Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, địa phương cần xác định rõ thế nào là ngành kinh tế mũi nhọn, những tồn tại của du lịch Đà Nẵng hiện nay và ngành sẽ làm những gì để phát triển du lịch… từ đó sẽ xác định được yêu cầu trong chiến lược ngành.
Nói đến phát triển du lịch bền vững, nếu chỉ đơn thuần là môi trường du lịch không thôi thì chưa đủ mà phải có sự chung tay của cả cộng đồng; phải tạo được nhiều việc làm cho xã hội; tạo sự lan tỏa cho các ngành khác cùng phát triển.
PGS.TS Phạm Trung Lương cho rằng, Đà Nẵng không nên chạy theo các con số thống kê về số lượng khách mà nên chú trọng vào chất lượng khách. Du lịch Đà Nẵng phải chuyển từ lượng sang chất; đồng thời xác định du lịch là cái trục chính, xung quanh là các ngành khác cùng tham gia hỗ trợ. Ngành du lịch là ngành kinh tế liên ngành, liên vùng và có tính xã hội hóa cao.
Vai trò của du lịch Đà Nẵng không chỉ đơn thuần là điểm đến mà còn là “cửa ngõ” của du lịch miền Trung. Với 2 chức năng này, Đà Nẵng cần xây dựng các sản phẩm dịch vụ kèm theo để phát huy lợi thế “cửa ngõ” như: mở rộng cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, phát triển du lịch đường sông, có các chính sách để phát triển sản phẩm đặc thù, du lịch đêm…
Đồng quan điểm này, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Trần Chí Cường nhìn nhận, yếu tố thúc đẩy phát triển du lịch thời gian vừa qua là sự đồng lòng, đồng thuận của các cấp chính quyền, cộng đồng người dân và doanh nghiệp trong phát triển du lịch. Theo ông Cường, định hướng chung của du lịch thành phố là phát triển du lịch chất lượng cao. Đã đến lúc không chú trọng phát triển về số lượng mà tập trung vào chất lượng, kéo theo sản phẩm, dịch vụ, nguồn nhân lực phục vụ cho dịch vụ đó cũng phải tương xứng.
Khi xác định hướng tới chất lượng sản phẩm dịch vụ cao thì phải xem lại chỉ tiêu dự báo; đồng thời, khi coi Đà Nẵng không chỉ đơn thuần là điểm đến mà là “cửa ngõ” của khu vực thì phải xem lượng khách tác động đến điểm đến, giao thông, môi trường… như thế nào.
Đồng thời phải làm tốt yếu tố liên kết với các địa phương khác. Nếu không làm tốt được tốt vai trò liên kết vùng thì sẽ quay trở lại lối mòn như trước kia, tức là Đà Nẵng chỉ là điểm trung chuyển khách chứ không phải là vừa tiếp nhận và lan tỏa khách tới các vùng lân cận.
Trong khi đó, TS Trương Sĩ Quý, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng chỉ ra, có 3 vấn đề cốt lõi tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững cho Đà Nẵng, đó là: lợi thế biển, đầu mối giao thông và con người Đà Nẵng thân thiện, mến khách.
Sự cạnh tranh, phát triển của Đà Nẵng nên bám vào 3 vấn đề cốt lõi này để khai thác. Đơn cử như việc bảo vệ và phát triển tài nguyên biển cần phải đặt lên mối quan tâm hàng đầu, phải xử lý triệt để việc cấm xả thải ra biển; phát huy vai trò cửa ngõ của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Chung tay phát triển bền vững
Theo báo cáo của Sở Du lịch thành phố, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng khách tham quan du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2015-2019 đạt 17,88%; tổng lượng khách tham quan 2019 ước đạt 8,69 triệu lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 3,52 triệu lượt; khách nội địa ước đạt 5,17 triệu lượt; tốc độ tăng trưởng bình quân tổng thu du lịch giai đoạn 2015-2019 ước đạt 25,7%; tổng thu du lịch năm 2019 ước đạt 30.973 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định như cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng có dấu hiệu quá tải; hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch đường thủy nội địa chưa hoàn thiện để phục vụ du khách; hoạt động du lịch còn phụ thuộc vào một số thị trường lớn, kinh phí cho hoạt động xúc tiến quảng bá ra nước ngoài chưa nhiều…
Theo dự báo, lượng khách đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng bình quân tổng khách lưu trú tăng khoảng 12-1,5%/năm; tổng khách lưu trú dự báo khoảng 10,5-12 triệu lượt, trong đó khách quốc tế ước khoảng 5,5-6,5 triệu lượt; đến năm 2030 khách lưu trú dự báo đạt 18-19,5 triệu lượt; trong đó khách quốc tế khoảng 9-10,5 triệu lượt.
Định hướng phát triển du lịch của thành phố đến năm 2030 sẽ tập trung tăng số lượng khách phân khúc chất lượng cao, có khả năng chi tiêu cao; đa dạng hóa các thị trường quốc tế, hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường… Trong phát triển sản phẩm ưu tiên phát triển theo 4 nhóm sản phẩm chính gồm: du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, vui chơi, giải trí, hội nghị, hội thảo MICE; du lịch văn hóa tâm linh, lịch sử, sinh thái, làng nghề; du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực…
Đà Nẵng phát triển du lịch một cách quá nhanh nên các chuyên gia và những người làm du lịch cho rằng cần hướng đến thị trường khách chất lượng cao thay vì lựa chọn số lượng như trước đây. Trong ảnh: Du khách tham quan tại khu du lịch Bà Nà Hills. |
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, du lịch là một trong 3 trụ cột chính phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng. Trong những năm qua, thành phố đã có những giải pháp để phát triển du lịch thành phố, kết quả về du lịch trong những năm qua có sự tăng trưởng về số lượng khách, đa dạng các thị trường khách cũng như các sản phẩm dịch vụ, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của thành phố. Tuy nhiên, du lịch thành phố cũng phải đối mặt với những khó khăn nhất định, nhất là vấn đề môi trường, hạ tầng, giao thông, các sản phẩm mới…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, chuyên gia. Trên cơ sở tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Sở Du lịch cần tổng hợp, xây dựng đề án phát triển du lịch Đà Nẵng tổng thể đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045.
Trong đó, tập trung giải quyết các vấn đề về khớp nối quy hoạch chung, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch kinh tế đêm, vấn đề môi trường, nguồn nhân lực, xúc tiến du lịch, liên kết vùng… Cần tập trung làm du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp chứ không manh mún; thành phố cũng đã hình thành được quỹ phát triển du lịch gần 5 tỷ đồng, quỹ này sẽ được sử dụng để kêu gọi, xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch của thành phố, các ngành cùng chung tay vào làm vì sự phát triển du lịch chung của thành phố.
Ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Chủ tịch Hội khách sạn Đà Nẵng: Nên thành lập hội chuyên gia quản lý khách sạn hàng đầu Khách sạn của Đà Nẵng đang sở hữu nhiều thương hiệu quốc tế vận hành và quản lý, những nhà quản lý hàng đầu quốc tế đánh giá Đà Nẵng rất tiềm năng hội tụ nhiều yếu tố để phát triển. Đà Nẵng nên thành lập hội gồm các chuyên gia quản lý các khách sạn hàng đầu. Họ sẽ chia sẻ những ý tưởng, kinh nghiệm về việc phát triển sản phẩm, phát triển điểm đến, cách làm du lịch nhanh hơn, đón đầu thay vì vừa đi vừa dò. Bên cạnh đó, trước tình trạng giao thông hiện nay lộn xộn trong việc cấm xe lớn chở khách ở một số tuyến đường thì nên hình thành những tuyến xe buýt đường sông cho khách du lịch. Như thế, vừa phát triển được du lịch đường sông, vừa thuận lợi cho du khách cũng như có thêm sản phẩm mới cho khách trải nghiệm, giảm tải được giao thông ùn tắc giờ cao điểm. Đà Nẵng phát triển liên tục nhưng hiện đang mất cân đối về ngành nghề du lịch và nguy cơ cạnh tranh khốc liệt với các địa phương lân cận. Vì vậy, Đà Nẵng cần gấp rút đầu tư sản phẩm dịch vụ để trở thành điểm đến dịch vụ cao cấp; đầu tư cho ẩm thực đặc sản vùng miền; phát triển phố đi bộ; tổ chức các giải golf quốc tế để thu hút khách chi tiêu cao. Đặc biệt, chú trọng trong đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề, ưu tiên những trường nghề để có được các lao động lành nghề... |
Nguồn: Báo Đà Nẵng
https://www.baodanang.vn/channel/5404/201912/du-lich-da-nang-chu-trong-chat-hon-luong-3266165/