vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tập trung phát triển các ngành kinh tế biển; nâng cao năng suất và chất lượng dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát triển mạnh một số ngành công nghiệp như công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip; dịch vụ tài chính, thương mại, logistics. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; hình thành các trung tâm nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ mới như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng sạch.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của vùng. Hoàn thiện công trình kết cấu hạ tầng; đưa ra các chính sách khuyến khích người dân bám biển; xây dựng các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch mang lại hiệu quả trên các vùng biển có điều kiện thuận lợi, tiềm năng cao, gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch, phát huy tối đa lợi thế của vùng.

Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung tập trung phát triển vùng động lực miền Trung (vùng động lực quốc gia) là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của vùng; phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây nhằm kết nối hiệu quả các cảng biển, khu kinh tế, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị ven biển, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.

Phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển tại các tỉnh trong vùng; nâng cấp, cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác của 9 cảng hàng không hiện có trong vùng...

Theo định hướng phát triển, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung phát triển công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng có lợi thế, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp chế biến và một số ngành công nghiệp mới. Xây dựng một số cụm liên kết ngành công nghiệp có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế cao. Nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực công nghiệp vào GRDP của vùng đạt khoảng 25 - 35%.

Tập trung phát triển công nghiệp dọc theo các hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây gắn với các cảng biển, các đường quốc lộ kết nối với vùng Tây Nguyên. Mở rộng không gian phân bố công nghiệp về phía Tây của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu và sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế tập trung ở Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên; ưu tiên sản xuất năng lượng tái tạo tại Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận; xây dựng trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận và Bình Thuận...

Về dịch vụ, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước theo 03 khu vực động lực phát triển du lịch quốc gia gồm: (1) Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An; (2) Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; (3) Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận. Tăng cường liên kết phát triển du lịch với vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ theo hành lang du lịch Bắc - Nam phía Đông.

Phát triển logistic theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; hình thành các trung tâm logistic gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu; phát triển các trung tâm logistic cấp vùng và quốc gia trên cơ sở hệ thống cảng biển trong vùng và các hành lang vận tải quốc tế chính. Phấn đấu đóng góp trên 06% tổng doanh thu logisctic của cả nước.

Phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững, nhất là các ngành về dịch vụ, công nghiệp, du lịch biển, kinh tế hàng hải; phát triển các đô thị ven biển gắn kết hài hòa với khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; phát triển ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản đi đôi với bảo vệ môi trường biển; phát triển công nghiệp ven biển và ngoài khơi...

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Đà Nẵng và 13 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Thành phố Đà Nẵng thuộc tiểu vùng Trung Trung Bộ, được quy hoạch trở thành tiểu vùng động lực của vùng và là khu vực tăng trưởng quan trọng về công nghiệp, dịch vụ cao cấp, đô thị biển; là một trong những trung tâm giáo dục – đào tạo, y tế  chất lượng cao, khoa học – công nghệ của đất nước; khu vực tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế. Đà Nẵng được xác định là cực tăng trưởng quốc gia với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, logistic, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; là trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; là trung tâm tài chính của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; là đô thị trung câm cảng – dịch vụ logistic cấp vùng;

Về du lịch, ưu tiên phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch của cả nước, đóng vai trò là cửa ngõ thu hút khách theo đường hàng không, đường biển, đường bộ và là động lực thúc đẩy phát triển du lịch dùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và cả vùng Tây Nguyên.

Về công nghệ cao, quy hoạch cũng xác định tập trung mở rộng khu công nghệ cao Đà Nẵng khi đảm bảo các điều kiện theo quy định, trở thành khu công nghệ cao có vai trò dẫn dắt phát triển khoa học và công nghệ, có tính động lực đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Về khu công nghệ thông tin tập trung, định hướng xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm lớn của vùng về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và là đầu mối liên kết của vùng với các vùng kinh tế khác của cả nước; hình thành mạng lưới trung tâm hỗ trợ thiết kế vi mạch. Phấn dầu xây dựng Công viên phần mềm Đà Nẵng trở thành khu công nghệ thông tin tập trung trọng điểm quốc gia.

Về giáo dục, phát triển Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học Quốc gia.

Về y tế, phát triển thành phố Đà Nẵng thành trung tâm y tế chuyên sâu.

Về thương mại và logistic, phấn đấu thành lập khu thương mại tự do, khu phi thuế quan phục vụ sản xuất – xuất khẩu gắn với sân bay, cảng biển Liên Chiểu, các khu công nghiệp, công nghệ cao tại thành phố Đà Nẵng.

...

 

IPA Đà Nẵng


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

Địa chỉ

Tầng 18, Trung tâm Hành chính,

24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Quản lý nội dung HTML

Liên hệ

84-236-3886243/ 3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng

Giấy phép: Số 124/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 20/02/2017

Trưởng Ban Biên tập: Bà Huỳnh Liên Phương - Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng