Tại Hội thảo, các diễn giả đã cung cấp những thông tin cập nhật về tình hình đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam; các tiềm năng và định hướng phát triển của thành phố Đà Nẵng trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ đến gần 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc tiềm năng.
Theo ông Phạm Đức Tuấn – Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Hàn Quốc là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Với 9.186 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 73,91 tỷ USD, hiện nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Với tốc độ phát triển kinh tế tăng nhanh, các hiệp định thương mại được ký kết, Việt Nam sẽ tiếp tục được các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn là điểm đến đầu tư, kinh doanh.
Tham gia Hội thảo, bà Huỳnh Liên Phương – Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng đã có bài trình bày về nội dung “Tìm kiếm phát triển chuỗi cung ứng và chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp công nghệ cao tại Đà Nẵng”. Theo bà Huỳnh Liên Phương, công nghiệp hỗ trợ được xác định là một trong những lĩnh vực mũi nhọn được thành phố Đà Nẵng ưu tiên đầu tư phát triển, nhằm góp phần hình thành chuỗi cung ứng sản xuất, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư của thành phố. Thời gian qua, Đà Nẵng đã ban hành và triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này trên địa bàn thành phố. Từ 2016 - 2020, thành phố thu hút được 24 dự án công nghiệp hỗ trợ mới, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 393 triệu USD, trong đó nổi bật là các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng không, linh kiện ô tô. Trong thời gian đến, thành phố sẽ tiếp tục hoàn chỉnh các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực này để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư Hàn Quốc đến với thành phố.
Bà Huỳnh Liên Phương Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo
Về vấn đề nguồn nhân lực, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư cho biết Đà Nẵng được đánh giá là trung tâm đào tạo hàng đầu khu vực miền Trung – Tây Nguyên với nguồn cung lao động ổn định có tay nghề chất lượng cao và chi phí lao động thấp hơn so với các thành phố lớn khác trong cả nước. Đà Nẵng hiện có 36 trường đại học, cao đẳng và 70 trường đào tạo nghề, cung cấp cho thị trường hơn 25.000 lao động mỗi năm. Để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn thành phố. Theo đó, tập trung chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường định hướng nghề nghiệp; đầu tư phát triển cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học công nghệ trong đào tạo; xây dựng môi trường làm việc, môi trường sống chất lượng cao, thu hút nhân lực từ các địa phương khác; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các dự án giáo dục - đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế; khuyến khích đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường liên kết đào tạo với các trường có chất lượng ở nước ngoài; đồng thời tăng cường tăng cường công tác quản lý nhà nước, kết nối cung - cầu lao động.
Bà Park Su Won – Công ty Toàn Huy Hoàn đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh tại thành phố Đà Nẵng. Bà cho rằng thành phố có những lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng đồng bộ và nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Theo bà Park Su Won, việc đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu sẽ là một trong những động lực chính cho sự phát triển của thành phố trong thời gian đến. Bên cạnh đó, tại Hội thảo, các đại biểu tham dự còn được đại diện của Công ty Cổ phần Long Hậu giới thiệu sơ lược về quy trình đầu tư nhà xưởng công nghệ cao.
(IPA Đà Nẵng)