Việt Nam và Pháp có sự gắn kết sâu sắc về lịch sử, văn hóa. Đến nay, Pháp luôn là một trong các đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu cũng như trên thế giới. Pháp coi trọng vị trí của Việt Nam tại khu vực cũng như trong các chiến lược, chính sách mà Pháp đã và đang triển khai tại Đông Nam Á và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Để thúc đẩy hợp tác đầu tư, văn hóa và làm tiền trạm cho chuyến thăm của Đại sứ Pháp tại Đà Nẵng, Tổng Lãnh sự Pháp tại TP Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm và làm việc tại thành phố Đà Nẵng.
Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường đã giới thiệu tổng quan về kinh tế xã hội thành phố cũng như những quan hệ hợp tác nổi bật giữa Đà Nẵng với các đối tác Pháp trong thời gian qua. Từ năm 1993 đến năm 2007, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) và sau đó là thành phố Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hợp tác với Vùng Nord - Pas de Calais. Trong 14 năm hợp tác, nhiều dự án thiết thực tại Đà Nẵng đã được Hội đồng Vùng Nord - Pas de Calais tài trợ, triển khai hiệu quả với tổng kinh phí lên đến 10 tỉ đồng, nổi bật có: Nâng cao giá trị Bảo tàng Chăm. Năm 2019, đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh dẫn đầu đã tham dự Hội nghị hợp tác các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ XI tại Toulouse. Tháng 02/2023, đoàn đại biểu thành phố Le Havre do Ngài Edouard Philippe, Thị trưởng thành phố, nguyên Thủ tướng Chính phủ Pháp đến thăm và làm việc tại thành phố Đà Nẵng. Tháng 10/2023, ông De Pariene Thomas, Phó Thị trưởng thành phố Cannes, vùng Côté d’Azur, Pháp đã có buổi làm việc với đồng chí Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố... Phó Chủ tịch UBND thành phố mong muốn TLSQ Pháp tạo điều kiện hỗ trợ kết nối các nhà đầu tư đến với Đà Nẵng, ký kết hợp tác hữu nghị cấp địa phương với thành phố Le Havre, cấp nhiều học bổng tiếng Pháp cho học sinh, sinh viên học tiếng Pháp.
Bà Tổng Lãnh sự rất vui mừng với sự hợp tác hiệu quả giữa thành phố với các đối tác Pháp trong thời gian qua. Trong chuyến công tác của mình tại Đà Nẵng, bà đã gặp nhiều doanh nghiệp FDI Pháp đầu tư tại thành phố và tất cả các doanh nghiệp này đều hài lòng với cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố. Các doanh nghiệp này tạo ra khoảng hơn 100 việc làm cho người dân địa phương; trong đó nối bật là Ubisoft, với trụ sở đặt tại Montreuil-sous-Bois, Pháp, với các studio phát triển game trên 17 quốc gia và các công ty con tại 28 quốc gia, là một trong 4 công ty lập trình game lớn nhất toàn cầu, đã lựa chọn thành phố Đà Nẵng là địa điểm thành lập Công ty TNHH Ubisoft Vietnam. Đoàn cũng đã có chuyến thăm và làm việc với trường THPT Phan Châu Trinh là một trong những cơ sở giáo dục giảng dạy tiếng Pháp trong chương trình đào tạo. Bà đánh giá Đà Nẵng là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp Pháp đến đầu tư. Để đẩy mạnh việc này, thành phố cần chuẩn bị nguồn nhân lực sử dụng thành thạo tiếng Pháp, có thêm nhiều cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn Pháp cho con em các nhà đầu tư, quản lý, chuyên gia, công nhân người Pháp đến Đà Nẵng làm việc.
Quang cảnh buổi tiếp và làm việc
Được biết, Pháp đứng thứ 16/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có dự án đầu tư tại Việt Nam và xếp thứ 3/26 quốc gia của Liên minh Châu Âu (EU) có đầu tư tại Việt Nam. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành được nhiều doanh nghiệp Pháp quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam, hiện Pháp đã đầu tư hơn 135 dự án vào lĩnh vực này với tổng vốn đăng ký hơn 1,1 tỷ USD, chiếm gần 31% tổng vốn FDI của quốc gia này vào Việt Nam (theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Tại Đà Nẵng, tính đến hết tháng 12/2023, có 34 dự án FDI của Pháp, với tổng số vốn đầu tư khoảng 25 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, giáo dục, nhà hàng khách sạn, công nghệ thông tin,…). Với định hướng phát triển hiện tại của thành phố, Pháp sẽ là thị trường mạnh để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin. Pháp còn nổi tiếng toàn cầu với thế mạnh về sản xuất thực phẩm và dịch vụ logistics chuyên về thực phẩm. Với thế mạnh của mình, Đà Nẵng có thể được xem là thị trường “màu mỡ” cho các nhà đầu tư Pháp trong lĩnh vực này.
IPA Đà Nẵng