Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Cơ cấu lại ngành du lịch hướng đến phát triển bền vững và hiệu quả hơn
Người đăng tin: Ngày đăng tin: 21/09/2020 Lượt xem: 6

Ngày 16-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng 2030.


Cần cơ cấu lại ngành du lịch

Những năm qua, phát huy lợi thế về vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên cùng sự quan tâm, đầu tư nghiêm túc, Đà Nẵng luôn là một trong những địa phương đi đầu về phát triển du lịch ở vùng duyên hải miền Trung. Năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến Đà Nẵng đạt gần 8,7 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt gần 3,6 triệu lượt, khách nội địa gần 5,2 triệu lượt, tăng so với năm 2015 tương ứng là 85,6%, 178,2%, 51,3%; tổng thu du lịch đạt gần 31 ngàn tỷ đồng, tăng 141,7% so với năm 2015, chiếm khoảng 4,3% tổng thu từ du lịch của cả nước. Năm 2019, tỷ lệ đóng góp du lịch vào GRDP của thành phố đã đạt tới 31,4%; đây được xem là tỷ lệ đóng góp vào loại lớn nhất so với các địa phương có ngành du lịch phát triển trong cả nước.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng 2030

Với những con số, kết quả đạt được ấn tượng trên, có thể khẳng định, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong những ngành kinh tế có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng. Để trả lời cho câu hỏi tại sao phải cơ cấu lại ngành du lịch Đà Nẵng, PGS.TS. Phạm Công Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam - chuyên gia tư vấn, xây dựng Đề án, cho rằng, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận về sự phát triển của du lịch Đà Nẵng thời gian qua, đã xuất hiện nhiều yếu tố ảnh hưởng đến vai trò ngành kinh tế mũi nhọn cũng như sự phát triển bền vững của điểm đến Đà Nẵng.

Cụ thể như, mức chi tiêu và số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế có xu thế giảm; công suất sử dụng buồng trung bình có xu thế giảm, đặc biệt với nhóm khách sạn 2 sao trở xuống (chỉ đạt 30-40%), trong khi đây là nhóm chiếm tới 37,1% tổng số buồng (2019). Bên cạnh đó, tỷ trọng của thị trường khách Hàn Quốc và Trung Quốc trong tổng số khách du lịch quốc tế tăng liên tục trong những năm gần đây và đạt 70,5% năm 2019, trong khi mức chi tiêu và số ngày lưu trú trung bình của những thị trường này thấp so với các thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ.

Điều này đồng nghĩa với việc du lịch Đà Nẵng đang quá phụ thuộc vào một số thị trường mà hiệu quả còn hạn chế, trong khi tiềm ẩn rủi ro khi biến động thị trường. Đây được xem là yếu tố tác động đến việc thực hiện cơ cấu lại du lịch thành phố Đà Nẵng đứng từ góc độ thị trường, để đảm bảo sự phát triển của du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 sẽ trở nên bền vững và hiệu quả hơn. 

PGS.TS. Phạm Công Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, phát biểu tại cuộc họp

Theo PGS.TS. Phạm Công Lương, một yếu tố nữa tác động đến việc phải cơ cấu lại ngành du lịch Đà Nẵng là tình trạng thiếu phù hợp của hệ thống sản phẩm và dịch vụ du lịch với vai trò “Cửa đến - Trung tâm” của vùng duyên hải miền Trung; tình trạng mất cân đối trong cơ cấu hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và tổ chức lãnh thổ du lịch. Trong một thời gian dài, hoạt động phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng chủ yếu tập trung ở dải ven biển tạo ra sự mất cân đối trong trong phát triển hệ thống sản phẩm du lịch và các dịch vụ, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh du lịch, đồng thời hình thành nên “bờ đê” các khu nghỉ dưỡng biển lấp kín đường ra biển, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất của người dân, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của du lịch.

Bên cạnh đó, thực trạng phát triển du lịch còn cho thấy đã xuất hiện áp lực của hoạt động phát triển du lịch, đặc biệt là việc xây dựng các công trình dịch vụ du lịch, đến môi trường tự nhiên và xã hội ở một số địa bàn du lịch trọng điểm của thành phố mà điển hình là bán đảo Sơn Trà và khu vực trung tâm thành phố. Đây là yếu tố quan trọng đòi hỏi cơ cấu lại du lịch, đặc biệt về thị trường du lịch để đảm bảo hạn chế tác động tiêu cực của những thị trường du lịch đại chúng (mass tourism) đến môi trường tự nhiên và xã hội trên địa bàn thành phố, đảm bảo cho phát triển bền vững.

Xét trên khía cạnh “Vòng đời phát triển du lịch ở điểm đến”, điểm đến du lịch Đà Nẵng đã phát triển đến cuối giai đoạn “Trưởng thành” (Hưng thịnh) và bước vào đầu giai đoạn “Suy thoái” với hệ thống các sản phẩm du lịch và dịch vụ đã trở nên “nhàm chán” với du khách, cần thiết phải đầu tư “làm mới” lại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cần cơ cấu lại đầu tư du lịch để đảm bảo sự phát triển du lịch của điểm đến Đà Nẵng “vượt qua” được điểm “liệt” này trong vòng đời phát triển điểm đến.

Ngoài ra, với tác động ngày một rõ của biến đổi khí hậu, dải ven biển nơi tập trung các khu nghỉ dưỡng biển của Đà Nẵng đã và đang xuất hiện hiện tượng xói lở; tình trạng xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như các cơn bão mạnh, áp thấp nhiệt đới, nắng nóng kéo dài... gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch của thành phố. Đây sẽ là yếu tố thúc đẩy du lịch Đà Nẵng cần xem xét lại tổ chức lãnh thổ du lịch.

Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn

Trên cơ sở quan điểm của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 43-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong 3 trụ cột kinh tế của Đà Nẵng, quan điểm đối với việc cơ cấu lại ngành du lịch Đà Nẵng của Đề án đặt ra là phải đảm bảo góp phần tích cực giữ được sự ổn định và tiếp tục nâng cao vai trò ngành kinh tế mũi nhọn của du lịch Đà Nẵng, có đóng góp cao trong cơ cấu GRDP thành phố, góp phần thu ngân sách thành phố, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp; đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng và đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế của thành phố.        

Đồng thời, phải phát huy đầy đủ lợi thế so sánh, các nguồn lực phát triển du lịch cùng với việc khắc phục những hạn chế trong quá trình phát triển du lịch Đà Nẵng; vận hành du lịch Đà Nẵng theo quy luật kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Phát triển du lịch Đà Nẵng nhanh và bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, phát huy vai trò trung tâm của hệ thống doanh nghiệp, sự tham gia tích cực của cộng đồng, tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm du lịch. Phát triển du lịch gắn với hình ảnh “thành phố đáng sống”, năng động, văn minh và thành phố lễ hội, sự kiện, đồng thời bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, gìn giữ cảnh quan, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng – an ninh; phát huy vai trò hạt nhân và cửa ngõ du lịch Vùng kinh tế động lực, trọng điểm miền Trung.

Theo đó, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, điều chỉnh lại cơ cấu du lịch thành phố theo 4 lĩnh vực cơ bản, gồm: cơ cấu lại thị trường; cơ cấu lại sản phẩm du lịch; cơ cấu lại hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch (hệ thống cơ sở lưu trú); cơ cấu lại nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời, chú trọng điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng về lượng khách phù hợp cơ cấu lại thị trường, để đảm bảo không ảnh hưởng đến mục tiêu về thu nhập du lịch, đóng góp của ngành du lịch vào GRDP của thành phố. Phấn đấu đạt cơ cấu giữa thị trường quốc tế và nội địa (có lưu trú) là 50% - 50%; cơ cấu thị trường quốc tế Châu Âu - Bắc Mỹ là 20%, Đông Bắc Á là 57%,  Đông Nam Á (gồm ASEAN và Úc, New Zealand) là 20% và thị trường khác (Trung Đông, Nga…) là 3%. Điều chỉnh lại khoảng 60% tổ chức lãnh thổ du lịch thành phố trên quan điểm và nội dung cơ cấu lại theo lãnh thổ.

Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành việc cơ cấu lại du lịch Đà Nẵng, đạt tỷ lệ giữa thị trường quốc tế và nội địa (có lưu trú) là 45% - 55%; cơ cấu thị trường quốc tế Châu Âu - Bắc Mỹ là 30%, Đông Bắc Á là 40%, Đông Nam Á là 25% và thị trường khác là 5%. Đạt tỷ lệ cơ cấu lại 100% lãnh thổ du lịch.

Lượng khách du lịch đến Đà Nẵng bằng đường hàng không liên tục tăng trong những năm gần đây

Để thực hiện những mục tiêu này, Đề án đặt ra một số giải pháp mang tính tổng thể như đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, thu hút khách du lịch; tạo thuận lợi về điều kiện tiếp cận và đi lại cho khách du lịch; tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, đảm bảo an toàn, vệ sinh cho các điểm đến. Tăng cường kết nối hàng không trong việc khai thác các thị trường xa, thị trường có khả năng chi tiêu cao; xây mới cảng biển du lịch độc lập; xây dựng cảng du lịch đường thủy nội địa cùng với việc nâng cấp hệ thống cầu cảng hiện có để đẩy mạnh phát triển du lịch dọc sông Hàn, biển đảo Đà Nẵng và kết nối du lịch Đà Nẵng với Hội An - Quảng Nam bằng đường thủy nội địa.

Đối với giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư và phân bổ hợp lý các nguồn lực phát triển du lịch, đề án đề xuất xây dựng và ban hành các chính sách tập trung vốn đầu tư công, lồng ghép trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội, thu hút vốn từ khu vực tư nhân xây dựng hạ tầng du lịch tại các địa bàn trọng điểm và khu vực động lực phát triển du lịch của thành phố. Đồng thời, xây dựng cơ chế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các cơ sở dịch vụ chất lượng cao phục vụ khách du lịch, khuyến khích thu hút đầu tư phát triển kinh tế ban đêm.

Một trong những giải pháp quan trọng được đề án đặt ra là đổi mới công tác quản lý du lịch và tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp du lịch, phân định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền địa phương cấp huyện trong quản lý điểm đến du lịch, trong đó nâng cao vai trò và trách nhiệm cho Sở Du lịch trong tổng thể quản lý nhà nước về du lịch; phát triển các mô hình hợp tác công – tư trong quản lý khai thác các khu, điểm du lịch. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển du lịch, cũng như tăng cường liên kết trong nước và quốc tế để phát triển du lịch.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh khẳng định, thành phố luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, việc cơ cấu lại ngành du lịch với những điều chỉnh phù hợp bối cảnh kinh tế nhằm khẳng định vị trí trung tâm và vai trò đi đầu của du lịch Đà Nẵng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương và Chiến lược phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, căn cứ “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và đề án “Giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch vùng duy en hải miền Trung thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong bối cảnh mới”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Du lịch tiếp thu, tổng hợp các ý kiến đóng góp tại cuộc họp, phối hợp nhóm chuyên gia tư vấn hoàn chỉnh đề án, sớm trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt. Trong đó lưu ý làm rõ hơn một số nội dung như: an toàn, an ninh du lịch; vấn đề môi trường; liên kết vùng; vấn đề thị trường gắn với sản phẩm đặc trưng; phát triển du lịch hoà vang… trên tinh thần phát triển du lịch Đà Nẵng thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và đảm bảo phát triển bền vững trong giai đoạn phát triển mới.

 

(Nguồn: danang.gov.vn)


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

Địa chỉ

Tầng 18, Trung tâm Hành chính,

24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Quản lý nội dung HTML

Liên hệ

84-236-3886243/ 3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng

Giấy phép: Số 124/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 20/02/2017

Trưởng Ban Biên tập: Bà Huỳnh Liên Phương - Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng