Hội nghị Kết nối công nghiệp hỗ trợ - Đà Nẵng 2022 được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên cũng như các tỉnh, thành khác trên cả nước kết nối hợp tác; thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư nước ngoài để thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hội nghị thu hút sự quan tâm tham dự của hơn 400 đại biểu là đại diện đến từ Bộ Công Thương; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; các sở, ban, ngành thành phố Đà Nẵng và các địa phương trên cả nước; các hội, hiệp hội doanh nghiệp; các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, có gần 50 doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực: cơ khí, điện tử, sản xuất lắp ráp ô-tô, bao bì…
Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, hướng đến mục tiêu đưa công nghiệp hỗ trợ cùng với công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin trở thành ba trụ cột phát triển ngành công nghiệp thành phố. Ngày 30/10/2020, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tăng về số lượng và năng lực, có khả năng tạo ra các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao. HĐND thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 quy định chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và UBND thành phố đã ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ đang nhận được sự quan tâm đặc biệt. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/03/2018, về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, xác định phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá và đề ra mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%. Theo ông Đỗ Thắng Hải: “Thành phố Đà Nẵng đóng vai trò hạt nhân, quan trọng trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Xét về cơ cấu ngành kinh tế của thành phố Đà Nẵng, nhóm công nghiệp – xây dựng chiếm 20,72% trong GRDP toàn ngành kinh tế. Với những thế mạnh sẵn có về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, thành phố Đà Nẵng còn nhiều dư địa để phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ”.
Tại phiên thảo luận của Hội nghị, các đại biểu cũng đã tham gia đóng góp các ý kiến đề xuất về các giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng và toàn quốc nói chung. Ông Christopher Vanloon, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ - Chi hội Đà Nẵng cho rằng hiện nay liên kết giữa các nhà cung ứng địa phương và các doanh nghiệp sản xuất FDI còn khá lỏng lẻo và đề xuất thành phố cần quan tâm nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp địa phương để hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất hiệu quả. Đại diện đến từ Công ty Bao bì Tân Long cũng đưa ra kiến nghị mở rộng danh mục các sản phẩm nhận được hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư…
Bên cạnh đó, tại Hội nghị cũng đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác của 04 cặp kết nối.
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm
Giá trị tăng thêm (VA) (theo giá so sánh năm 2010) của ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2021 đạt 19.200 tỷ đồng, chiếm 20% VA toàn ngành công nghiệp. Tỷ trọng VA của các sản phẩm CNHT trong toàn ngành công nghiệp tăng dần qua các năm, từ 17,1% năm 2011 lên trên 20,2% năm 2021. Trên địa bàn thành phố có khoảng 110 doanh nghiệp đang hoạt động hoặc có khả năng tham gia vào hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chiếm khoảng 6,3% tổng số doanh nghiệp công nghiệp toàn thành phố. Trong đó có 43 doanh nghiệp FDI (chiếm khoảng 39% tổng số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ); 67 doanh nghiệp trong nước tập trung ở lĩnh vực cơ khí chế tạo máy (chiếm gần 61% tổng số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Tỷ lệ lao động có trình độ kỹ thuật đã qua đào tạo của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khoảng 30-40%. |
(IPA Đà Nẵng)