Báo cáo PCI vài năm gần đây đã cảnh báo về dấu hiệu quy mô doanh nghiệp FDI giảm dần theo thời gian. Trong khi số lượng doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng lên, quy mô vốn đầu tư và lao động trung bình của khối này đang có xu hướng thu nhỏ dần.
Trên thực tế, một số chuyên gia khác cũng đã cảnh báo về việc xuất hiện nhiều doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ vào Việt Nam với vai trò vệ tinh – cung ứng cho các dự án FDI lớn. Các doanh nghiệp này có thể chiếm mất thị phần của các nhà cung ứng trong nước và cản trở các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập các chuỗi cung ứng toàn cầu. Năm 2019 xu hướng này đã giảm.
Tuy nhiên, trong báo cáo PCI 2019, chúng tôi đã thấy một số tín hiệu ban đầu về hiện tượng chững lại của xu hướng giảm quy mô nói trên. Đáng tiếc là dưới các tác động của COVID-19, xu hướng này có dấu hiệu quay trở lại trong năm 2020.
“Lần đầu tiên trong 11 năm điều tra PCI-FDI, tỷ lệ doanh nghiệp có dưới 5 lao động đã vượt quá 10%, chính xác là 10,8% so với mức 9,1% của năm 2019. Tỷ lệ doanh nghiệp có từ 5-9 lao động cũng tăng từ 10,6 lên 11,3%”, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, dấu hiệu đảo ngược này cũng diễn ra với quy mô vốn chủ sở hữu. Năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp có số vốn dưới 0,5 tỷ đồng chỉ là 9,8%. Một năm sau, con số này tăng lên mức cao kỷ lục 13,1%. Với nhóm doanh nghiệp lớn, chỉ có 3,7% doanh nghiệp FDI có số vốn chủ sở hữu từ 200 đến 500 tỷ đồng, và chỉ 4,6% doanh nghiệp có số vốn trên 500 tỷ đồng (so với con số tương ứng 5,0 và 5,1% năm 2019).
Dẫn nguồn Báo cáo PCI cũng nhấn mạnh, sau đại dịch COVID-19 giống như ở các nước khác, dường như doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã buộc phải cắt giảm quy mô lao động và ngừng đầu tư để ứng phó với tình hình kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên như có thể thấy một số khía cạnh còn đáng quan ngại, đó là kiểm soát tham nhũng, hệ thống thủ tục, quy định, cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ công. Dù những lĩnh vực này đã có cải thiện rõ nét nhưng năm 2020, chỉ có 27% doanh nghiệp FDI đánh giá mức độ tham nhũng ở Việt Nam ít phổ biến hơn ở Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia.
Bên cạnh đó, chỉ có 32% doanh nghiệp FDI cho rằng hệ thống thủ tục, quy định hoặc cơ sở hạ tầng của Việt Nam tốt hơn các nước này, trong khi khoảng 42% doanh nghiệp FDI nhận định chất lượng cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam tốt hơn. Các con số này phù hợp với nhận định của Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) rằng cơ sở hạ tầng và hệ thống quy định là hai lĩnh vực Việt Nam cần cải thiện hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư mới.
Nguồn: Diễn Đàn Doanh nghiệp