Nhân viên siêu thị Co.opmart Sơn Trà chuẩn bị combo hàng hóa cho người dân. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Dồi dào nguồn cung thực phẩm
Trong ngày đầu tiên triển khai thực hiện Quyết định số 2788/QĐ-UBND của UBND thành phố trên tinh thần “ai ở đâu thì ở đó”, siêu thị Co.opmart Sơn Trà đã vận chuyển trên 300 đơn hàng thực phẩm cho người dân một số phường trên địa bàn quận Sơn Trà theo hình thức combo, có giá trị từ 150.000-300.000 đồng/đơn.
Hiện siêu thị đủ năng lực cung ứng từ 300-500 đơn hàng theo hình thức combo với đa dạng các mức giá để phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn quận. Bên cạnh đó, cửa hàng tiện lợi của đơn vị tại phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) cũng đủ năng lực cung ứng từ 150-200 đơn hàng/ngày.
“Nguồn hàng rau, củ, quả tươi được nhập về thường xuyên từ các tỉnh, thành phố phía bắc. Nguồn thịt heo, thủy hải sản cũng bảo đảm để cung ứng. Qua hơn nửa tháng phục vụ nhu cầu cho người dân trên địa bàn quận Sơn Trà, chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm nên không còn lúng túng trong khâu triển khai”, Giám đốc siêu thị Co.opmart Sơn Trà Lê Thị Hiền cho biết.
Trong khi đó, tại siêu thị Big C Đà Nẵng, trong ngày 16-8, việc giao hàng vẫn diễn ra bình thường, trong đó nhiều nhất ở khu vực quận Sơn Trà với tổng trị giá các đơn hàng khoảng vài trăm triệu đồng. Nguồn hàng dự trữ trong kho và hàng mới nhập về bảo đảm cung ứng cho người dân. Giám đốc siêu thị Big C Đà Nẵng Võ Thị Thu Thủy cho hay, siêu thị bảo đảm số lượng 300-500 đơn hàng/ngày; thực hiện 2.000 combo hỗ trợ hộ gia đình khó khăn theo chủ trương của thành phố.
Tương tự, để chuẩn bị chu đáo phương án cung cấp thực phẩm trong những ngày tới, siêu thị Danavi Mart đã làm việc với các đối tác cung ứng thực phẩm tươi sống (rau, củ, quả, thịt, cá…), sẵn sàng cung cấp cho người dân. Đối với mặt hàng đồ khô, nhu yếu phẩm (gạo, mì ăn liền, đồ hộp các loại…), siêu thị đã chủ động dự trữ nguồn hàng từ trước. Hiện đơn vị đang tiến hành khảo sát và nhận đơn đặt hàng thực phẩm theo nhu cầu của từng hộ dân để cung cấp trong những ngày tới.
“Chúng tôi đang tập trung giải quyết các đơn hàng được nhận từ các khu dân cư, tổ dân phố. Nếu người dân có nhu cầu gì liên quan đến thực phẩm thì liên hệ trực tiếp với tổ dân phố để chuyển danh sách đến siêu thị kịp thời, bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa trong thời gian thực hiện giãn cách”, bà Phan Như Yến, Giám đốc hệ thống siêu thị Danavi Mart nói.
Theo dự báo của các đơn vị cung ứng, đơn hàng sẽ tăng vào giữa tuần vì trước đó, người dân đã có sự chuẩn bị phần nào nguồn hàng hóa thiết yếu.
Ngoài phối hợp cùng các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các địa phương chủ động liên hệ các cửa hàng cung ứng lương thực, thực phẩm khác trên địa bàn để có phương án tối ưu trong việc phục vụ liền mạch nhu cầu mua sắm của người dân trong 7 ngày này.
Lực lượng đoàn viên, thanh niên phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) hỗ trợ phân bổ hàng hóa đến các tổ trên địa bàn phường trong chiều 16-8. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Chủ động triển khai phương án cung ứng
Tại các quận, huyện, các biện pháp bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường, phục vụ cho nhu cầu của người dân trong điều kiện thực hiện cách ly y tế cũng được triển khai nhanh chóng, kịp thời.
Phường Phước Ninh (quận Hải Châu) hiện có 10.000 nhân khẩu, địa phương đã tiến hành khảo sát kỹ nhu cầu mua sắm của người dân. Qua đó, khoảng 80% người dân đã có sự chủ động trong việc chuẩn bị nguồn hàng hóa thiết yếu, 20% còn lại là nhu cầu về nguồn hàng dự kiến phải bổ sung trong cả tuần. Ông Nguyễn Văn Thạnh, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Ninh thông tin, phường đã thành lập 5 tổ hỗ trợ cung ứng hàng hóa (2 người/tổ) có nhiệm vụ tổng hợp đơn mua hàng từ các tổ dân phố rồi chuyển cho các nhà cung ứng.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Phan Thị Thắng Lợi, địa phương đã thành lập 270 tổ cung ứng hàng hóa. Sở Công thương đã giới thiệu danh sách 49 siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn để các phường chủ động làm việc. Ngoài các nhà cung cấp do Sở Công thương giới thiệu, các phường còn có phương án riêng và điều chỉnh linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương chung của thành phố để phù hợp với tình hình tại địa phương.
Quận cũng yêu cầu các cơ sở cung ứng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong quá trình hoạt động phải thực hiện yêu cầu công tác phòng, chống dịch, áp dụng biện pháp “3 tại chỗ” đối với nhân viên bán hàng, chủ động liên hệ xét nghiệm SARS-CoV-2 với tần suất 3 ngày/lần cho nhân viên của cơ sở, đơn vị.
Tại quận Ngũ Hành Sơn, trước đó, UBND quận đã chỉ đạo các phường trên địa bàn tuyên truyền, đề nghị người dân dự trữ đủ lượng hàng hóa, thực phẩm trong thời gian 7 ngày; đồng thời, kết nối và làm việc với các nhà cung ứng thực phẩm, hệ thống siêu thị trên địa bàn. Toàn quận hiện có khoảng 20 siêu thị mini, 9 đại lý gạo, 50 cửa hàng, đại lý lớn cung cấp hàng hóa.
Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Mai Niên cho hay: “Phòng kinh tế quận tổng hợp và gửi các phiếu đăng ký nhu cầu của người dân đến các siêu thị. Các tổ cung ứng thực phẩm trong khu dân cư, tổ Covid-19 cộng đồng trực tiếp đến nhận hàng từ các đơn vị phân phối để chuyển cho người dân”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Sơn Trà Nguyễn Thành Nam cho biết, quận đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cung ứng và phân phối hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, quận cung cấp đầy đủ thông tin của các đơn vị tham gia cung ứng hàng hóa cho các phường tạo sự kết nối giữa phường và nhà cung ứng. Đồng thời, chỉ đạo UBND phường ký hợp đồng, cam kết trách nhiệm các bên trong quá trình cung ứng hàng hóa, phân bổ các nhà cung ứng đến các tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng.
Toàn quận hiện có 1 trung tâm thương mại, 41 siêu thị tổng hợp, 14 doanh nghiệp lớn chuyên cung ứng thịt các loại và thủy hải sản; 8 đại lý gạo có năng lực dự trữ và cung ứng lớn được phân bố tương đối đồng đều trên địa bàn các phường. Được biết, trên địa bàn quận hiện có 38.511 hộ dân (khoảng 157.400 người), trong đó có 22.734 hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài lượng hàng hóa được mua từ các nhà cung ứng, đối với các hàng hóa được các đơn vị, mạnh thường quân hỗ trợ, việc phân phối sẽ theo nguyên tắc ưu tiên các đối tượng là hộ già yếu neo đơn, hộ đặc biệt nghèo, hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; hộ gia đình gặp khó khăn do mất việc làm, không có nguồn thu nhập do ảnh hưởng của Covid-19 kéo dài.
(Nguồn: https://baodanang.vn/)