Trong 02 năm qua, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng các ngành sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng dương. Để ngành công nghiệp của thành phố phát triển theo hướng bền vững, song song với việc tập trung hoàn thiện sở hạ tầng các khu công nghiệp hiện có, Đà Nẵng đang thực hiện hỗ trợ đầu tư mạnh cho phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như công nghệ cao, công nghệ thông tin và công nghiệp điện tử. Cùng với đó, thành phố đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn để thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đồng thời xác định đây là một trong những trụ cột để nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển của các ngành sản xuất công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao.
Cụ thể, ngày 20/7/2022, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 1927/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025 và Quyết định số 1928/QĐ-UBND ban hành Quy chế xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trước đó, ngày 17/12/2021, HĐND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND quy định chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
1. Về mục tiêu, giải pháp chính của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Đà Nẵng
Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025 xác định các mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu nội địa hóa ở các lĩnh vực khác nhau của các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo.
Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, phục vụ các ngành công nghiệp ưu tiên gồm: công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin - viễn thông, cơ khí chế tạo máy móc thiết bị, công nghiệp ô-tô… góp phần giảm nhập siêu linh kiện, phụ tùng và thúc đẩy xuất khẩu; phát triển về quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa... Đồng thời, thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thúc đẩy liên kết phát triển công nghiệp hỗ trợ với các địa phương trong vùng…; bảo đảm mặt bằng sản xuất phục vụ thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng bền vững…
Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ trong cơ cấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 30% (năm 2020 mới đạt tỷ lệ 23,5%). Trong đó, tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông chiếm trên 20% (năm 2020 có tỷ lệ 12,5%). Đồng thời, đến năm 2025, phấn đấu có 150 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (năm 2020 là 100 doanh nghiệp), trong đó có 10% doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực cung ứng sản phẩm trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hoàn chỉnh.
Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND thành Đà Nẵng giao Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi và xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng; triển khai đầu tư xây dựng các Khu công nghiệp mới tại thành phố. Trong đó, rà soát quy hoạch phân khu các KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh để đảm bảo dành diện tích đất phù hợp cho phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Đồng thời, khai thác có hiệu quả Trung tâm Nghiên cứu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao trong Khu công nghệ cao cho hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Chuẩn bị sẵn sàng khu đất trong Khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao để thành phố Đà Nẵng phối hợp với Bộ Công Thương thành lập Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng trong thời gian đến.
Theo đó, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng được giao phối hợp với các sở, ngành hữu quan triển khai các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chú trọng thu hút các công ty, tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng.
2. Khái quát về một số nội dung hỗ trợ của thành phố đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ hỗ trợ
- Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
- Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.
- Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
- Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
- Tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ về hạ tầng và bảo vệ môi trường.
- Xây dựng và vận hành trang thông tin, cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ.
- Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay vốn cho đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển/
(Chi tiết về nội dung và mức kinh phí hỗ trợ được quy định cụ thể tại Chương II Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng)
3. Về đối tượng, cách thức tham gia chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ
a) Về đối tượng
Quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 quy định chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, gồm:
- Tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND).
- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia công tác quản lý, thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố.
b) Cách thức tham gia
Để tham gia đăng ký chương trình, các tổ chức, cơ quan đơn vị, cá nhân cần đăng ký Đề án tham gia chương trình theo quy định tại Điều 3 Quy chế xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được ban hành kèm theo Quyết định số 1928/QĐ-UBND ngày 20/7/2022 của UBND thành phố Đà Nẵng.
Về thành phần hồ sơ đăng ký Đề án, được quy định tại Điều 7 Quy chế xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được ban hành kèm theo Quyết định số 1928/QĐ-UBND ngày 20/7/2022 của UBND thành phố Đà Nẵng.
Về thời gian và địa điểm tiếp nhận hồ sơ: Từ ngày 26/7/2022 đến hết ngày 31/8/2022; nộp hồ sơ về Phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương, Tầng 19, Trung tâm hành chính thành phố, số 24 Trần Phú, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, số điện thoại: 0905.374.792 - 0236.3898.277.
Link download các văn bản liên quan:
IPA Đà Nẵng