Phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo thuận lợi thu hút dự án công nghiệp
Ban quản lý KCNC và các KCN thành phố Đà Nẵng cho biết, theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, KCN hỗ trợ KCNC Đà Nẵng có quy mô diện tích 58,531ha, được đầu tư bằng vốn ngân sách trung hạn do thành phố bố trí giai đoạn 2016-2020 nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và cung cấp dịch vụ phụ trợ cho KCNC Đà Nẵng. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng, có đất sạch để thu hút đầu tư, tuy nhiên chưa thể bố trí được đất cho nhà đầu tư thứ cấp do loại hình khu phụ trợ chưa có khung pháp lý quy định. Do vậy, việc điều chỉnh bổ sung này để có hành lang pháp lý hoạt động và thu hút đầu tư theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, KCN hỗ trợ KCNC thành phố Đà Nẵng tiếp giáp với KCNC và khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng sẽ tạo động lực thu hút, đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 20-10-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ phục vụ khu vực này.
Cùng với việc phê duyệt bổ sung Khu công nghiệp hỗ trợ KCN vào quy hoạch phát triển các KCN Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn thành phố, cụ thể: điều chỉnh giảm diện tích KCN Hòa Nhơn (xã Hòa Nhơn, Hòa Vang) từ 393,57ha xuống còn 360,59ha; đối với việc điều chỉnh diện tích các KCN Hòa Cầm, KCN Hòa Ninh, KCN Hòa Cầm (giai đoạn 2) sẽ thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Đà Nẵng và thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 11, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22-5-2018 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.
Như vậy, với quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Đà Nẵng đã chính thức có KCN hỗ trợ. Đây là cơ sở quan trọng cho việc tập trung các cơ chế, chính sách để phát triển lĩnh vực này nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng đi lên sau nhiều năm chậm phát triển. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành công nghiệp thành phố Đà Nẵng nói chung, KCNC thành phố Đà Nẵng nói riêng nhằm hướng tới mục tiêu “mở đường” thu hút doanh nghiệp vệ tinh chất lượng, hình thành doanh nghiệp vệ tinh cung cấp linh kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp KCNC Đà Nẵng.
Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý KCNC và các KCN Đà Nẵng, việc hình thành KCN hỗ trợ KCNC Đà Nẵng sẽ tạo động lực thu hút, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng, góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị cũng như các nghị quyết, chương trình mục tiêu của Thành ủy Đà Nẵng về phát triển công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố. “Ban quản lý KCNC và các KCN Đà Nẵng cam kết đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng KCN hỗ trợ KCNC sớm đưa vào khai thác, cung cấp quỹ đất cho các nhà đầu tư; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tìm hiểu nghiên cứu, mở rộng, đầu tư, sản xuất”, ông Sơn nói.
Với quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Đà Nẵng đã chính thức có khu công nghiệp hỗ trợ, tạo tiền đề quan trọng để phát triển lĩnh vực này. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Công ty CP Hifil, một doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển
Theo Sở Công thương, tính đến hết năm 2020, trên địa bàn thành phố mới có khoảng gần 120 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, chiếm 6,3% tổng số doanh nghiệp công nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều ở quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hoạt động manh mún, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh, chưa có hàm lượng giá trị gia tăng cao, rất ít đơn vị có đủ năng lực để tham gia cung ứng được sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các đơn vị, tập đoàn sản xuất toàn cầu. Dù tỷ trọng doanh nghiệp ít, quy mô nhỏ, tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp Đà Nẵng, ước khoảng 20%.
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương đánh giá, công nghiệp hỗ trợ - lĩnh vực được thành phố Đà Nẵng xác định là một trong 3 lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn ưu tiên phát triển. Song, thời gian qua, sự phát triển của lĩnh vực này vẫn chưa tương xứng như kỳ vọng. KCN hỗ trợ KCNC Đà Nẵng được hình thành sẽ giải quyết cùng lúc bài toán về mặt bằng cho những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mong muốn đầu tư vào Đà Nẵng và giải quyết bài toán hình thành doanh nghiệp vệ tinh cho doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao tại KCNC Đà Nẵng.
Còn ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng bày tỏ, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung KCN hỗ trợ KCNC vào quy hoạch phát triển các KCN Đà Nẵng là động thái hết sức đáng mừng, tạo tiền đề cho Đà Nẵng thúc đẩy ngành này phát triển theo đúng như kỳ vọng. Đây cũng là đòn bẩy quan trọng cho ngành công nghiệp nói chung, công nghiệp công nghệ cao phát triển; chuẩn bị để đón các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trên thế giới cũng như phát huy được cao hơn giá trị của hoạt động thu hút đầu tư mà thành phố kiên trì đẩy mạnh trong thời gian qua.
“Theo tôi, thành phố cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Đơn cử, cần đánh giá thực tế, chọn lọc doanh nghiệp có năng lực để hỗ trợ và hỗ trợ thích đáng để các doanh nghiệp này sớm đủ lực tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, hàm lượng công nghệ cao; tập trung thu hút đầu tư các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này...”, ông Quang đề cập.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Hà Đức Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố cho biết, đây là tin vui đối với các doanh nghiệp của thành phố, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp nói riêng. Bên cạnh đó, sẽ mở ra cơ hội tham gia đầu tư cho những doanh nghiệp địa phương có sự quan tâm đến lĩnh vực này.
Nguồn: Báo Đà Nẵng