Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân (bên trái) và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đồng chủ trì buổi việc. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động để nâng cao năng lực cạnh tranh logistics, trong đó, Bộ Công Thương được giao xây dựng đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến 2045, nhằm thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của logistics, đưa dịch vụ logistics phát triển, tạo sự kết nối thông suốt hàng hóa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất, nhập khẩu hàng hóa...
Việc xây dựng đề án nhằm đưa logistics phát triển, tạo sự kết nối để đưa hàng hóa “đi đến nơi, về đến chốn”, tăng trưởng tốt nhất và kiểm soát được, kết nối hàng hóa Việt Nam vươn rộng hơn ra thế giới.
Dự kiến dự thảo lần 1 của đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến 2045 sẽ hoàn thành vào tháng 9-2023 và tiếp tục lấy ý kiến của các địa phương, chuyên gia để hoàn thiện dự thảo lần 2 trong năm 2023, báo cáo Thủ tướng phê duyệt trong năm 2024.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (đứng) phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho rằng, ngành vận tải, kho bãi, dịch vụ logistics đang chiếm tỷ trọng lớn trong GRDP của thành phố. Đà Nẵng cũng xác định là sẽ hình thành một trung tâm logistics gắn với cảng biển, du lịch, công nghiệp công nghệ cao...
Trong dự thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, dịch vụ logisitcs là 1 trong 5 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn thành phố thời gian đến. Trong đó, có 2 nội dung gắn với chiến lược phát triển logistics trong thời gian tới của Đà Nẵng, đó là khu phi thuế quan và khu thương mại tự do.
Do đó, cần đưa 2 nội dung này vào dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến 2045 nhằm phục vụ phát triển logistics rất lớn trong thời gian đến.
Bên cạnh đó, nguồn hàng hóa trong khu vực 3 địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam phải xác định thu hút nguồn hàng quốc tế từ Lào, Thái Lan... Muốn vậy, Chính phủ và các bộ, ngành cần có các chính sách, cơ chế vượt trội và tạo ra khu phi thuế quan, trung tâm thương mại tự do.
Ngoài ra, cần có một văn bản quy phạm pháp luật về phát triển logistics để thể chế hóa, làm cơ sở cho các ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cũng thống nhất ý kiến của Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam về việc đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa hạ tầng logistics vào danh mục thu hồi đất để tạo điều kiện phát triển logistics vì trong Luật Đất đai năm 2013 chưa có danh mục về đất logistics cùng như thu hồi đất logistics.
Tại buổi làm việc, đại diện các Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cho rằng, 3 địa phương cần liên kết tạo thành một khu vực logistics lớn mà Đà Nẵng là trung tâm để có thể cạnh tranh với các trung tâm logistics ở hai đầu đất nước.
Đại diện Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đầu tư, nâng cấp, mở rộng 70km đường quốc lộ 14D từ bến Giằng đến cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam) để thuận lợi vận chuyển hàng hóa từ Lào, Thái Lan về Đà Nẵng ...