Hội thảo được tổ chức kết hợp hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham dự Hội thảo trực tiếp tại đầu cầu Đà Nẵng có Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn, Quyền Tổng lãnh sự Hoàng gia Thái Lan tại thành phố Hồ Chí Minh Natthapol-Na-Songkhla, đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực 3, đại diện lãnh đạo các trường thành viên Đại học Đà Nẵng và đại diện lãnh đạo các cơ quan sở ban ngành trên địa bàn thành phố. Tham dự trực tuyến có đại diện lãnh đạo Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan, đại diện Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội, các doanh nghiệp Thái Lan vàViệt Nam.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn phát biểu chào mừng tại Hội thảo
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Thái Lan với thành phố Đà Nẵng. Quan hệ hợp tác, đầu tư giữa Đà Nẵng với các đối tác Thái Lan đạt nhiều tiến bộ trên các lĩnh vực thương mại, du lịch và giáo dục - đào tạo; giao lưu văn hóa nhân dân ngày càng phát triển và nâng tầm. Thời gian đến, để quan hệ hợp tác Đà Nẵng và Thái Lan tiếp tục phát triển, hai bên cần duy trì và mở rộng quy mô các hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, đặc biệt phát huy lợi thế từ tuyến hành lang kinh tế Đông Tây… "Phải nói rằng, tiềm năng hợp tác giữa Đà Nẵng và các địa phương, đối tác Thái Lan còn rất lớn, đặc biệt là khi Đà Nẵng xác định mục tiêu trở thành một trong những trung tâm KT-XH lớn của cả nước và Đông Nam Á. Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng hiện đại và Cảng Tiên Sa là điểm cuối của Tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Đà Nẵng và các đối tác Thái Lan có nhiều cơ hội phát triển để đem lại lợi ích cho các bên. Chúng ta tin tưởng rằng, "Hội thảo và triển lãm ảnh về tăng cường hữu nghị và kết nối thương mại - đầu tư - du lịch Đà Nẵng - Thái Lan" lần này sẽ là cơ hội tốt cho chính quyền, các ban ngành, các doanh nghiệp của hai nước để đánh giá và đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Thái Lan ở thành phố Đà Nẵng; đồng thời tin tưởng Đà Nẵng tiếp tục là điểm đến của các bạn Thái Lan với những ý định tốt đẹp về đầu tư, kinh doanh, hợp tác" - Phó Chủ tịch Trần Phước Sơn nhấn mạnh.
Quyền Tổng lãnh sự Hoàng gia Thái Lan tại thành phố Hồ Chí Minh Natthapol-Na-Songkhla phát biểu
Tại Hội thảo đã có 06 tham luận được trình bày và trao đổi phản biện sôi nổi về các vấn đề đưa ra. Với tham luận: Hợp tác đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan tại Đà Nẵng trên các lĩnh vực thương mại, du lịch; ưu đãi vượt trội của Đà Nẵng so với các địa phương khác trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đã trình bày khái quát về quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Thái Lan nói chung, thành phố Đà Nẵng và Thái Lan nói riêng trên nhiều lĩnh vực. Trong năm 2020, mặc dù dịch bệnh Covid-19 gây ra những bất ổn kinh tế toàn cầu nhưng quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Thái Lan vẫn phát triển, là điểm sáng ấn tượng trong quan hệ song phương. Giá trị thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan trong năm 2020 đạt hơn 11 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, lũy kế đến tháng 10 năm 2021, Thái Lan là đối tác đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 của Việt Nam với 639 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 12 tỷ USD.
Bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư phát biểu tại Hội thảo
Bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm cũng nhấn mạnh các ưu đãi vượt trội của Đà Nẵng về thu hút đầu tư so với các tỉnh thành khác, cụ thể đối với lĩnh vực công nghệ cao, hiện nay, trong 03 khu công nghệ cao quốc gia của cả nước, quy định về mức vốn đầu tư được hưởng ưu đãi thuế suất tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng có phần “vượt trội” hơn so với tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) và Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể: Tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, các dự án đầu tư mới có quy mô vốn từ 3.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 30 năm, trong khi đó quy định quy mô vốn đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh lần lượt là 4.000 tỷ đồng và 6.000 tỷ đồng. Hiện nay thành phố đang nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư:
- Trên cơ sở Quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tham mưu trình Chính phủ ban hành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch chung; phê duyệt Quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết làm cơ sở xác định địa điểm các dự án cần kêu gọi đầu tư nhằm tạo động lực phát triển cho thành phố.
- Sửa đổi Quy trình chuẩn bị đầu tư đối với các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện ngoài các Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phù hợp với Luật Đầu tư 2020.
- Rà soát điều chỉnh, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xã hội hóa (giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp) ... đã được ban hành đảm bảo tính khả thi trong việc áp dụng vào thực tiễn.
- Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 149/2018/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 của Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Các đại biểu chụp anh lưu niệm
Hội thảo đã nêu ra nhiều vấn đề và đề xuất các giải pháp cụ thể trong việc hợp tác, đầu tư giữa hai bên; cần phát huy hết tiềm năng, lợi thế và cần có những chính sách đột phá. Cụ thể, cần hỗ trợ nhau trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hình thành và kết nối các đặc khu kinh tế trên Hành lang kinh tế Đông Tây, trong đó chú trọng các lĩnh vực như sản xuất gốm sứ, công nghiệp dệt may, may mặc và giày da, công nghiệp phụ trợ./.
Thanh Trúc