Chủ trì buổi làm việc là bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, cùng dự có đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công Thương. Dẫn đầu đoàn Hiệp hội Công nghiệp bang Sachsen, CHLB Đức là bà Hoffmann Katrin, Giám đốc Hiệp hội. Hai bên đã có nhiều trao đổi trong các lĩnh vực hợp tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác đào tạo nhân lực.
Bà Huỳnh Liên Hương đã giới thiệu sơ lược về môi trường và cơ hội đầu tư tại thành phố Đà Nẵng. Trong thời gian tới, thành phố mong muốn thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, vi mạch bán dẫn, ... từ Đức. Hiện nay, chỉ mới có khoảng 10 dự án FDI của Đức tại thành phố Đà Nẵng, đạt gần 11 triệu USD, tập trung nhiều vào lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn; có 01 dự án về xây dựng và 01 dự án về công nghệ thông tin. So với quy mô của nền kinh tế Đức và những gì thành phố Đà Nẵng có thể đáp ứng cho nhà đầu tư, dư địa hợp tác giữa thành phố với các doanh nghiệp, nhà đầu tư Đức còn lớn. Phim ngắn phỏng vấn về cảm nhận của các nhà đầu tư Đức đã đầu tư tại thành phố Đà Nẵng cho thấy, các nhà đầu tư Đức đánh giá cao cơ sở hạ tầng của thành phố để các nhà đầu tư Đức vững tin đầu tư, cũng như thành phố Đà Nẵng là địa điểm thân thiện, tiện nghi để người Đức đến làm việc và sinh sống. Đánh giá cao tiềm năng hợp tác với các đối tác Đức, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đã ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác về xúc tiến đầu tư với Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA Vietnam) để tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi tiềm hiểu, triển khai dự án tại thành phố Đà Nẵng. Các thông tin về môi trường và cơ hội đầu tư của thành phố Đà Nẵng cũng được dịch sang tiếng Đức để phục vụ các nhà đầu tư.
Quang cảnh buổi làm việc
Đại diện phía đoàn công tác, bà Hoffmann Katrin đã có những chia sẻ về Hiệp hội, thành phố Chemnitz và bang Sachsen. Hiệp hội Công nghiệp bang Sachsen thành lập từ năm 1828, có 130 doanh nghiệp về lĩnh vực công nghiệp (gồm 260 thành viên tham gia, tổng số nhân viên trong các doanh nghiệp hội viên là 50.000 người). Thành phố Chemnitz, từng có tên là thành phố Karl Marx (Các-mác), với 245.000 dân cư là thành phố lớn thứ ba của tiểu bang Sachsen, nằm ở Đông Đức. Vì vậy, thành phố nói chung và toàn bang nói riêng có mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống với Việt Nam. Ví dụ như Trung tâm nghiên cứu năng lượng mới của bang chỉ tuyển lao động nước ngoài tại Việt Nam và Chile. Ngoài ra, trường Đại học bách khoa của bang có quan hệ hợp tác với trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng. Đặc biệt, đã có hơn 200 - 300 sinh viên trường Cao đẳng Nguyễn Văn Trỗi được tuyển dụng để làm việc tại bang trong nhiều lĩnh vực. Nhiều lao động được tuyển dụng sau thời gian làm việc tại Đức đã trở lại Việt Nam cùng với các doanh nghiệp Đức. Điều này cho thấy ảnh hưởng gián tiếp của hợp tác lao động kỹ thuật với xúc tiến đầu tư trên cơ sở hệ sinh thái: cơ sở đào tạo - người lao động - cộng đồng doanh nghiệp.
Trong năm 2025 sắp đến, thành phố Chemnitz sẽ được vinh danh là thành phố văn hóa của châu Âu, hàng ngàn sự kiện lớn nhỏ sẽ diễn ra nhằm chào mừng sự kiện này. Nhân dịp này, bà Hoffmann Katrin mong muốn có thể mời đoàn công tác của Việt Nam sang thăm bang Sachsen. Thay mặt Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, bà Huỳnh Liên Phương bày tỏ sự cảm ơn đến đoàn công tác, mong muốn được đón tiếp nhiều doanh nghiệp của bang đến với Đà Nẵng và sẽ báo cáo, đề xuất UBND thành phố về việc thăm và làm việc tại Sachsen.
Hai bên mong muốn sẽ có nhiều hợp tác hơn nữa trong thời gian tới
Tại Đà Nẵng, sau khi làm việc với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư và các sở ngành liên quan, đoàn cũng sẽ có chương trình làm việc với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng; trường Cao đẳng Nguyễn Văn Trỗi; thăm một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện, thiết bị trong lĩnh vực tự động hóa và dịch vụ logistics tại Đà Nẵng tại các khu công nghiệp và Khu Công nghệ cao; làm việc với Trường Trung học phổ thông Thái Phiên về chương trình giao lưu văn hóa dành cho học sinh và chương trình phát triển nguồn nhân lực.
IPA Đà Nẵng