Giao dịch tại bộ phận Tiếp nhận và Trả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: TRỌNG HUY, Đồ họa: Anh DUY
Đà Nẵng triển khai 678 dịch vụ công trực tuyến mức 4
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch, thời gian qua, nhiều sở, ngành tham mưu UBND thành phố ban hành Bộ TTHC mới, trong đó chuẩn hóa TTHC và bổ sung nhiều TTHC mới. Do vậy, trong tháng 8-2020, Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng mới 256 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cho các TTHC mới, trong đó: Sở Tài nguyên và Môi trường (36 DVCTT lĩnh vực đất đai), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (107 DVCTT), Sở Văn hóa và Thể thao (99 DVCTT), Công an thành phố (14 DVCTT).
Tính đến cuối tháng 8-2020, Cổng dịch vụ công thành phố có 1.589 DVCTT (1.577 DVCTT của khối sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã và 12 DVCTT của khối cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố), tăng 144 DVCTT ở khối sở, ban, ngành so với tháng 7-2020. Tỷ lệ DVCTT là 96% (1.589/1.658). Trong đó, khối phường, xã là 101 DVCTT/101 TTHC, đạt 100% trực tuyến; khối quận, huyện là 184 DVCTT/184 TTHC đạt 100% trực tuyến; khối các sở, ban, ngành là 1.292 DVCTT/1.361 TTHC đạt 95% trực tuyến. Đến nay, các cơ quan Trung ương trên địa bàn đã triển khai trực tuyến cho 24 TTHC theo nhu cầu của Công an thành phố; 2 TTHC cấp điện cho doanh nghiệp của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng và xây dựng thêm 14 DVCTT lĩnh vực khác.
Ông Trần Ngọc Thạch cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2020, các địa phương phải đẩy mạnh cung cấp DVCTT mức 4, đạt tỷ lệ tối thiểu 30%. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông đến cuối tháng 8-2020, bình quân cả nước chỉ đạt gần 18%, có 27 bộ, ngành, địa phương mới chỉ đạt tỷ lệ DVCTT mức 4 dưới 10%. Riêng Đà Nẵng, đến cuối tháng 8-2020, DVCTT mức 4 đã triển khai 678 dịch vụ (nộp hồ sơ qua mạng, trả lệ phí qua mạng và nhận kết quả qua mạng), đạt 40,1%, cao hơn quy định của Trung ương 10%.
Theo ông Trần Ngọc Thạch, trong tháng 8-2020, khi tình hình Covid-9 diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng, Cổng Dịch vụ công thành phố duy trì hoạt động ổn định, bổ sung các tiện ích như: thanh toán qua mạng, hẹn giờ làm dịch vụ…; đặc biệt là triển khai cung cấp dịch vụ trên điện thoại thông minh (app mobile) để phục vụ người dân. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, địa phương, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt rất cao, gần 60% trên tổng số hồ sơ phát sinh.
Ông Lê Phi Hải, Tổng Giám đốc Công ty Hải Nam Media (có địa chỉ tại quận Thanh Khê, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo) cho hay, công ty thường phát sinh các giao dịch yêu cầu giải quyết TTHC. Việc các cơ quan Nhà nước cung cấp DVCTT tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp trong việc tiết kiệm thời gian, tiền bạc, thủ tục được rút gọn, nhanh chóng, kịp thời. Mặt khác, việc sử dụng DVCTT tăng tính công khai, minh bạch, tiết giảm các phát sinh tiêu cực. “Ví dụ, việc khai thuế, đóng thuế đều thực hiện qua mạng. Hiện nay, việc triển khai hóa đơn điện tử càng tạo thuận lợi trong giao dịch và giảm chi phí đi in hóa đơn thủ công như trước đây”, ông Hải nói. Bà Đỗ Thị Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Pannia (có địa chỉ tại quận Cẩm Lệ, hoạt động trong lĩnh vực nhà thầu lắp dựng cơ khí và nhôm kính) cũng cho biết, nếu tất cả các TTHC đều có cung ứng DVCTT thì doanh nghiệp sẽ lựa chọn bởi lợi ích mang lại.
Chi phí phát sinh khi thực hiện DVCTT không đáng kể bằng thời gian, công sức đi lại làm TTHC trực tiếp, chưa kể còn phát sinh các thủ tục khác, thời gian chờ đợi... Hiện nay, bên cạnh một số TTHC giao dịch qua mạng, công ty vẫn còn phải thực hiện một số giao dịch trực tiếp do chưa có DVCTT hoặc không bảo đảm điều kiện thực hiện DVCTT.
Hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến
Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Nguyễn Đắc Xứng cho biết, quận Sơn Trà đã triển khai việc kiểm tra, rà soát việc cập nhật các dịch vụ công mức 3, 4 đã và đang triển khai theo Bộ TTHC mới nhất của UBND thành phố. Theo bà Biện Thị Thu, Phó Chánh văn phòng HĐND, UBND quận Sơn Trà, ngoài việc tuyên truyền trực tiếp đến tận công dân khi đến giao dịch tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả TTHC tại Trung tâm Hành chính quận, quận còn phát tờ rơi hướng dẫn quy trình giao dịch bằng DVCTT cho người dân dễ hiểu, tạo thuận lợi tối đa để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT.
Người dân theo dõi Bảng công khai Bộ thủ tục hành chính thuộc phường, xã tại Khu dân cư Tiên Sơn 9, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu. (Ảnh chụp tháng 5-2020). Ảnh: TRỌNG HUY |
Tuy nhiên, thực tế một số TTHC có yêu cầu cao về mặt hồ sơ hoặc người dân ở gần trụ sở quận, đi lại thuận lợi nên người dân vẫn muốn đến trực tiếp cơ quan giải quyết TTHC để được tư vấn, hỗ trợ. Mặt khác, hiện chi phí gửi qua bưu điện thấp nhất là 26.000 đồng/hồ sơ, đây là mức cao so với nhiều dịch vụ chuyển phát khác.
Phó Chánh văn phòng HĐND, UBND quận Ngũ Hành Sơn Mai Xuân Thủy cho hay, thời gian qua, lãnh đạo quận đặc biệt quan tâm và chỉ đạo quyết liệt đến thủ trưởng các đơn vị có công chức, viên chức tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả, tiếp tục hỗ trợ công dân thực hiện các DVCTT. Hiện có khoảng 45% người dân giao dịch yêu cầu giải quyết TTHC qua DVCTT trên địa bàn quận. Quận cũng đang triển khai hướng dẫn người dân bằng mô hình trực quan để tiện thực hành khi tham gia DVCTT.
Tại quận Hải Châu, Phòng Nội vụ quận đã triển khai rộng rãi đến người dân về Hướng dẫn quy trình thực hiện giải quyết TTHC qua ứng dụng Zalo. Theo đó, bản hướng dẫn giúp người dân có thể thực hiện theo từng bước cụ thể, đơn giản nhưng bảo đảm đúng quy trình triển khai để người dân dễ sử dụng DVCTT trên Cổng DVCTT thành phố được kết nối về Cổng DVCTT quận và các phường thuộc quận.
Có thể thấy, việc cung cấp DVCTT ngày càng tăng cao về mức độ và phạm vi trên địa bàn thành phố thời gian qua đã góp phần hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công; góp phần vào việc chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn: baodanang.vn