Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, cần nhanh chóng tái khởi động hoàn toàn hoạt động sản xuất để nắm bắt hiệu quả những cơ hội đầu tư. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Mở rộng thị trường
Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN) Đà Nẵng, việc mở rộng thị trường thu hút đầu tư là định hướng quan trọng trong công tác thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp thời gian tới. Để chuẩn bị cho công tác thu hút đầu tư từ nay đến cuối năm 2021, bước sang năm 2022, bên cạnh kế hoạch đẩy mạnh các thị trường truyền thống, Ban quản lý KCNC&CKCN Đà Nẵng tập trung mở rộng đối tác mới là những quốc gia tham gia vào các hiệp định đa phương hoặc song phương mà Việt Nam đã ký kết; đồng thời chú trọng vào các tập đoàn lớn có nhu cầu mở rộng đầu tư, dịch chuyển đầu tư trong khu vực.
Qua số liệu cho thấy, từ đầu năm đến nay, hoạt động thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực, dù nhiều tháng liền thành phố chịu ảnh hưởng của dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài.
Theo đó, tính đến giữa tháng 9-2021, các khu vực này đã thu hút được 17 dự án, trong đó, có 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư 145,33 triệu USD, nâng tổng vốn đăng ký FDI vào Khu Công nghệ cao đạt 545,1 triệu USD; 13 dự án trong nước đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố với tổng vốn đăng ký 544,4 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp đã thu hút 502 dự án (373 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 27.563 tỷ đồng và 130 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1,854 tỷ USD).
Theo đánh giá từ Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố, đến nay, với việc nước ta ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng như: Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (JVEPA), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP)… đã mở ra nhiều cơ hội để các địa phương tiếp nhận dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, trong đó Đà Nẵng được đánh giá là điểm đến nhận nhiều sự quan tâm lớn. Trong định hướng thu hút đầu tư năm 2021 và thời gian tiếp theo, ngoài tập trung vào các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore…, thành phố sẽ đẩy mạnh mở rộng một số thị trường mới như Peru, Chile, Malaysia (thành viên của Hiệp định CPTPP); Bỉ, Hà Lan, Pháp, Bồ Đào Nha (thành viên của Hiệp định EVFTA)...
Ông Jose Sanchez Barroso Gonzalez, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, trong thời gian tới, Đà Nẵng vẫn là điểm đến được quan tâm lớn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư châu Âu, nhất là ở các lĩnh vực ICT - công nghệ thông tin truyền thông, du lịch và giáo dục. Đây là cơ hội để thành phố khai thác tốt thị trường tiềm năng này, trong đó có nhiều quốc gia là thành viên trong EVFTA.
Theo thống kê từ Ban quản lý KCNC&CKCN Đà Nẵng, hiện trong các khu công nghiệp có 118 dự án FDI, trong đó, dự án đầu từ đến từ các quốc gia nằm trong các hiệp định thương mại. Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu với 48 dự án, tiếp đó là Hàn Quốc với 15 dự án, Hòa Kỳ 6 dự án, Singapore 6 dự án, Malaysia 6 dự án, Pháp 3 dự án, Australia 1 dự án...
Thành phố dự kiến tổ chức linh hoạt nhiều chương trình về thu hút đầu tư trong thời gian tới. TRONG ẢNH: Hội thảo trực tuyến “Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông: Tiềm năng, cơ hội và cách tiếp cận mới” do Bộ Ngoại giao và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào tháng 8-2021. Ảnh: Đơn vị cung cấp |
Linh hoạt kêu gọi thu hút đầu tư trong tình hình mới
Dự kiến trong năm 2022, trên cơ sở theo sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố cũng như trong nước và quốc tế, Ban quản lý KCNC&CKCN Đà Nẵng sẽ tổ chức một loạt các chương trình mới, theo hình thức trực tiếp hay trực tuyến với nhiều nội dung chuyên sâu. Qua đó nhằm đánh giá cụ thể về nhu cầu, thị trường thu hút đầu tư, nhất là những thị trường mới, cụ thể như: sản xuất phim quảng bá về Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng; xúc tiến đầu tư tại châu Âu, nhất là các quốc gia nằm trong Hiệp định EVFTA, nghiên cứu UK Inventor Show 2022; tham dự hội nghị thường niên của ASPA tại Malaysia; tham gia đoàn giao dịch tại Hà Lan, Bỉ và thu hút đầu tư tại Pháp; chương trình xúc tiến đầu tư tại Thung lũng silicon (Mỹ)…
Theo Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, trong thời gian tới sẽ có nhiều nội dung quan trọng được triển khai như: tăng cường kết nối bằng hình thức trực tuyến với cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhằm xác định rõ nhu cầu của từng đối tác để có phương thức, kênh liên lạc và hình thức tổ chức xúc tiến hiệu quả.
Bên cạnh đó, Ban tập trung công tác nghiên cứu tiềm năng thị trường, xu hướng và các đối tác để có cách thức tiếp cận hợp lý; tăng cường cung cấp thông tin về môi trường đầu tư tại thành phố Đà Nẵng đến Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam để giới thiệu, quảng bá và đưa các doanh nghiệp lớn có ý định đầu tư đến Đà Nẵng nhằm đón đầu làn sóng đầu tư, đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau Covid-19...
Trước đó, trong những tháng đầu năm nay, dù chịu nhiều tác động do dịch bệnh tái bùng phát nhiều lần nhưng hoạt động thu hút đầu tư của thành phố vẫn được triển khai khá thường xuyên bằng hình thức trực tuyến, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh cũng như nỗ lực của thành phố trong việc kết nối, kêu gọi đầu tư. Một số chương trình, hội nghị, hội thảo nổi bật như: thành phố chủ trì, phối hợp với Viện Năng lực cạnh tranh châu Á, Liên đoàn doanh nghiệp Singapore (SBF) tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trực tuyến “Hợp tác kinh tế Việt Nam - Singapore: Tiềm năng phát triển của Đà Nẵng”; tham gia hội thảo trực tuyến kết nối đầu tư xây dựng Công viên Dược phẩm tại Việt Nam; hội thảo “Gặp gỡ Việt Nam: đầu tư công nghệ và khởi nghiệp” do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức; hội thảo trực tuyến “Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông: tiềm năng, cơ hội và cách tiếp cận mới” do Bộ Ngoại giao và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức; phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức hội thảo giao thương trực tuyến “Kết nối đầu tư Việt Nam - Nhật Bản”…
Đại diện nhiều hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng mong muốn thành phố cần tính toán và triển khai nhanh chóng các phương án để thiết lập mục tiêu “sống chung an toàn với dịch bệnh” một cách linh hoạt nhằm giúp tái khởi động lại hoàn toàn hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như không bỏ lỡ các cơ hội đầu tư lớn từ trong và ngoài nước.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng, thành phố cần nghiên cứu để đưa ra các chính sách thu hút đầu tư nhằm tăng lợi thế, tính cạnh tranh của Đà Nẵng đối với các địa phương khác. Các hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực, thì bên cạnh những cơ hội cũng kèm theo không ít thách thức trong “cuộc chạy đua” để đón dòng vốn đầu tư từ các quốc gia là thành viên, nhất là trong bối cảnh Covid-19 diễn biến còn phức tạp, nhà đầu tư trở nên kén chọn hơn nhằm giữ vững chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguồn: Báo Đà Nẵng