Nội dung Quyết định số 393/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 xác định ưu tiên đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông đối ngoại như: di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố gắn với dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tuyến đường quy hoạch dọc theo tuyến đường sắt mới; xây dựng cảng Liên Chiểu thành cảng IA theo quy hoạch; nâng cấp quốc lộ 14G; tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây 2, ở rộng quốc lộ 14G.
Theo quyết định trên, về đường bộ, thành phố cần sớm hoàn thành các dự án đường bộ kết nối khu vực như: đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, Đà Nẵng - Quảng Trị; phối hợp đề xuất xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao qua vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Huế - Đà Nẵng - Quy Nhơn); xây dựng hầm đường sắt qua đèo Hải Vân, nghiên cứu đầu tư xây dựng đường sắt Đà Nẵng - Kon Tum thuộc tuyến đường sắt Tây Nguyên từ Đà Nẵng - Kon Tum - Đắk Lắk - Buôn Ma Thuộc - Chơn Thành đến thành phố Hồ Chí Minh.
Về hệ thống giao thông đường thủy, kết nối Đà Nẵng - Hội An theo tuyến sông Hàn - Cẩm Lệ - Cổ Cò và tuyến Liên Chiểu - Cù Lao Chàm vừa phục vụ hàng hóa, vừa phát triển du lịch. Thành phố tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cao khả năng khai thác Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng công suất tối đa 28 - 30 triệu lượt khách/năm.
Đặc biệt, đối với giao thông nội thị, Đà Nẵng nghiên cứu lại tổng thể việc tổ chức giao thông nội thị, trong đó sớm nghiên cứu giải pháp tổ chức giao thông ngầm đô thị, xây dựng đường hầm qua Sân bay Đà Nẵng; nâng cấp và mở rộng các tuyến đường tỉnh, đường huyện...; xây dựng một số nút giao thông khác mức khu vực trung tâm; xây dựng các bãi đỗ xe thông minh. Mục tiêu của quyết định này nhằm phát triển Đà Nẵng thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á; là thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên, trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh.
Vấn đề nghiên cứu xây dựng đường hầm qua khu vực Sân bay Đà Nẵng được UBND thành phố nghiên cứu đề xuất từ năm 2016. Theo đó, thành phố Đà Nẵng xác định nghiên cứu về quy hoạch, giải pháp thiết kế, phương thức đầu tư… đường hầm này để kết nối giao thông, góp phần phát triển khu vực phía tây Đà Nẵng.
Phát triển đường hầm giao thông qua Sân bay Đà Nẵng có tác động tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội lẫn quốc phòng-an ninh. Kết nối giao thông qua tuyến đường nội thị qua Sân bay Đà Nẵng tạo điều kiện khai thác du lịch sinh thái đối với các khu vực xanh (như khu vực núi Phước Tường, Hòa Sơn); khớp nối giao thông nối các quận, huyện của Đà Nẵng sẽ được gần hơn (giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân); khớp nối các phương thức giao thông; đồng thời sẽ thuận lợi cho việc đầu tư các tuyến tàu điện ngầm cho thành phố Đà Nẵng (theo hai hướng nam- bắc, đông - tây).
(Nguồn: Báo Đà Nẵng)